Nâng giá trị sử dụng cho sách giáo khoa cũ

GD&TĐ - Sách giáo khoa mới ngày càng được biên soạn, in ấn hiện đại, chất lượng tốt… thì việc tận dụng, tránh lãng phí là điều cần thiết.

Trường PTDTBT Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) chú trọng hướng dẫn học sinh kĩ năng sử dụng, giữ gìn SGK trong quá trình học tập. Ảnh: NTCC
Trường PTDTBT Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) chú trọng hướng dẫn học sinh kĩ năng sử dụng, giữ gìn SGK trong quá trình học tập. Ảnh: NTCC

Nhiều trường học và phụ huynh đã tăng cường sử dụng và tạo giá trị cho sách giáo khoa cũ. 

Không lãng phí

Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) thuộc xã vùng cao, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, 100% bà con dân tộc, làm nghề nông, thu nhập thấp. Những năm trước đây việc chuẩn bị sách giáo khoa (SGK), đồ dùng học tập cho trẻ trước thềm năm học mới luôn là nỗi lo của gia đình, nhà trường và trông đợi nhiều vào sự ủng hộ của các tổ chức xã hội.

Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Từ năm học 2021 - 2022, với chế độ chính sách của tỉnh, 100% học sinh của trường thuộc diện được cấp phát sách nên vấn đề thiếu SGK được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên khi triển khai Chương trình GDPT mới, tận dụng lại vẫn được coi như nhiệm vụ quan trọng bởi trường có hơn 1.300 học sinh, 19 điểm trường lẻ. Việc bảo quản SGK suốt năm học đối với học sinh dân tộc còn hạn chế, môi trường điều kiện khí hậu khắc nghiệt khiến sách nhanh hỏng. Khi có nguồn sách tận dụng, học sinh trong quá trình học tập bị hỏng, mất… sách sẽ được bổ sung kịp thời.

Theo thầy Đông, SGK lớp 1, 2 không thay đổi hàng năm nên việc tận dụng sử dụng ở các năm tiếp theo cần thiết. Các trường học trong huyện luôn có chọn lựa sách giống nhau nên có thể hỗ trợ, tặng lại SGK cho học sinh không thuộc diện được hỗ trợ sách nhưng vẫn cần giúp đỡ.

“Triển khai Chương trình GDPT mới, để bổ sung cho số SGK bị thiếu và hư hao, nhà trường đều vận động phụ huynh, học sinh tặng lại SGK đã học cho các em khối sau sử dụng tiếp… Mặt khác, để giải “bài toán” thiếu SGK, từ đầu năm học ban giám hiệu họp và triển khai đến toàn thể giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm gìn giữ SGK, đồ dùng học tập cho học sinh. Trường hướng tới xây dựng tủ sách dùng chung để tận dụng và nâng cao giá trị số SGK huy động được …”, thầy Đông trao đổi.

Thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) cho biết: Cơ bản học sinh được phát sách theo chế độ nhưng trường vẫn phát động phong trào ủng hộ SGK vào cuối năm học. Bước vào năm học mới, số sách còn tốt sẽ được tái sử dụng, số tiền mua sách mới với sự đồng ý của phụ huynh sẽ được trường linh hoạt chuyển sang mua học phẩm khác: Vở, bút mực, sách tham khảo, tăng cường… phục vụ cho việc học tập của học sinh.

Theo thầy Tùng, với cách làm này 2 năm nay khoảng 30% học sinh của trường không phải mua hoặc mua lại một số đầu sách mới. Số kinh phí còn lại hỗ trợ đáng kể cho gia đình mua sắm đồ dùng học tập khác.

Để tận dụng lại số SGK lớp 6 học sinh đã sử dụng, theo cô Đinh Thị Gửi, Phó Bí thư Đoàn trường Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái), cuối năm giáo viên chủ nhiệm sẽ vận động phụ huynh ủng hộ hoặc bán lại cho nhà trường. Số SGK cũ sẽ được các phụ huynh khác mua lại theo với giá thấp; còn phụ huynh có sách bán lại cũng có thêm tiền để hỗ trợ việc mua SGK lớp 7 mới.

“SGK mới được in chất liệu tốt, màu sắc đẹp, nếu không tận dụng lại sẽ vô cùng lãng phí. Mặt khác, việc lựa chọn SGK mới ở các nhà trường hiện nay hầu hết đều liên thông nên hoàn toàn có thể tận dụng SGK cũ…”, cô Gửi bày tỏ.

Với số học sinh đông, Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) luôn cần nguồn SGK cũ để bổ sung thường xuyên cho học trò trong quá trình học tập. Ảnh: NTCC
Với số học sinh đông, Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) luôn cần nguồn SGK cũ để bổ sung thường xuyên cho học trò trong quá trình học tập. Ảnh: NTCC

Tránh lãng phí từ gia đình, nhà trường

Chị Nguyễn Thị Quỳnh có 2 con vào học lớp 5 và lớp 6 Trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trao đổi: Giá SGK mới vừa được các nhà xuất bản công bố cao hơn so với giá SGK hiện hành. Song với gia đình ở thành phố chỉ có 1-2 con đi học thì mua 2 bộ SGK mới không khó khăn. Tuy nhiên, 2 con cách nhau 1 tuổi, lại học cùng trường nên 1 bộ SGK có thể tận dụng lại năm trước, năm sau.

“Đầu năm học, tôi dạy con ý thức giữ gìn SGK cẩn thận. Tuyệt đối không vẽ hay bôi bẩn lên sách, yêu cầu con bọc sách bằng bóng kính… Do đó 80% số sách có thể dùng tiếp. Một số sách bị hư thì mua lại nên kinh phí không đáng kể. Việc đăng ký mua 1 bộ hay vài quyển theo yêu cầu của gia đình với nhà trường cũng thuận lợi…”, chị Quỳnh chia sẻ.

Trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội) có 365 học sinh, trong đó khối 6 với 84 học sinh đang học Chương trình, SGK mới, hàng năm trường có khoảng 20 học sinh thuộc diện khó khăn cần hỗ trợ sách. Do đó, tại Ngày hội đọc sách vừa diễn ra, trường đã cho học sinh khối 6 đăng ký tặng lại SGK. Với số sách có được, trường lựa ra những đầu sách còn tốt nhất để tặng lại cho học sinh khó khăn.

“Với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khi được trao tặng những bộ SGK miễn phí không chỉ thể hiện sự quan tâm về tinh thần mà còn hỗ trợ vật chất đáng kể đối với gia đình…”, cô Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch.

Dù thực hiện chương trình mới nhưng cuối năm học các trường vẫn triển khai huy động sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 đã qua sử dụng của học sinh. Giáo viên, Đoàn trường sẽ phân loại theo đầu sách, đóng hộp cẩn thận, để trao lại cho các trường khó khăn cùng dạy học các đầu sách giống nhau. Trên thực tế, ở năm học đầu tiên với SGK lớp 1, nhiều trường vùng khó, nông thôn vẫn cần nguồn SGK cũ để tặng học sinh không thuộc diện được hỗ trợ sách nhưng vẫn khó khăn hoặc bổ sung tủ sách, thư viện làm nguồn tài liệu cho giáo viên tham khảo... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ