Năm học 2019 - 2020: Bứt phá theo tinh thần nghị quyết 29

GD&TĐ - Những định hướng, giải pháp lớn cho ngành Giáo dục trong năm học 2019 - 2020 trực tiếp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. 

Các cấp học tự tin bước vào năm học mới. Ảnh: H.Cường
Các cấp học tự tin bước vào năm học mới. Ảnh: H.Cường

Đây là năm học quan trọng khi ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đồng thời sẽ hoàn thành các điều kiện để triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) mới; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và Luật Giáo dục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: GD&ĐT chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020. Ảnh: Xuân Phú
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020. Ảnh: Xuân Phú 

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nỗ lực của toàn ngành Giáo dục, đồng thời đánh giá một số điểm nhấn về kết quả giáo dục trong thời gian vừa qua.

Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục (năm 2019); Việt Nam phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 99,98% số trẻ em 5 tuổi đã đến trường; chất lượng đại trà và mũi nhọn của ngành Giáo dục đều tăng; 2 ĐH Việt Nam được vào top 1.000 ĐH hàng đầu thế giới; hệ thống trường lớp tiếp tục được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân; chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa; ngành GD-ĐT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục; giáo dục nhiều vùng trũng đã vươn lên; ban hành Chương trình GDPT mới; sự chuyển mình về nhận thức của cấp ủy chính quyền và người dân với sự nghiệp GD-ĐT…

Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ thống mẫu giáo, mầm non; giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ GV theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Tiếp tục rà soát, tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học, tránh tình trạng quá nhiều nhân viên y tế, bảo vệ, kế toán…

Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị có trách nhiệm cùng nhà trường giải quyết các vấn đề đạo đức trong và ngoài trường học trên địa bàn. Năm học 2019 - 2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong HSSV. Giáo dục đạo đức cho HSSV là trách nhiệm của toàn xã hội mà nhà trường đóng vai trò trung tâm.

Bộ GD&ĐT rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong các trường sư phạm, cơ sở GD&ĐT, bảo đảm thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả, bảo đảm số giờ và các nội dung về đạo đức để lồng ghép trong các môn văn hóa khác. Giáo dục đạo đức lối sống không chỉ trong trường mà đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh, sinh viên (HSSV) được tiếp xúc với truyền thống văn hóa... Bộ GD-ĐT chủ trì trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV để triển khai trong năm học mới.

Cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng. Bộ GD&ĐT tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH hữu danh vô thực, trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài; đồng thời, kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh nề nếp hơn. Đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường ĐH sư phạm trọng điểm, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng GV cho các địa phương. Các trường ĐH sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường trở thành những nhà giáo dục.

Yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng nêu rõ tình trạng thiếu nguồn nhân lực có đào tạo, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn phải được khắc phục sớm hơn trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế số hiện nay. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT ban hành cơ chế, chính sách cho các trường ĐH thực hiện tự chủ, trong đó cần bảo đảm vai trò hội đồng trường phải thực sự đúng thẩm quyền, đúng quy định.

Cần thí điểm nghiên cứu thực hiện cơ chế mầm non, phổ thông có đủ điều kiện thực hiện chi tiêu thường xuyên, từ đó, tổng kết, báo cáo Thủ tướng xây dựng nghị định đổi mới cơ chế quản lý mầm non và phổ thông chặt chẽ, phù hợp, không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ quan những nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước đã đưa ra.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần Chính phủ bứt phá, ngành Giáo dục phải bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương; đồng thời nhấn mạnh: Chúng ta phải có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để GD-ĐT đóng góp vào sự phát triển bền vững, đột phá của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải tuân theo những nguyên lý căn bản của giáo dục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020. 

“Vừa rồi chúng ta đã hoàn thành phổ cập được mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thực hiện thành công một bước tự chủ ĐH. GDPT có thứ hạng cao trên thế giới” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 đã điểm lại một số kết quả của ngành Giáo dục và cho rằng: Mọi đổi mới trong GD-ĐT cần lộ trình, thời gian chứ không phải là “việc của một năm”. Những gì là xu thế của thế giới, thời đại, theo Phó Thủ tướng, thì phải tuân theo; cụ thể như một số nguyên lý cơ bản của GDPT và ĐH.

Về GDPT, Nhà nước phải bảo đảm đủ trường, lớp, GV cho HS đi học 2 buổi/ngày, gần nhà, không phân biệt đầu vào. Nhà nước bảo đảm điều kiện học tập ở mức phổ cập, lo cho người yếu thế, đào tạo nhân tài còn phân khúc chất lượng cao dành cho xã hội. Trường học phổ thông không đơn thuần là thiết chế của chính quyền mà là thiết chế của cộng đồng, thể hiện trong mô hình quản lý các trường phổ thông không chỉ có chính quyền, ban giám hiệu mà phải có đại diện phụ huynh, HS, cộng đồng.

Đối với ĐH, trước hết phải tự chủ về chuyên môn, sau đó tự chủ về tổ chức, nhân sự và tài chính. Tự chủ ĐH không có nghĩa Nhà nước không đầu tư mà chuyển phương thức phân bổ ngân sách từ “cào bằng” sang đầu tư cho những trường ĐH hoạt động hiệu quả theo cơ chế “đặt hàng”, giao nhiệm vụ. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta mới giải quyết được câu chuyện tự chủ giữa trường ĐH và bộ chủ quản. Tới đây, các trường ĐH phải tính đến chuyện nhà trường giao quyền quyết định tới từng khoa, từng giáo sư, giảng viên.

Ngay trong năm học 2019 - 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS trong nhà trường phải thực chất hơn nữa. “Dạy người” cần bắt đầu từ sự gương mẫu của GV, người lớn. Không được coi việc dạy đạo đức là của cô giáo chủ nhiệm, hay GV dạy môn đạo đức, giáo dục công dân mà đây là trách nhiệm của tất cả GV trong nhà trường. Bên cạnh nhà trường, cần huy động toàn xã hội vào việc dạy đạo đức cho trẻ, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối phụ huynh với nhà trường thật chặt chẽ.

Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục rà soát giảm áp lực hành chính cho GV, đặc biệt xem lại các chuẩn quốc gia về giáo dục, không chạy theo thành tích.

Về chủ trương giảm biên chế GV, Phó Thủ tướng nêu rõ đây là giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Để giải bài toán này, đối với GDPT, cần xem xét một tỷ lệ trường phổ thông ở những thành phố lớn chuyển đổi cơ chế để tự chủ như ĐH nhằm đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao hơn cho một bộ phận người dân có khả năng chi trả. Từ đó, các trường này có thể tự lo được quỹ lương và dành phần ngân sách lo cho những nơi khó khăn hơn.

Về đào tạo GV, Phó Thủ tướng cho rằng, tới đây địa phương phải có trách nhiệm “đặt hàng” đào tạo GV cho địa bàn mình tại các trường sư phạm tốt. Các trường sư phạm địa phương tập trung bồi dưỡng thường xuyên cho GV dưới sự hướng dẫn, hợp tác của các trường sư phạm trọng điểm. Gắn với đó phát triển mạng lưới các trường phổ thông thực hành trong các trường sư phạm.

Phó Thủ tướng khẳng định: Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội. Hiếm có chính sách đổi mới nào nhận được sự đồng thuận 100%. Nhưng khi chúng ta đã xác định được thì phải kiên trì, kiên định.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Quyết tâm tạo chuyển biến căn bản

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020. Ảnh: Xuân Phú
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020. Ảnh: Xuân Phú 

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các cô giáo, thầy giáo, CBQL giáo dục và HSSV trong cả nước, năm học vừa qua ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực.

Trước Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị các Sở GD&ĐT và hội nghị các cơ sở giáo dục ĐH để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 và dự kiến phương hướng nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Tại các hội nghị trên, các ý kiến phát biểu thống nhất cao với dự thảo báo cáo của Bộ GD&ĐT, xác định năm học mới 2019 - 2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.

Trong đó tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục ĐH. Thứ 2: Giải quyết vấn đề thừa/thiếu GV; chuẩn bị đội ngũ GV thực hiện Chương trình GDPT mới. Thứ 3: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH. Thứ 4: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Thứ 5: Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV.

Ngày 13/8/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Chỉ thị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học mới.

Theo đó, 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ GV và CBQL giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho HSSV, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục. Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

5 nhóm giải pháp cơ bản gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD-ĐT; Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của CBQL giáo dục. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT.

Theo giaoducthoidai.vn, baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.