Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Cần địa phương quan tâm!

GD&TĐ - Bằng nguồn lực và sự linh động từ địa phương, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi có nhiều khởi sắc. Qua đó hỗ trợ tích cực cho bậc học quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển của trẻ.

Sân chơi cho trẻ tại Trường MN Kim Đồng (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) từ nguồn xã hội hóa.
Sân chơi cho trẻ tại Trường MN Kim Đồng (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) từ nguồn xã hội hóa.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Tại tỉnh Tiền Giang, TP Mỹ Tho là điểm sáng về xã hội hóa giáo dục Mầm non. Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh (nhà trẻ đạt hơn 38,9%; toàn tỉnh khoảng 13%). Trẻ đến trường mầm non dân lập, tư thục đạt từ 35 - 45%. 100% trẻ em từ 3 đến 5 tuổi thuộc diện chính sách được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định.

Từ nguồn huy động xã hội hóa, các trường mầm non dân lập, tư thục đã đầu tư sửa chữa trường lớp 25 tỷ đồng; chi trả lương cho đội ngũ giáo viên từ 7 - 8 tỷ đồng/năm, trung bình lương giáo viên từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Có 100% cơ sở giáo dục mầm non được công nhận là “Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong trường mầm non”. Tỷ lệ học sinh bán trú đạt 99,6%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi giảm 0,4% so với các năm học trước.

Trường MN Kim Đồng (phường 3, TP Mỹ Tho) là địa bàn có trẻ đa số là con em người lao động phổ thông, làm thuê. Nhà trường đã đầu tư nhiều công trình để đáp ứng nuôi dạy, phát triển kỹ năng cho trẻ. Đến nay, khuôn viên trường rợp bóng mát cây xanh, đầu tư khang trang. Khu “Chơi phát triển vận động” được tạo ra với nhiều trò chơi dân gian như đi cầu khỉ, kéo mo cau… từ vật dụng tre, ống nhựa, bình nhựa cũ. Góc vườn cổ tích với những nhân vật  được làm từ vật liệu đã qua sử dụng như thùng sơn, vỏ xe, rỗ tre được sơn thật đẹp với kinh phí 50 triệu đồng, .

Cô Đinh Thúy Phượng, Hiệu trưởng Trường MN Kim Đồng cho biết năm 2016, trường mới xây nên nắng nóng, lối đi bằng xi măng mùa mưa trơn trợt, khu vui chơi cho trẻ là khu đất trũng ngập nước. Trường lại nằm trong hẻm nhỏ. Phụ huynh trong vùng đều thu nhập thấp… Bằng quyết tâm, đội ngũ sư phạm nhà trường bắt tay vào việc tạo môi trường học tập, vui chơi cho trẻ với kinh phí thấp nhất.

“Tất cả đều tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của các cô và sự hỗ trợ ngày công của phụ huynh. Phụ huynh đóng góp  ngày công chúng tôi rất mừng bởi thu nhập của các gia đình không cao, trên địa bàn không có doanh nghiệp lớn… Nhờ sự chung sức này trẻ ở Trường MN Kim Đồng đã có một sân chơi thật hấp dẫn và thú vị ”, cô Phượng chia sẻ.

Bằng nguồn lực và sự linh động từ địa phương, công tác phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi có nhiều khởi sắc.
Bằng nguồn lực và sự linh động từ địa phương, công tác phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi có nhiều khởi sắc.

Cần sự linh động, quan tâm từ địa phương

Tại TP Cần Thơ, công tác Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện công tác phổ cập.

GDMN trẻ 5 tuổi thông qua các chỉ thị, nghị quyết. Theo đó, mạng lưới trường lớp được đầu tư phát triển, đầu tư mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong lớp, ngoài trời phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi.

Từ đó, tạo được lòng tin cho phụ huynh an tâm gửi con đến trường, đảm bảo 100% trẻ đến trường được học chương trình giáo dục theo quy định, được học 2 buổi/ngày; đảm bảo các điều kiện chăm sóc nuôi dạy trẻ; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi đều thấp hơn so với tiêu chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT.

Hàng năm, công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi ở Cần Thơ luôn được quan tâm thực hiện và đạt kết quả cao. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi huy động đến lớp đạt 100%, cơ sở vật chất đảm bảo 1 lớp/1 phòng học. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên đa số đạt và vượt chuẩn so với quy định.

Bên cạnh những thuận lợi, theo Phòng GD&ĐT TP Mỹ Tho (Tiền Giang) việc phát triển bậc học mầm non, đặc biệt là công tác xã hội hóa gặp một số khó khăn.

Theo đó, xã hội hóa giáo dục mầm non tuy có phát triển nhưng chưa có sự đồng đều ở các địa bàn, phường, xã. Số nhóm lớp gia đình có mở rộng nhưng không ổn định và nhân sự thường xuyên thay đổi nên kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ chưa đáp ứng nhu cầu dạy học.

Theo đại diện các trường mầm non ở TP Mỹ Tho, một trong những nguyên nhân khiến nhà trường chưa thực hiện được việc chuyển sang cơ chế tự chủ là do trường được xây dựng theo hình thức cuốn chiếu, một số phòng học xây dựng trước đây đã xuống cấp.

Trang thiết bị bị ràng buộc khi mua sắm theo danh mục nên chưa đáp ứng nhu cầu của trường chất lượng cao, hiện đại. Thu nhập của phụ huynh đa số là công chức nhà nước và người lao động nên khi áp dụng mức thu theo phương án chuyển đổi mô hình thì số trẻ giảm. Do chưa có văn bản pháp lý quy định về thu học phí loại hình từ công lập chuyển sang tự chủ   nên vấp nhiều ý kiến dư luận…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng, xã hội hóa bậc học mầm non cần xác định đúng mục tiêu. Đó là cải thiện môi trường dạy và học để  nuôi dạy và chăm sóc trẻ thật tốt; hình thức vận động đa dạng, phù hợp và công khai minh bạch với đối tượng tham gia đóng góp. Trong đó trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành giáo dục là rất quan trọng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ