Linh hoạt thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - “Năm học 2017 - 2018, ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục theo đuổi thành công từ những chủ trương được người dân, phụ huynh, học sinh hết sức ủng hộ như: Tiếp tục mở cửa trường học trong dịp hè, sáng đèn về đêm, mở cửa hồ bơi, xây dựng thư viện mở, giảm tải trong dạy học, tổ chức dạy thể dục theo môn tự chọn, phấn đấu mở rộng nhà trẻ ở các trường mầm non ở các quận/huyện…”, đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng trước thềm năm học mới.

Ngành GD-ĐT Đà Nẵng tiếp tục thực hiện những chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng được xã hội đồng tình ủng hộ
Ngành GD-ĐT Đà Nẵng tiếp tục thực hiện những chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng được xã hội đồng tình ủng hộ

Những thành công mang tính nhân văn

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, đến nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được ngành GD&ĐT Đà Nẵng thực hiện chu đáo và đã sẵn sàng cho năm học mới. Trên cơ sở đúc kết những kết quả đạt được từ việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản của năm học 2016 - 2017 và những thành tựu của giáo dục thành phố Đà Nẵng như mở cửa trường học trong dịp hè, mở cửa hồ bơi, xây dựng thư viện mở, giảm tải trong dạy học…, năm học 2017 - 2018 ngành GD&ĐT Đà Nẵng sẽ tiếp tục quyết tâm thực hiện có hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản của toàn ngành. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT Đà Nẵng rất ý thức đến những điều kiện, đặc thù riêng của địa phương. Ngành GD&ĐT Đà Nẵng sẽ tiếp tục theo đuổi những thành công như tiếp tục mở cửa trường học trong dịp hè, sáng đèn về đêm, mở cửa hồ bơi, xây dựng thư viện mở, giảm tải trong dạy học, tổ chức dạy môn thể dục theo môn tự chọn, phấn đấu mở rộng nhà trẻ ở các trường mầm non ở các quận/huyện….

Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho hay: Ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng sẽ phấn đấu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Các em học sinh sẽ được học cơ bản tại trường để dành thời gian vui chơi với gia đình, giao lưu với môi trường bên ngoài. Còn ở bậc học THCS, THPT, đối với các môn mà Bộ GD&ĐT không tổ chức thi tuyển đại học thì tổ chức dạy học bám sát chương trình để học sinh hiểu bài ngay tại lớp và không ra bài tập về nhà thêm. Đối với các em học sinh khối 12 thì tổ chức tích hợp môn thể dục, giáo dục quốc phòng – an ninh, các môn hướng nghiệp để giúp các em học sinh học chương trình một cách gọn nhất; tổ chức thi các môn thi tổ hợp, giúp học sinh chuẩn bị, chủ động cho kỳ thi sẽ diễn ra. Về cơ sở vật chất được thực hiện theo các đề án sẽ thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra nhằm tạo ra những động lực mới cho năm học.

Ông Vĩnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế mà ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng đang phải đối mặt như: Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tuy có đầu tư song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của sự nghiệp giáo dục thành phố. Số vốn đâu tư xây dựng cơ bản hằng năm không đủ để đầu tư hoàn thành các dự án phát triển mạng lưới trường lớp theo quy hoạch. Công tác dạy học ngoại ngữ được chú trọng, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều đột phá trong dạy và học, kết quả vẫn chưa đạt như mong đợi. Chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng chưa cao; công tác phân luồng sau THCS còn gặp nhỉều khó khăn. Công tác phát triền nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn một số hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ giữa thu hút và đào tạo, giữa đào tạo và sử dụng. Thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo với sản xuất, kinh doanh…

Sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, năm học 2017 - 2018, ngành GD&ĐT sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện quy hoạch trường, lớp gắn với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Có chính sách linh hoạt về đào tạo, bồi dưỡng và kế hoạch tuyển dụng giáo viên các cấp, tránh thừa thiếu cục bộ và bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non, tiểu học, giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam; bồi dưỡng giáo viên đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, tránh để xảy ra tình trạng “chạy” chứng chỉ gây bức xúc trong xã hội; đa dạng hóa việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường và xã hội (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức...). Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc dạy và học, quản lý hồ sơ chuyên môn, quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, giảm bớt sổ sách không cần thiết cho các thầy cô giáo; xây dựng triển khai mô hình lớp học thông minh nhằm nâng cáo chất lượng dạy học. Thực hiện tinh giản ít nhất 50% các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh, không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm thi tuyển sinh; tổ chức luân phiên các môn thi của Hội khỏe Phù Đổng các cấp/mỗi năm học.

Triển khai thí điểm và nhân rộng trường nhiều cấp hoc, trường học tự chủ theo lộ trình; trong đó, thí điểm triển khai trường học tự chủ tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên, hoặc trường học tự chủ tài chính tự bảo đảm một phần chi thường xuyên... Tiếp tục thực hiện hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2. Triển khai chủ trương giữ trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi vào trường mầm non công lập; đặc biệt đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Chủ động tham mưu cho UBND, HĐND TP Đà Nẵng về các giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho bậc học mầm non, phổ thông theo hướng thành lập trường chất lượng cao. Hiện đại hóa cơ sở vật chất - kĩ thuật, trang thiết bị dạy học. Trong đó, tập trung tăng cường đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa; chú ý đầu tư, cơ sở vật chất phục vụ dạy 2 buổi/ngày để đạt mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; đầu tư xây dựng các sân thể thao dùng chung.

Thực hiện nghiêm túc cộng tác tự đánh giá chất lượng giáo dục và tổ chức đánh giá ngoài đảm bảo 100% số trường đủ điêu kiện hoàn thành tự đánh giá và tổ chức đánh giá ngoài, phấn đấu đến cuối năm học 2017 - 2018 có 55% số trường mầm non, trường TH, THCS, THPT được đánh giá ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ