Ký ức ngày khai trường

GD&TĐ - Ngày khai giảng luôn là ngày đặc biệt với các thế hệ giáo viên và học trò. Một mùa khai giảng nữa lại về trong mùa Thu lịch sử và một năm học mới đã đến với biết bao niềm tin và hy vọng về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT của nước nhà. Không chỉ các em học sinh, các thầy cô giáo háo hức đón chào năm học mới, mà cả những người đã gắn bó cả đời với sự nghiệp giáo dục cũng đang rộn ràng, hòa mình vào không khí ngày khai trường với những cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên.

Ký ức ngày khai trường

GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Giáo dục phát triển không ngừng

Năm nào cũng vậy, mỗi mùa tựu trường đều mang lại nhiều cảm xúc đối với GS.VS Phạm Minh Hạc. Đó không chỉ là những cảm xúc tươi mới, mà còn là những hồi ức đẹp về một thời đã xa của GS. GS Phạm Minh Hạc nhớ lại: Trước năm 1945, lễ khai giảng được diễn ra rất trang trọng, còn những năm kháng chiến chống Pháp thì đơn giản. Không được trang hoàng như bây giờ, nhưng ngày khai giảng thời đó cũng có đầy đủ phần lễ và phần hội và để lại nhiều ấn tượng với chúng tôi.

“Tôi ấn tượng rất sâu sắc với bài diễn văn của thầy Hiệu trưởng Bạch Đăng Thi tại Trường phổ thông cấp 3 Nguyễn Thượng Hiền trong ngày khai giảng. Tuy hơn 60 năm, nhưng ấn tượng đó vẫn còn nguyên vẹn với tôi. Đó là một bài diễn văn ngắn nhưng rất hay và ý nghĩa. Thầy khuyên nhủ học sinh: Học để phục vụ nhân dân. Và tinh thần đó thế hệ chúng tôi đã thấm nhuần” – GS Phạm Minh Hạc bộc bạch.

GS Phạm Minh Hạc cho biết, sau này khi tham gia quản lý giáo dục, GS có đi dự ngày khai giảng của một số địa phương và nhận thấy, đây đúng là một ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Khắp nơi tràn ngập không khí vui tươi, hồ hởi. “Ngày nay, đất nước ngày càng phát triển, chúng ta có điều kiện để tổ chức ngày khai giảng trang hoàng hơn, nhưng chúng ta vẫn giữ được truyền thống đó. Đây là điều mà tôi rất mừng” - GS Phạm Minh Hạc chia vui.

“Nhân dịp năm học mới, tôi chúc các thầy, cô giáo, các em học sinh, sinh viên và toàn ngành Giáo dục gặt hái được nhiều thành công. Sự nghiệp giáo dục không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà là của toàn Đảng, toàn dân. Vì thế, năm học 2018 – 2019, tôi mong GD-ĐT tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng hướng, thể hiện mục tiêu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” để công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT được thành công”.
GS.VS Phạm Minh Hạc

Tâm đắc với những thành tựu của giáo dục nước nhà, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ, năm nay kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đi lên cùng đất nước, giáo dục cũng phát triển không ngừng. Từ chỗ 5% dân số mù chữ (năm 1945), nay chúng ta đã phổ cập được giáo dục phổ thông cơ sở và ta có hàng trăm trường đào tạo công nhân, trung học chuyên nghiệp và đại học.

Ngày nay, nước ta đã có hơn 90 triệu người nhưng nhiều năm nay luôn luôn giữ được con số trên 20 triệu người đi học. Đấy là một thành tựu rất đáng kể. Trên thế giới, người ta cũng xếp giáo dục của Việt Nam vào một trong những nước có nền giáo dục phát triển. Bằng chứng là tại kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, các cuộc thi về khoa học kỹ thuật, robocon, học sinh, sinh viên của chúng ta đều có huy chương Vàng, Bạc, Đồng và có các giải thưởng khuyến khích khác.

Có thể nói, chúng ta có xuất phát điểm thấp với 30 năm chiến tranh liên tục, vậy mà đạt được thành tựu rất đáng tự hào. Qua đó thể hiện rõ tinh thần hiếu học ngàn đời của dân tộc và thể hiện được tinh thần đổi mới giáo dục của nước nhà.

GS.VS Phạm Minh Hạc
 GS.VS Phạm Minh Hạc

“Bên cạnh niềm tự hào đó, nhiều người trong đó có tôi là người gắn bó cả đời với sự nghiệp giáo dục cũng có nhiều trăn trở, suy nghĩ. Đó là chúng ta vẫn chưa xây dựng đủ trường học, lớp học cho học sinh; đâu đó ở nhiều địa phương vẫn phải sử dụng những lớp học tạm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn….như các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến kết quả giáo dục của các địa phương.

Vì thế năm học mới 2018 – 2019, tôi mong muốn ngành Giáo dục sẽ thực hiện tốt chủ trương đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng. Muốn vậy, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cần có sự chăm lo cho giáo dục nhiều hơn, để năm học này hơn các năm học trước. Mỗi một năm học phải đạt được sự tiến bộ mới” - GS Phạm Minh Hạc nói.

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Chương trình tốt, dứt khoát phải có giáo viên dạy tốt

Mỗi năm một khác, giáo dục có nhiều đổi mới và phát triển. “Tôi còn nhớ, thời tôi là giáo viên, ngày khai giảng diễn ra rất vui tươi với nhiều trò chơi, lễ hội do chính giáo viên và học sinh tổ chức thực hiện. Song để lại ấn tượng nhất với tôi là phần đón học sinh mới vào trường. Vừa trang trọng, thiêng liêng nhưng cũng vô cùng ấm áp. Cả thầy và trò đều hồ hởi chào đón một năm học mới với nhiều điều mới lạ cần được khám phá ngay từ chính bản thân mỗi người”- PGS Trần Thị Tâm Đan nhớ lại.

Cũng theo PGS Trần Thị Tâm Đan, hiện nay ngành Giáo dục đang tiến hành đổi mới giáo dục trong từng cấp học và đã có được những tiến bộ rõ rệt. Đơn cử như Kỳ thi THPT quốc gia đã thể hiện sự quyết tâm đổi mới của toàn ngành và đã đạt được bước tiến mới. Học sinh chỉ phải thi một lần và được thi tại địa phương nên rất thuận tiện, giảm áp lực và chi phí. Đó là “điểm nhấn” của giáo dục trong năm học vừa qua. Còn việc một số địa phương để xảy ra sai phạm là vấn đề cụ thể của một số người. “Quan điểm của tôi là sai đâu, sửa đấy, chứ không vì thế mà mình lại đánh giá thấp Kỳ thi THPT quốc gia” - PGS Trần Thị Tâm Đan thẳng thắn chia sẻ.

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan 

Theo PGS Trần Thị Tâm Đan, một trong những kết quả rất đáng được ghi nhận đó là, Bộ GD&ĐT đã tích cực đẩy mạnh xây dựng chương trình bộ môn. Vấn đề này được tổ chức rất nghiêm túc. Sắp tới đây, Bộ GD&ĐT cần tích cực đẩy mạnh việc duyệt sách giáo khoa. Đồng thời tổ chức in ấn sách giáo khoa, nhất là lớp đầu cấp.

Cùng với đó, ngay trong năm học 2018 – 2019 này, chúng ta cần tập trung cho việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mà quan trọng nhất là bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn những phương pháp hay, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm phục vụ tốt cho việc dạy học của giáo viên. “Khi đã có chương trình, sách giáo khoa tốt rồi thì dứt khoát phải có đội ngũ giáo viên dạy tốt mà chủ yếu tập trung vào thay đổi phương pháp giảng dạy” - PGS Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh.

PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo dục tại những vùng khó khăn được quan tâm

Sau 3 tháng hè, học sinh rất háo hức mong đến ngày khai giảng. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, ngày xưa ngày khai giảng thời gian dành cho phần hội thường nhiều hơn phần lễ nên để lại nhiều ấn tượng đối với học sinh. “Thời tôi còn là học sinh, đi học trong trường vùng kháng chiến và sau này khi hòa bình lập lại, ngày khai giảng luôn để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc. Sau 3 tháng hè, mọi người trở lại trường với tâm trạng vui như trẩy hội. Được gặp lại bạn bè, thầy cô và mọi người nói chuyện vui vẻ với nhau. Vì thế ngày tựu trường, ai cũng cảm thấy rất hồi hộp, xao xuyến và rất háo hức” - ông Nhĩ nhớ lại.

PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết, có lần ông dự một buổi lễ khai giảng ở Đức. Ở đó, phụ huynh đưa con đến trường rồi cùng tham gia tổ chức những quầy hàng. Tất cả các gian hàng đều trưng bày những sản phẩm trong mùa hè mà học sinh thu nhận được. Thêm vào đó, những quầy bán hàng rất là vui vẻ giữa phụ huynh với học sinh. Trong ngày khai giảng, họ không có những bài diễn văn dài dòng, báo cáo thành tích của nhà trường. Họ tăng phần hội để tạo không khí vui tươi, ấn tượng đối với học sinh trong ngày khai giảng.

“Một vài năm gần đây, tôi rất mừng là ngành Giáo dục đã chỉ đạo các địa phương cơ sở giáo dục tổ chức ngày khai giảng theo hướng trang trọng, tăng phần hội cho học sinh, giáo viên và đã giảm bớt các phần báo cáo, phát biểu. Đó là điều rất đáng ghi nhận” - PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Cho rằng, một trong những thành quả lớn của ngành Giáo dục đó là, hệ giáo dục chúng ta vẫn phát triển và giữ được ổn định; PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh: Chúng ta đã quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường bán trú được củng cố và phát triển, tạo điều kiện cho các con em đồng bào dân tộc thiểu số học tập và tạo nguồn nhân lực cho địa phương. “Còn trong giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục đã chú ý đến phát triển năng lực của học sinh. Đó là những điều mà tôi cảm thấy hài lòng và rất tốt” - PGS Trần Xuân Nhĩ trao đổi.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, vấn đề hiện nay là chúng ta cần cố gắng hơn nữa trong thực hiện, tổ chức phân luồng học sinh và hướng nghiệp cho các em ngay từ trung học cơ sở. Từ đó sẽ giúp cho việc lựa chọn ngành nghề của học sinh được phù hợp hơn, đúng với kiến thức, năng lực và sở trường của các em.

Muốn vậy, ngoài công tác hướng nghiệp, việc tổ chức nhà trường cũng phải tính toán lại một cách có hệ thống. Các trường phổ thông và các trường nghề phải phối hợp trở lại và cùng tham gia vào công tác phân luồng học sinh. Làm được như vậy sẽ là điều rất tốt cho sự phát triển giáo dục.

Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, hiện nay đổi mới trong nhà trường chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên, để khi họ giảng dạy sẽ lấy đối tượng học sinh làm trung tâm phát huy năng lực học sinh.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ