Lớp ghép ở vùng cao và những “trợ giảng” tin cậy

GD&TĐ - Lớp học từ 10 - 15 em nhưng có đến 2 thậm chí là 3 trình độ đang hiện hữu tại huyện Mường Ảng (Điện Biên). Để giảng dạy các lớp ghép này rất cần sự “giúp đỡ” của người “thầy” thứ hai. 

Lớp ghép 1+2 tại điểm bản Tát Hẹ, Trường Tiểu học Ẳng Nưa.
Lớp ghép 1+2 tại điểm bản Tát Hẹ, Trường Tiểu học Ẳng Nưa.

Lớp học 2 bảng

Mặc dù, lớp ghép không phải là loại hình phù hợp với giáo dục hiện đại, song với các huyện vùng cao, lớp ghép ở điểm bản là cần thiết. Nói vậy bởi nhiều điểm trường lẻ đều trong tình trạng “3 thiếu”. Đó là thiếu lớp học, giáo viên và cả học sinh để mở lớp đơn cho từng trình độ.

Năm học này, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên có 23 lớp ghép ở bậc tiểu học, chủ yếu ở trình độ 1+2 và 2+3. Những lớp ghép được mở đến tận các bản đã tạo điều kiện cho tất cả học sinh ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, cách điểm trường chính hàng chục km đều có thể được tới trường học chữ.

Tuy nhiên, giảng dạy ở lớp ghép cũng gặp không ít khó khăn khi cơ sở vật chất, trình độ nhận thức cũng như khả năng tiếp cận của học sinh điểm bản còn hạn chế. Chính vì vậy, các trường thường lựa chọn giáo viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm tổ chức dạy học lớp ghép.

Cách trung tâm huyện Mường Ảng chỉ khoảng 6km, nhưng học sinh ở điểm bản Tát Hẹ, lại cách điểm trung tâm của Trường Tiểu học Ẳng Nưa đến 13km. Chính vì vậy, lớp ghép 1+2 ở điểm bản này được mở với 15 học sinh. Trong đó, có 4 học sinh lớp 1 và 11 học sinh lớp 2.

Thầy Vũ Xuân Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp, chia sẻ: “Để việc giảng dạy lớp ghép đạt được hiệu quả, tôi đã phân học sinh theo 2 hướng. Phòng học được bố trí các dãy bàn với 2 cái bảng để cho học sinh khối lớp quay lưng với nhau. Khi học sinh lớp 1 học tiếng Việt, tôi cho các em lớp 2 học Toán”.

Với 4 lớp ghép 1+2 ở điểm bản, Trường Tiểu học Xuân Lao, huyện Mường Ảng đã lựa chọn giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy để thực hiện nhiệm vụ này. Thầy Quàng Văn Nghiển, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể. Cùng với đó, thầy cô phải linh hoạt, nắm chắc phân phối chương trình môn học ở các lớp ghép (số tiết của mỗi môn học, trình tự sắp xếp các tiết học, bài học…)”.

Theo thầy Nghiển, khi xây dựng kế hoạch bài học, giáo viên cần lựa chọn đơn vị kiến thức cơ bản, cần thiết, tránh ôm đồm. Hình thức tổ chức các nhóm học tập linh hoạt, chọn phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài học. Đồng thời, phù hợp với đối tượng, nhóm trình độ, hoàn cảnh cụ thể.

Học sinh điểm bản Huổi Cắm, Trường Tiểu học Búng Lao hỗ trợ giáo viên.
Học sinh điểm bản Huổi Cắm, Trường Tiểu học Búng Lao hỗ trợ giáo viên.

Những người “thầy” nhỏ

Chủ nhiệm lớp ghép 2+3 tại điểm bản Pá Nậm, thầy Lù Văn Lả, giáo viên Trường Tiểu học xã Mường Lạn, chia sẻ: “Dạy học lớp ghép gặp phải không ít rào cản, đặc biệt là đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó, việc bao quát học sinh cũng gặp phải khó khăn khi thầy, cô phải bảo đảm dạy cả 2 lớp cùng lúc. Chính vì thế, chúng tôi đã lựa chọn học sinh có học lực tốt để giúp theo dõi các bạn học tập. Nói cách khác, các bạn giống như những người “thầy” thứ hai, hỗ trợ thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Năm học này, Trường Tiểu học xã Mường Lạn có lớp ghép 1+2 ở điểm bản Huổi Lỵ và lớp ghép 2+3 ở điểm bản Pá Nặm. Theo thầy Quàng Văn Tuân, Hiệu trưởng nhà trường, những người “thầy” nhỏ có nhận thức nhanh, được thầy cô phát hiện, bồi dưỡng kiến thức. Nhờ đó, các em có năng lực trong tổ chức, quản lý lớp. Thường thì thầy cô chọn lớp trưởng để “gửi gắm” niềm tin.

Em Lò Thị Khuyên (học sinh lớp 2), lớp trưởng lớp ghép 1+2 ở điểm bản Huổi Cắm, Trường Tiểu học Búng Lao, cho biết: “Em thường giúp thầy giáo đọc bài cho bạn chép, chỉ bài cho bạn đọc mỗi khi thầy bận dạy lớp 1. Mỗi lần như vậy, em lại nhớ rõ hơn nội dung của bài giảng”.

Thầy Lường Văn Chựa, giáo viên chủ nhiệm lớp, tâm sự: “Nhờ lớp trưởng, tôi có thể tập trung vào giảng dạy cho lớp 1. Tôi thường giao bài rồi nhờ lớp trưởng theo dõi, đôn đốc các bạn khác làm bài tập”.

Lớp ghép là hình thức dạy học đặc thù và thường được tổ chức ở những vùng đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt, số trẻ trong độ tuổi đến trường ít không đủ để mở các lớp đơn, đời sống kinh tế nhân dân còn nghèo, gia đình học sinh chưa có điều kiện cho con em đến trường.
Năm học 2021 - 2022, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên có 35 trường (13 trường mầm non, 12 trường tiểu học và 10 trường THCS) với tổng số 509 lớp học. Trong tổng số 223 lớp ở cấp học tiểu học có 23 lớp ghép tại các điểm bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ