Năm học mới 2021 - 2022: Không để bị động, bất ngờ

GD&TĐ - Trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động xây dựng phương án đào tạo trực tuyến cho sinh viên ngay khi bước vào năm học 2021 - 2022.

Một giờ học trực tuyến của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NTCC
Một giờ học trực tuyến của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NTCC

Chủ động phương án

TS Hoàng Công Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), cho biết: Toàn bộ sinh viên của trường đang tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời kết hợp thời gian nghỉ hè năm học 2020 - 2021. “Nếu dịch được kiểm soát như hiện nay, nhà trường dự kiến ngày 15/8 sẽ bắt đầu năm học mới 2021 - 2022.

Trước mắt, sẽ tổ chức dạy học trực tuyến ít nhất 2 tuần đầu của năm học. Tuỳ theo thực tế và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, nhà trường sẽ điều chỉnh kế hoạch giảng dạy và đào tạo phù hợp. Tinh thần là chủ động, linh hoạt, không để bị động bất ngờ” – TS Hoàng Công Kiên nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Nhà trường đang hướng dẫn thí sinh trúng tuyển nhập học bằng hình thức trực tuyến.

Với phương châm “Thực học - Thực hành - Thực nghiệp”, TS Hoàng Công Kiên chia sẻ, Trường ĐH Hùng Vương phát triển theo định hướng ứng dụng. Trước thềm năm học 2021 – 2022, để mang đến cho các bạn tân sinh viên môi trường GD-ĐT thân thiện, tiên tiến; tranh thủ 2 tháng hè nhà trường huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế với khu giảng đường, hệ thống các phòng học, phòng thực hành, khu thí nghiệm hiện đại, đáp ứng tốt nhất việc dạy - học của giảng viên và sinh viên.

TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội - cho hay: Thời gian này, sinh viên của trường vẫn tạm thời nghỉ học, nhà trường đang tổ chức cho những sinh viên năm cuối bảo vệ khóa luận, đồ án tốt nghiệp bằng hình thức trực tuyến. “Chúng tôi đợi Hà Nội thực hiện hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thì sẽ có lịch cụ thể về giảng dạy và các hoạt động liên quan đến đào tạo” - TS Hoàng Xuân Hiệp trao đổi.

Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, trước mắt nhà trường dự kiến phương án: Từ ngày 23/8 đến trước ngày 6/9, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhà trường sẽ tạm thời cho sinh viên không phải đến trường, bố trí dạy trực tuyến một số môn lý thuyết. Sau ngày 6/9, nếu dịch bệnh không còn phức tạp và được kiểm soát tốt, nhà trường sẽ cho sinh viên tựu trường để học tập trung. Còn trong trường hợp dịch vẫn căng thẳng, diễn biến phức tạp, khó lường, chuyển sang dạy trực tuyến cho sinh viên.

Trần Thị Thu Uyên - sinh viên K1 ngành Công nghệ may, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội - bộc bạch: “Năm học mới đang đến gần, chúng em đã sẵn sàng tâm thế để tiếp tục học online nếu dịch bệnh vẫn phức tạp. Việc học online là phương pháp hữu hiệu. Đây vừa là xu hướng, vừa là giải pháp công nghệ để chúng em từng bước thích nghi với chuyển đổi số trong GD-ĐT, đồng thời phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của bản thân”.

Phòng học mô hình hiện đại của ngành Điều dưỡng, Trường ĐH Hùng Vương. Ảnh: NVCC
Phòng học mô hình hiện đại của ngành Điều dưỡng, Trường ĐH Hùng Vương. Ảnh: NVCC

Nâng cấp hạ tầng thiết bị

PGS.TS Trần Xuân Bách – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng): Dự kiến sau ngày 23/8 bước vào năm học mới 2021 - 2022. Trước mắt, nhà trường  triển khai dạy trực tuyến cho sinh viên cho đến khi có thông báo mới. “Việc dạy học trực tuyến được triển khai trong năm học 2020 - 2021, nên phương thức này không còn xa lạ với thầy – trò nữa. Chúng tôi tiếp tục củng cố, nâng cấp hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin để việc dạy – học online diễn ra thuận lợi, chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất” - PGS.TS Trần Xuân Bách trao đổi.

ThS Trần Lê Trọng Phúc – Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, thông tin: Từ nhiều năm nay, nhà trường chia mỗi năm học thành 3 học kỳ, với 15 tuần/học kỳ. Dù dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh có diễn biến phức tạp đến đâu cũng không làm khó thầy – trò của nhà trường. Vì hiện nay, toàn bộ hoạt động giảng dạy đã được chuyển sang hình thức trực tuyến. “Ngay tại thời điểm này, lịch học online của sinh viên vẫn diễn ra bình thường” - ThS Trần Lê Trọng Phúc nói.

Để hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập, theo ThS Trần Lê Trọng Phúc, Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống học tập trực tuyến LMS và các dịch vụ online. Nhà trường đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào GD-ĐT để mang đến cho người học cơ hội học tập một cách thuận tiện và linh hoạt nhất. Theo đó, đã xây dựng mô hình giáo dục trực tuyến mở đại chúng với tên gọi VMOOCs (viết tắt của Việt Nam’s MOOCs).

Mô hình này ra đời, nhằm cung cấp các khóa học miễn phí, góp phần thúc đẩy việc học tập của sinh viên nói riêng và nâng cao dân trí của người dân nói chung. Chỉ cần kết nối Internet, người học có thể tham gia miễn phí khóa học kỹ năng hoặc chuyên ngành trong thời gian 4 - 6 tuần ở nhiều lĩnh vực. Hiện nay, hệ thống này khởi đầu bằng hàng chục khóa học khác nhau, người học có thể tự ghi danh tham gia khóa học, thực hiện các thao tác học tập, tự đề nghị cấp giấy chứng nhận nếu hoàn thành ít nhất 70% nội dung học tập được hệ thống tự động ghi nhận.

Lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà nội chia sẻ, thời điểm này nhà trường tiếp tục chuẩn bị kho học liệu trực tuyến, các video bài giảng, thực hành, thí nghiệm để đăng tải lên website của trường, giúp sinh viên tra cứu, tham khảo và tự học ở nhà trước khi bước vào năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.