Nâng cao hiệu quả việc quản lý chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Đây là một nội dung trong hướng dẫn 426/SGDĐT-GDTH về nội dung trọng tâm trong học kỳ 2 năm học 2016-2017 của Sở GD&ĐT Sóc Trăng.  

Nâng cao hiệu quả việc quản lý chất lượng giáo dục

Theo hướng dẫn này, Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Quản lý chất lượng giáo dục trường tiểu học là trách nhiệm của hiệu trưởng các trường tiểu học. Do đó, để làm tốt việc quản lý chất lượng giáo dục, các trường tiểu học cần làm tốt các công việc sau đây:

Quản lý việc dạy học từng lớp học và của từng giáo viên: Hiệu trưởng phải quản lý được việc thực hiện chương trình, soạn giảng, dạy học của từng giáo viên; theo dõi thường xuyên kết quả học tập, rèn luyện của từng học sinh trong từng lớp học thông qua dự giờ, thăm lớp, báo cáo của giáo viên để chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời những vướng mắc, hạn chế, thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy học đạt hiệu quả thiết thực.

Tăng cường các giải pháp kiểm tra, đánh giá lớp học, cụ thể: Mỗi học sinh phải có đầy đủ các dụng cụ học tập và phải được bảo quản, gìn giữ tốt trong suốt năm học.

Lớp học phải sạch sẽ, thoáng mát, được sắp xếp, trang trí theo các quy định hiện hành; số lần kiểm tra, biên bản kiểm tra đối với từng lớp học do hiệu trưởng quyết định, thực hiện; biên bản kiểm tra lớp học cuối năm là căn cứ quan trọng để đánh giá Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Quản lý chất lượng giáo dục là quản lý đồng bộ về chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, hoạt động giáo dục và các biểu hiện về năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

Do đó, việc kiểm tra lớp học không chỉ tập trung vào việc đánh giá kết quả dạy học của giáo viên mà phải quan tâm đặc biệt đến những tiến bộ của từng học sinh về học tập và rèn luyện để giúp các em phát triển toàn diện.

Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát trường học nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng dạy học; phát hiện và hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn tại các trường học đảm bảo chất lượng giáo dục trong năm học 2016-2017 và các năm tiếp theo.

Hiệu trưởng các trường tiểu học cần tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện quy định đánh giá học sin. Không giải trình những thắc mắc, kiến nghị của phụ huynh liên quan đến kết quả đánh giá học sinh vì không đúng phạm vi, quyền hạn của hiệu trưởng.

Giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá học sinh, kết quả giáo dục học sinh trong lớp và cùng với giáo viên bộ môn làm rõ các vấn đề có liên quan đến nội dung, cách thức đánh giá học sinh theo quy định hiện hành để cha mẹ học sinh thông hiểu, đồng tình, tham gia vào quá trình đánh giá học sinh.

Các trường cần tổ chức cho giáo viên viết bản cam kết trách nhiệm theo 3 nội dung trọng tâm của năm học này là: cam kết việc thực hiện quy chế chuyên môn; cam kết thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng; cam kết thực hiện việc bàn giao lớp, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh với các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp cụ thể của từng giáo viên làm căn cứ để hiệu trưởng đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ