Mái trường mến yêu qua góc nhìn của thầy giáo vùng cao

GD&TĐ - Bằng những lời ca dung dị, giản đơn, thầy giáo Hà Văn Mười đã “phác họa” bức tranh chân thực của những ngôi trường vùng cao đầy hạnh phúc giữa bao la mây trời…

Mái trường mến yêu hiện lên đầy dung dị qua góc nhìn của thầy giáo vùng cao Hà Văn Mười. Ảnh NVCC.
Mái trường mến yêu hiện lên đầy dung dị qua góc nhìn của thầy giáo vùng cao Hà Văn Mười. Ảnh NVCC.

“Trường vùng cao mến yêu”

"Trường vùng cao mến yêu" là tên ca khúc tự sáng tác, song cũng là khát vọng hướng đến của thầy Hà Văn Mười, giáo viên Trường Tiểu học Tà Chải, huyện Bắc Hà (Lào Cai). 

Khi biết tin "đứa con tinh thần" của mình đạt giải, thầy Mười bảo: “Tôi bất ngờ lắm khi bài hát đạt giải tại Cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường. Vì lời ca tôi viết rất đơn giản, chỉ nghĩ làm sao để gần gũi nhất với học sinh, đặc biệt là học sinh miền núi nơi tôi đang giảng dạy. Nhưng tiếc là sức khỏe không đảm bảo để về Hà Nội nhận giải…!”.

Thầy Mười tâm sự, ca khúc sáng trong một hoàn cảnh không có gì đặc biệt và chỉ mất khoảng 30 phút nghỉ giải lao giữa các tiết dạy để hoàn thành phần lời. Ngay tối hôm đó, ca khúc được thầy phổ nhạc và gửi cho chính con gái là người đầu tiên thể hiện. Song chất liệu để làm nên tác phẩm lại được người thầy vùng cao tích lũy trong suốt 10 năm đi dạy.

"Trường vùng cao mến yêu" cũng là khát vọng hướng đến của thầy Hà Văn Mười. Ảnh NVCC
"Trường vùng cao mến yêu" cũng là khát vọng hướng đến của thầy Hà Văn Mười.       Ảnh NVCC

Tất cả những hình ảnh đặc trưng nhất, đẹp đẽ nhất của vùng cao thầy Mười tích lũy đã được gửi gắm trong từng lời hát. “Quanh co những con đường dẫn về bản em, qua bao con suối, qua bao đèo cao, em vẫn đến trường. Núi nghiêng mình yêu thương, đón tia nắng hồng ban mai, lấp ló đan xen hòa vào trời mây…”.

Dừng những lời ca đầy dung dị, thầy Mười bộc bạch: “Đặc trưng của vùng cao là đèo dốc quanh co, suối sâu, núi cao… Và đó cũng là con đường đến trường mỗi ngày của học sinh ở đây. Phải nói vất vả lắm, tôi rất khâm phục học trò của mình. Vì thế, tôi muốn mượn nhạc để phác họa lại, làm cho nó thơ mộng hơn, đẹp đẽ hơn, khích lệ tinh thần các em”.

Khâm phục những lứa học trò nghèo khó không chỉ vượt qua trùng điệp núi đồi, mà còn tiếp nối muôn vàn khó khăn, “rào cản” về phong tục tập quán, điều kiện kinh tế… để theo đuổi con chữ. Thầy Mười lại càng khát khao tạo dựng ngôi trường hạnh phúc. Nơi những đứa trẻ không chỉ được đi học cái chữ, mà “Những tiếng cười hồn nhiên, tiếng hát vui vang vọng mái trường”, nơi “Thầy cô em hiền lắm, dạy em bao điều hay. Em mến thầy yêu cô, yêu quê hương, mái trường của em”.

Chắp cánh tình yêu âm nhạc cho học trò 

Năm 2010, chàng trai trẻ Hà Văn Mười xách ba lô vượt gần 400km từ quê hương Phú Thọ “ngược núi” lên huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) dạy học. Nhận công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khánh được 2 năm, thầy Mười được điều chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Na Hối. Từ tháng 9/2019 đến nay, thầy nhận nhiệm vụ mới tại Trường Tiểu học Tà Chải.

3 lần chuyển công tác, tại 3 đơn vị trường học đều đóng chân ở  địa bàn miền núi, với muôn vàn khó khăn đặc thù. Có lẽ, bởi vậy nên thầy Mười hiểu rõ học sinh của mình cũng như sự đổi thay của giáo dục ở vùng khó.

“Còn nhớ ngày đầu lên đây nhận công tác, tôi là giáo viên dạy nhạc đầu tiên của trường nên rất tâm lý và bộn bề lo lắng. Nhìn các em đến manh áo, chiếc dép và miếng ăn còn thiếu; dạy học chữ đã khó thì học nhạc sẽ như thế nào? Rồi các em sẽ đón nhận môn học này ra sao?” – thầy Mười giãi bày.

Hơn 10 năm công tác tại vùng cao, thầy Mười đã qua 3 lần chuyển công tác và giảng dạy nhiều thế hệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh NVCC.
Hơn 10 năm công tác tại vùng cao, thầy Mười đã qua 3 lần chuyển công tác và giảng dạy nhiều thế hệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh NVCC.

Rồi tiết học đầu tiên diễn ra đầy bất ngờ và thú vị, với những ánh mắt “tròn, dẹt”, hứng khởi của bọn trẻ. Lo lắng của thầy giáo trẻ dần tan biến theo từng câu hát “ngọng líu, ngọng lô” và những cánh tay nối tiếp nhau.

Cô học trò người Mông tên Giàng Thị Hoa mà thầy Mười dạy năm học 2017 – 2018, cho đến giờ vẫn luôn là niềm tự hào. "Khi đó em học lớp 3, tại Trường Tiểu học Na Hối. Ngày đầu tiên nhận lớp, tôi đã phát hiện ra phía sau vẻ rụt rè, nhút nhát đặc trưng của học sinh ở đây thì em có cảm thụ âm nhạc tốt, rất có tố chất. Những giờ học sau, tôi dành thêm thời gian để tâm sự với em thì biết thêm là em rất thích hát” – thầy Mười nhớ lại.

Phát hiện tố chất của trò, thầy Mười đã thường xuyên tạo cơ hội để em được thể hiện sở thích, phát triển năng khiếu bản thân. Đồng thời tâm sự, động viên, khích lệ để “phá vỡ” rào cản tâm lý, giúp em tự tin hơn. Từ cô bé với ánh mắt dè chừng, sợ sệt với người lạ, Hoa đã trở thành “cây” văn nghệ của trường.

Nhiều gương mặt sáng giá trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở Bắc Hà là "thành quả" đầy tự hào của thầy Mười.
Nhiều gương mặt sáng giá trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở Bắc Hà là "thành quả" đầy tự hào của thầy Mười.

“Nhưng bất ngờ hơn cả là đúng năm học đó em đã đạt giải A cuộc thi Chúng em hát về thầy cô giáo nhân dịp 20/11 do huyện tổ chức. Giờ em học lớp 6 rồi, nhưng vẫn là cây văn nghệ tại trường theo học” – thầy Mười khoe.

Không chỉ có Hoa, những gương mặt sáng giá về các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở nhiều trường học vùng khó tại Bắc Hà, như: Trần Trung Đức, Giàng Thị Vân, Mai Phương Thảo, Hà Thị Thu Hoài… là “thành quả” mà thầy Mười luôn tự hào khi nhắc đến.

“Tôi muốn khơi gợi và chắp cánh tình yêu âm nhạc cho học trò vùng cao. Bởi âm nhạc, không chỉ tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ hơn khi đến lớp, đến trường. Mà qua đó còn giúp các em gỡ bỏ mọi khoảng cách và rèn luyện sự tự tin, bản lĩnh, từ đó chủ động lĩnh hội tri thức và vững bước trên những con đường xa hơn” – thầy Mười chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ