Nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học

GD&TĐ - Những năm gần đây, dưới sức ép của hội nhập quốc tế trong kiểm định chất lượng và xếp hạng ĐH, việc nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo tiến sĩ cũng như chất lượng các hoạt động KH&CN được đặc biệt quan tâm. Và nhóm nghiên cứu (NNC) chính là cầu nối, là môi trường gắn kết hoạt động đào tạo với NCKH.  

Nghiên cứu khoa học theo nhóm là yêu cầu quan trọng trong đào tạo tiến sĩ
Nghiên cứu khoa học theo nhóm là yêu cầu quan trọng trong đào tạo tiến sĩ

Nhìn tổng thể nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH

NNC ĐHQG Hà Nội đã tổng hợp các bài viết, bài phát biểu trên các tạp chí hay các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thảo, tọa đàm về chủ đề phát triển NNC trong trường ĐH những năm gần đây. Từ những con số thống kê về diễn biến quy mô giáo dục ĐH ở nước ta trong khoảng 15 năm trở về đây, tác giả Nguyễn Tấn Đại trong hai bài viết Đào tạo tiến sĩ – chất lượng và năng lực công bố quốc tế và Đào tạo tiến sĩ nhìn từ số liệu thực tế đăng trên báo chí năm 2017 cho rằng “số lượng giảng viên ĐH và tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS) chỉ gia tăng ở mức độ vừa phải, thậm chí, trong tương quan chung với tổng thể quy mô nền giáo dục ĐH thì tỉ lệ giảng viên có trình độ TS có xu hướng diễn biến giảm chứ không tăng”.

Đánh giá về hoạt động NCKH, tác giả bài viết “Các trường ĐH NCKH chưa xứng tầm” (báo Sài Gòn giải phóng online) cho rằng năng suất NCKH của các trường hiện nay khá khiêm tốn. Theo thống kê, khối các trường kỹ thuật công nghệ, luôn có tỷ lệ công bố quốc tế cao nhất. Trong giai đoạn 2011 - 2016, khối trường này (16 trường) công bố 1.733 bài báo quốc tế (trong khi cả nước có 5.738 bài), chiếm 30% toàn ngành. Tuy nhiên, so với các ĐH khác trong khu vực thì con số này vẫn là khá thấp.

Khối các trường nông - lâm - ngư - y đã có 3.349 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế. Nếu so sánh với nguồn nhân lực hiện có thì số lượng đề tài NCKH của khối trường này rất khiếm tốn, bình quân chỉ đạt 0,74 bài/cán bộ khoa học trong 5 năm (2011 -2016).

Khối các trường ĐH sư phạm (21 trường thuộc Bộ GD&ĐT) có 2.000/9.000 giảng viên là TS nhưng số lượng bài báo quốc tế có uy tín như ISI/

SCOPUS chỉ có 804 bài (trong giai đoạn 2011 - 2015), trong đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tỷ lệ công bố bài báo quốc tế ISI là 0,15 bài/TS/năm; Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng 0,13 bài/TS/năm; Trường ĐH Sư phạm TPHCM 0,06 bài/TS/năm; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có 0,02 bài/TS/năm. Thậm chí, Viện Khoa học Giáo dục không có được một bài báo quốc tế nào.

Đối với các trường ĐH khối khoa học xã hội và nhân văn, công bố quốc tế cũng không khá hơn. Trung bình mỗi năm, một nhà khoa học đạt gần 0,5 bài. Duy nhất chỉ có Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đạt 1,45 bài/TS/năm.

Nguyên nhân của những hạn chế

Nguyên nhân của hạn chế có thể thấy rằng, một số giảng viên chưa nhận thức đúng đắn về hoạt động NCKH. Một bộ phận giảng viên còn hạn chế về kỹ năng và phương pháp nghiên cứu, dẫn đến chất lượng công trình chưa cao. Giảng viên cũng chưa có cơ hội kết nối, tìm kiếm các đề tài, dự án cấp tỉnh, thành và liên kết với nước ngoài, chưa có môi trường tốt để tham gia NCKH.

Việc xây dựng các NNC trong các trường ĐH ở Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng, là khả thi và đã được nhen nhóm, hình thành và phát triển mạnh trong các trường ĐH định hướng nghiên cứu trong những năm gần đây. Và việc đào tạo NCS gắn với các NNC để nâng cao chất lượng tiến sĩ, đồng thời qua đó đẩy nhanh số lượng và nâng cao chất lượng công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín có ý nghĩa sống còn với uy tín và xếp hạng của trường ĐH. 

Bài viết trên báo Nhân Dân với tiêu đề “Gắn kết đào tạo với NCKH” đã chỉ ra thực trạng việc gắn kết giữa đào tạo và NCKH trong trường ĐH, trong đó, khẳng định công tác NCKH chưa gắn với đào tạo, nhất là đào tạo sau ĐH. Việc kết hợp giữa trường và viện còn mang tính đơn lẻ, tự phát, chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân. Bài báo cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến việc thiếu kết dính, đó là do “thời gian qua, nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu chưa nhận thức đầy đủ vai trò của việc kết hợp giữa đào tạo với NCKH. Bên cạnh đó, thiếu các văn bản cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu chưa có cơ chế động viên cán bộ tham gia đào tạo cũng như NCKH. Kinh phí đầu tư cho NCKH ở các trường ĐH còn thấp, trang thiết bị chưa được khai thác hiệu quả. Cơ sở vật chất cho NCKH còn thiếu và lạc hậu. Nhiều năm nay, các giáo sư, phó giáo sư, cán bộ chuyên gia đầu ngành làm việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt”.

Các bài viết và báo cáo đều cho rằng, chất lượng đào tạo TS ở nước ta hiện nay còn chưa đáp ứng yêu cầu. Muốn nâng cao chất lượng TS phải nâng cao chuẩn đầu ra, phải yêu cầu cao hơn về kết quả công bố, trình độ ngoại ngữ của NCS, đặc biệt là công bố quốc tế; gắn đào tạo TS với nghiên cứu và do vậy cần nâng cao chất lượng hoạt động NCKH trong các trường ĐH, chất lượng đội ngũ giảng viên.

Giải pháp: Xây dựng và thúc đẩy các nhóm nghiên cứu

Một trong những giải pháp và kinh nghiệm được nhiều nhà khoa học trong nước chia sẻ trong những năm gần đây là xây dựng các NNC và đào tạo NCS thông qua hoạt động của các NNC và các NNC mạnh. Trên thực tế, việc xây dựng và thúc đẩy các NNC đã được nhiều trường ĐH của Việt Nam quan tâm, như hai ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, Học viện Quân Y, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Nông nghiệp... và ngay cả các trường ĐH mới và trẻ như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành... Nhờ vậy, số lượng công bố quốc tế và trích dẫn của các trường ĐH này trong những năm gần đây luôn rất cao, thuộc hạng top đầu của Việt Nam, từ đó nâng cao chất lượng, uy tín trong học thuật của nhà trường và có sức hút tuyển sinh tốt.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, “tính đến năm học 2016 - 2017 đã có 491 nhóm giảng dạy – nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo, trong đó cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy – nghiên cứu nhất là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (127 nhóm), tiếp đến là các trường: ĐH Tây Nguyên (42 nhóm), ĐH Đà Nẵng (36 nhóm), ĐH SP Kỹ thuật Hưng Yên (30 nhóm), ĐHQG TPHCM (24 nhóm), ĐHQG Hà Nội (27 NNC mạnh). Trên cơ sở khảo sát từ 142/271 trường ĐH, hiện nay trong hệ thống các trường ĐH đã hình thành 945 NNC, một trường ĐH có trung bình 7 NNC”.

Xác định tầm quan trọng của NNC đối với việc nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và NCKH, từ những năm đầu thành lập, ĐHQG Hà Nội đã quan tâm đến việc xây dựng và phát triển các NNC. ĐHQG Hà Nội có nhiều NNC mạnh, nhiều NNC quốc tế, nhiều nhà khoa học có tên tuổi được cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến.

Trong lĩnh vực NCKH, các NNC này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu, các NNC đều có nhiều đóng góp trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo TS. Những công bố khoa học của các nhà khoa học và các NNC đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực đội ngũ, tiềm lực và thành tích NCKH và góp phần quan trọng để 2 ĐHQG được lọt vào danh sách 150 ĐH hàng đầu trong Bảng xếp hạng QS châu Á từ năm 2012 đến nay và lọt vào bảng 1.000 các trường ĐH hàng đầu của thế giới trong Bảng xếp hạng QS 2018.

Tuy nhiên, NNC và gắn đào tạo NCS với các NNC mới chỉ là các hoạt động tự phát và mới có vài cơ sở giáo dục ĐH lớn có chính sách hỗ trợ các NNC và NCS. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có ĐHQG Hà Nội và Quỹ NAFOSTED công bố tiêu chí về NNC mạnh và có chính sách đầu tư cho các NNC mạnh. Chính vì vậy, cần có những khảo sát, đánh giá và nghiên cứu nhằm đưa ra những giải pháp và chính sách phù hợp để đầu tư và hỗ trợ phát triển các NNC trong các trường đại học ở Việt Nam trong thời gian tới. PV (ghi)

Bài 3: Đề xuất nâng cao hiệu quả nhóm nghiên cứu ở Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ