Lào Cai thành công trong giáo dục học sinh dân tộc

GD&TĐ - Thực hiện Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26/8/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017, ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đã nghiêm túc, sáng tạo trong việc triển khai 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản vào thực tiễn giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng.

Học sinh trường DTNT thu hoạch rau
Học sinh trường DTNT thu hoạch rau

Lào Cai là một tỉnh miền núi, biên giới có 9 huyện, thành phố, 164 xã, phường, thị trấn, trong đó có 104 xã đặc biệt khó khăn. 1.007 thôn đặc biệt khó khăn; dân số hơn 60 vạn người, trong đó người DTTS (DTTS) chiếm 70%. Năm học 2016-2017, Lào Cai có 658 cơ sở giáo dục với 1.458 điểm trường, 196.792 học sinh. Trong đó, bậc học mầm non 200 trường, 2.353 nhóm/lớp; cấp tiểu học 223 trường (42 trường PTDTBT); cấp THCS 189 trường (78 trường PTDTBT); cấp THPT 36 trường (9 trường PTDTNT).

Rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp

Năm học 2016-2017, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2030 (Quyết định số 2760/QĐ-UBND ngày 27/8/2015 của UBND tỉnh Lào Cai); tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 2077/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của UBND tỉnh Lào Cai), với mục tiêu quy hoạch, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục vùng DTTS, miền núi

Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 4596/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh), Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh tiểu học DTTS (Kế hoạch số 390/KH-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai); chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, đánh giá thực trạng và tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý vùng DTTS, MN và các trường PTDTNT, PTDTBT.

Tổ chức bồi dưỡng hè cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên trong năm học, đặc biệt là hoạt động sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học cấp tỉnh, cấp huyện, cụm trường, sinh hoạt chuyên môn khối các trường PTDTNT; phân công giáo viên cốt cán hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên còn hạn chế. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, công tác quản lý học sinh nội trú, bán trú, đặc điểm tâm lí học sinh DTTS, văn hóa dân tộc và tri thức địa phương...

Bộ đội biên phòng hướng dẫn học sinh gấp chăn màn
Bộ đội biên phòng hướng dẫn học sinh gấp chăn màn 


Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh DTTS

Sở GD&ĐT Lào Cai tăng cường chỉ đạo các đơn vị, nhà trường tổ chức các hoạt động GDHN theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với hoạt động xây dựng mô hình trường học gắn liền với thực tiễn…; chú trọng liên kết giữa các trường THCS, THPT với các trung tâm đào tạo nghề, doanh nghiệp,…

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp được các trường quan tâm tổ chức dưới hình thức Ngày hội tuyển sinh và tư vấn hướng nghiệp; các trường cử CBQL, GV thành lập Tổ tư vấn hướng nghiệp; tổ chức hoạt động câu lạc bộ để học sinh tìm hiểu, trải nghiệm; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, các tổ chức với cha mẹ học sinh trong định hướng, tư vấn cho các em học sinh lớp 12 đăng ký thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp dựa vào năng lực của học sinh và điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu lao động.

Giáo viên làm công tác GDHN thường xuyên cập nhật thông tin các nghề còn đang thiếu lao động, đặc biệt các nghề phát triển kinh tế, xã hội, các nghề truyền thống tại địa phương, để tư vấn định hướng cho học sinh lựa chọn; tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề, tham quan, trải nghiệm cho học sinh về công tác HNDN nhất là học sinh cuối cấp học. Giáo dục khởi nghiệp ngay trong nhà trường (ví dụ: Mô hình trường học gắn với sản xuất kinh doanh đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong các nhà trường).

Tự chăm sóc vườn rau xanh
Tự chăm sóc vườn rau xanh 


Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt tạo điều kiện dạy học ngoại ngữ ở vùng DTTS, miền núi
.

Xác định chất lượng tiếng Việt chính là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Chính vì vậy năm học 2016-2017 là năm đột phá về tổ chức các hoạt động nhằm kiểm soát chất lượng và tăng cường tiếng Việt cho học sinh, trẻ em DTTS, đặc biệt ở các điểm trường lẻ. Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 390/KH-UBND ngày 30/12/2016 thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh tiểu học DTTS.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo để bàn các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp nhất với từng địa phương. Tăng cường tiếng Việt qua các hoạt động ngoại khoá, các câu lạc bộ như: câu lạc bộ phát thanh măng non, câu lạc bộ em yêu âm nhạc, câu lạc bộ ẩm thực.... Qua đó, học sinh sẽ mạnh dạn, tự tin, học tốt môn tiếng Việt và học tốt các môn học khác.

Chú trọng nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực người DTTS.

Sở GD&ĐT Lào Cai đã triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học. Quán triệt các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh, coi đây là hoạt động chuyên môn quan trọng được tập trung chỉ đạo để thay đổi nhận thức, tư duy quản lý, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường.

Sở đã chỉ đạo các trường PTDTNT, PTDTBT lựa chọn nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp thực tế để nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh DTTS, góp phần bảo đảm công bằng giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Các đơn vị tự chủ trong thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp gắn với triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn, đặc biệt, mô hình trường học gắn liền với nông trại được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT đã góp phần phát triển năng lực, phẩm chất, định hướng kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện đời sống cho học sinh.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách của tỉnh đối với giáo dục và đào tạo

Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chế độ chính sách của trung ương đối với giáo viên, học sinh vùng DTTS, miền núi.

Đặc biệt, năm học 2016-2017, ngành Giáo dục Lào Cai đã tích cực tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách của địa phương, trong đó có 7 chính sách cho các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh các trường ở vùng DTTS, miền núi: Đầu tư xây dựng phòng học bán trú cho học sinh và nhà công vụ cho giáo viên (Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 10/8/2016); chính sách hỗ trợ tiền ăn, thuê cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh DTTS học THPT ở tại trường PTDTNT huyện, hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú (những học sinh không được hưởng theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP), hỗ trợ giáo viên trực tiếp quản lý học sinh bán trú, hỗ trợ cấp dưỡng cho học sinh bán trú (đối tượng không được hưởng theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP), hỗ trợ học phẩm và sách giáo khoa cho học sinh (Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 15/3/2017); học bổng cho học sinh người DTTS học trong trường THPT Chuyên (Quyết định số 75/2016/QĐ-UBND ngày 24/8/2016).

Các chính sách đó đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu củng cố, duy trì phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần ở các xã vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong chỉ đạo phải có chiến lược, xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm, có lộ trình phấn đấu, sâu sát với cơ sở, yêu cầu cao và thực chất; tăng cường kỷ cương nền nếp; chú trọng và thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình hiệu quả một cách phù hợp. Đổi mới công tác quản lý của hiệu trưởng là yếu tố tiên quyết. Hiệu trưởng phải đi đầu trong đổi mới, có nhận thức, tâm huyết, trách nhiệm với mọi hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ