Lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành quan tâm sâu sắc mọi mặt đời sống giáo dục

GD&TĐ - Tuần qua, nội dung GD nhận quan tâm đặc biệt là chuyến thăm các cơ sở GD của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Trực tiếp chủ trì và phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Chủ tịch nước động viên ngành giáo dục

Sáng 7/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THPT tỉnh Yên Bái. Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục cần chủ động trong xây dựng phương án dạy và học theo hướng linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái, thích ứng với tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm thầy và trò Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc). Chủ tịch nước mong rằng giáo viên trường chuyên cả nước nói chung và trường chuyên Vĩnh Phúc nói riêng tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, thường xuyên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy để trường chuyên Vĩnh Phúc không chỉ xứng đáng là niềm tự hào của ngành giáo dục Vĩnh Phúc mà còn của cả nước.

Với các em học sinh, Chủ tịch nước mong các em sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức, nuôi dưỡng khát vọng, phấn đấu tạo dựng thành công ở bậc học cao hơn, đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. Các em học sinh hãy nuôi dưỡng dòng suối tuổi trẻ bằng sự đam mê học hỏi, bằng trí óc sáng tạo - đó là con đường đưa đến thành công lớn.

Bộ trưởng Bộ GD &ĐT Nguyễn Kim Sơn thay mặt ngành Giáo dục nhận ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị. (Ảnh: gdtd.vn)
Bộ trưởng Bộ GD &ĐT Nguyễn Kim Sơn thay mặt ngành Giáo dục nhận ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị. (Ảnh: gdtd.vn)

Triển khai Chương trình "sóng và máy tính cho em"

Tối 12/9, Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 65 điểm cầu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Theo thống kê của Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), tính đến ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang tổ chức học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến). Tổng số học sinh các cấp đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 em. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.

Chương trình đã tiếp nhận hơn 1 triệu máy tính, tương đương 2.350 tỉ đồng; Giá trị phủ sóng tương đương 3 nghìn tỉ đồng.

Trong tuần, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 6218/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về xây dựng và triển khai Chương trình “sóng và máy tính cho em”.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình “sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình “sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.

Chương trình “Máy tính cho em” cũng được Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. Bộ GD&ĐT kêu gọi cán bộ toàn ngành ủng hộ tối thiểu 1 ngày thu nhập.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Đưa bài giảng chất lượng tốt nhất đến học sinh mọi lúc, mọi nơi

Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì làm việc với Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các đài truyền hình, kênh truyền hình Trung ương… bàn giải pháp về các phương thức dạy học trong dịch bệnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định những địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ sẽ có điều chỉnh về thời gian kết thúc năm học, thậm chí phương pháp thi hết cấp, đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho học sinh, không để các em thiệt thòi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT làm việc trực tiếp với các đài truyền hình, kênh truyền hình của Trung ương để rà soát lại độ bao phủ, khả năng dành thời lượng phát sóng các bài giảng truyền hình, các đài địa phương có phương án tiếp sóng để có diện bao phủ tốt nhất, đến nhiều học sinh nhất, kể cả những em có điều kiện học trực tuyến.

Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế các chương trình học trực tuyến, học trên truyền hình, nhất là ở bậc tiểu học theo hướng “học mà chơi, chơi mà học”; có hướng dẫn chi tiết việc tổ chức giờ giảng trực tuyến tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng; lồng ghép, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cho các phụ huynh, đặc biệt là các kiến thức cơ bản về phòng chống dịch trong môi trường giáo dục và trong xã hội.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng bảo đảm đường truyền phục vụ cho dạy, học trực tuyến.

“Việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt là trong thi cử, nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường ở các lớp đầu cấp, để bảo đảm quyền lợi cho học sinh”, Phó Thủ tướng lưu ý. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ