Nâng cao chất lượng đào tạo từ xa: Chìa khóa ở năng lực giảng viên

GD&TĐ - Những thay đổi của ngành Giáo dục cùng với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra yêu cầu cho đội ngũ giảng viên phải nâng cao năng lực của mình. Song song với vấn đề nâng cao năng lực chuyên môn, các nhà giáo phải tự hoàn thiện mình về năng lực dạy học. Bởi vậy, đội ngũ giảng viên trong đào tạo từ xa bắt buộc phải thích ứng với việc đổi mới về năng lực.

Ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong đào tạo từ xa là yêu cầu bắt buộc với các giảng viên trong thời đại CMCN 4.0 nhằm giúp người học cập nhật tối đa kiến thức
Ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong đào tạo từ xa là yêu cầu bắt buộc với các giảng viên trong thời đại CMCN 4.0 nhằm giúp người học cập nhật tối đa kiến thức

Giảng viên phải đáp ứng các năng lực

Công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc đào tạo giảng dạy đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo từ xa. Bởi vậy, các giảng viên đảm đương công tác trong lĩnh vực này phải đáp ứng được khả năng trong vấn đề sử dụng công nghệ thông tin.

Giảng viên không phải là chuyên gia về CNTT nhưng phải có sự hiểu biết đầy đủ đề có thể phối hợp với các chuyên viên kỹ thuật trong quá trình đào tạo sinh viên và học viên.

Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS Vũ Hữu Đức, Trường ĐH Mở TP HCM cho biết: Giảng viên giảng dạy trực tuyến cần phải khai thác các ưu thế cũng như hạn chế các nhược điểm của hình thức đào tạo này. Ví dụ, giảng viên cần giảm bớt lời nói, tăng phần tác động của âm thanh, hình ảnh, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ những hiệu ứng không liên quan đến nội dung. Mặt khác, họ cần phải biết chia nhỏ kiến thức thành các phần để người học thuận lợi tiếp cận.

Cũng với việc sử dụng các phương tiện đại chúng, các giảng viên phải tập trung vào việc biên soạn học liệu sao cho dễ hiểu và giám sát quá trình học tập trên quan điểm truyền đạt kiến thức là chính. Khi các công nghệ cho phép các hình thức cầu truyền thanh, truyền hình hay web, người học được khuyến khích chủ động trao đổi, sáng tạo và đóng góp qua hướng dẫn của giảng viên.

Chính vì vậy, để đáp ứng quá trình giảng dạy trong đào tạo từ xa, các giảng viên cần phải đáp ứng các yêu cầu chung. Về năng lực chuyên môn, giảng viên tham gia đào tạo từ xa phải có năng lực chuyên môn vững vàng ở lĩnh vực mình

giảng dạy. Về năng lực sư phạm, giảng viên phải có hiểu biết nền tảng trong nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy một các có hiệu quả như biết xác định mục tiêu học tập, hay áp dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau. Về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin,

giảng viên cần có những kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến ứng dụng CNTT và truyền thông trong giảng dạy đủ để tham gia ở vai trò của mình và trong một hệ thống ứng dụng CNTT cụ thể.

Bên cạnh đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo từ xa, các giảng viên tham gia giảng dạy trong lĩnh vực này cũng cần phải biết sản xuất các học liệu. Trên thực tế, sách tự học cho từ xa có kết cấu khác với sách giáo khoa truyền thống để đáp ứng việc tự học, cũng như phù hợp với người lớn. Nhiều hoạt động học tập khác nhau được tích hợp vào sách thay cho văn bản, kiến thức được chia thành từng phần nhỏ với mục tiêu rõ ràng, các minh họa cụ thể và thực tiễn, các bài tập ứng dụng cũng như các liên kết tham khảo kèm theo… Giảng viên viết sách trong đào tạo từ xa phải được đào tạo để phân tích nội dung giảng dạy thành một quá trình tự học cùng với thiết kế các hoạt động học tập kèm theo một cách tỉ mỉ và hiệu quả.

Giải pháp để thay đổi chất lượng giảng viên

PGS. TS Vũ Hữu Đức cũng chỉ ra rằng: Cần phải điều chỉnh mô hình phát triển của hình thức đào tạo từ xa. Việc phát triển đội ngũ giảng viên này phải nằm trong bài toán điều chỉnh mô hình đào tạo từ xa tại nước ta. Việc kiểm soát chất lượng của đào tạo từ xa cần dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng của đào tạo từ xa và sự kiểm định độc lập dựa trên bộ tiêu chuẩn này. Trong lĩnh vực giảng viên, các quy định cần chỉ rõ cơ sở giáo dục phải có đủ giảng viên đạt chuẩn để tham gia đào tạo từ xa.

Các giảng viên phải được huấn luyện phù hợp và giám sát chặt chẽ để có thể thực hiện các vai trò của mình trong đào tạo từ xa. Khi ban hành các bộ tiêu chuẩn chất lượng đào tạo từ xa giúp làm rõ khái niệm chất lượng đào tạo và các vấn đề đi kèm như chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, học liệu…

Thay đổi nhận thức về vai trò và năng lực cần thiết của đội ngũ giảng viên cũng là vấn đề cốt lõi trong phương thức đào tạo từ xa. Trên thực tế, nhiều cơ sở đào tạo chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của giảng viên. Nhiều giảng viên chỉ trải qua một khóa học nghiệp vụ sư phạm chung, không có chương trình huấn luyện riêng cho đào tạo từ xa.

Đó là chưa nói đến việc huấn luyện thêm về các năng lực cụ thể cho công việc mà họ đảm nhận như thiết kế chương trình, phát triển học liệu, hướng dẫn học tập… Do đó ngay cả khi có những thay đổi trong mô hình đào tạo từ xa, các nhà lãnh đạo trường ĐH, các giảng viên cần phải điều chỉnh nhận thức về vai trò năng lực của

giảng viên khi tham gia vào quá trình đào tạo từ xa. Từ đó có những chính sách phù hợp về tuyển dụng, trả lương, đào tạo, giám sát và đánh giá...

PGS. TS Vũ Hữu Đức cho rằng, cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo từ xa. Việc hợp tác quốc tế sẽ giúp các cơ sở đào tạo trong nước mau chóng nắm được quy trình đào tạo hiện đại. Đặc biệt là giúp đội ngũ giảng viên nâng cao được năng lực theo các chuẩn quốc tế trong đào tạo từ xa. Cần có những quy định về vấn đề này để mở ra hướng phát triển đội ngũ nhân lực cho đào tạo từ xa.

Việc hợp tác giữa các cơ sở đào tạo cũng giúp chúng ta khai thác tối ưu các nguồn lực đầu tư cho đào tạo đội ngũ

giảng viên từ xa tại từng cơ sở đào tạo riêng lẻ. Các trường có thể thỏa thuận chia sẻ chi phí các chương trình đào tạo giảng viên từ xa, đóng góp cho việc thực hiện các dự án chung. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dưới các góc độ kiểm định, hoạt động hợp tác này phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng chung của các thành viên.

Phát triển bộ phận Giảng dạy và Học tập cũng nhằm để nâng cao chất lượng đào tạo. Một trong những giải pháp là thực hiện các nghiên cứu trực tiếp trên các sinh viên hiện tại, từ đó đánh giá những điểm mạnh yếu của quá trình đào tạo để điều chỉnh. Các trường đại học trên thế giới thường tổ chức bộ phận Giảng dạy và Học tập

(Department of Teaching and Learning) để thực hiện chức năng này cùng với việc thường xuyên tập huấn giảng viên nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới trên thế giới. Vì vậy, các trường có đào tạo từ xa nên thành lập bộ phận này để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, trong đó nhấn mạnh đến năng lực nghiên cứu tự đổi mới.

PGS. TS Vũ Hữu Đức, Trường ĐH Mở TPHCM  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ