Ngành Giáo dục nhìn lại một năm nhiều thách thức; Bình chọn Nhà giáo tiêu biểu hằng năm

GD&TĐ- Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị nhìn lại 1 năm đương đầu với thách thức, ứng phó dịch bệnh và nêu kế hoạch trọng tâm năm 2022; Ban hành Quy chế bình chọn “Nhà giáo tiêu biểu của năm”... là những thông tin được quan tâm.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Nhìn lại một năm nhiều thách thức của ngành Giáo dục và Đào tạo

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ.

"Trong năm 2022: Trước hết, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo. Trong đó, sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành Giáo dục.

Trước thực tế có gần 70 nghìn sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng với đó tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên. Trọng tâm vẫn là bù đắp, củng cố chất lượng giáo dục từ phổ thông tới đại học”, Bộ trưởng nêu rõ.

Năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

Trong năm, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đến ngày 30/11/2021, riêng ngành Giáo dục đã huy động được 146,892 tỷ đồng, 30.612 máy tính bảng, 31.305 điện thoại thông minh và 99.479 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Tính đến ngày 31/12/2021, Bộ đã phân bổ 87.756 máy tính cho 20 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại những khó khăn mà ngành Giáo dục phải đối mặt trong năm 2021 do dịch bệnh Covid-19, đồng thời chỉ ra những việc đã làm được và những điều còn “đáng tiếc” của năm qua.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Kế hoạch bình chọn 200 “Nhà giáo tiêu biểu của năm”

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã ký Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế bình chọn “Nhà giáo tiêu biểu của năm”.

Theo đó, sẽ có 200 “Nhà giáo tiêu biểu” được bình chọn khen thưởng do Hội đồng bình chọn Bộ GD&ĐT quyết định.

Đối tượng bình chọn là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục thuộc các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, bao gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập.

“Nhà giáo tiêu biểu của năm” được bình chọn theo nguyên tắc đề cử, bình chọn bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ và tự nguyện trong việc đề cử, bình chọn. Tôn vinh các nhà giáo tâm huyết với nghề, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, hoạt động giáo dục và quản lý học sinh, sinh viên, được đồng nghiệp, người học tín nhiệm. Ưu tiên đề cử, bình chọn các nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

“Nhà giáo tiêu biểu của năm” được nhận Bằng khen và quà tặng của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng thời được mời tham dự các hoạt động “Tri ân Nhà giáo” vào tháng 11 hằng năm.

Việc bình chọn “Nhà giáo tiêu biểu của năm” được thực hiện hằng năm nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị; có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng GD đại học, cao đẳng sư phạm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030”.

Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Giai đoạn 2022-2025: Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (cơ sở đào tạo) được cơ bản hoàn thành; năng lực hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được nâng cao.

Mục tiêu giai đoạn 2026-2030: Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; phát triển bền vững hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình; chỉ đạo các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ của Chương trình và kiểm tra việc thực hiện.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; nâng cao năng lực của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở đào tạo; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng chính sách về bảo đảm và kiểm định chất lượng; nâng cao chất lượng và bảo đảm về số lượng kiểm định viên đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ