Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Cha mẹ “đứng ngồi không yên”

GD&TĐ - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, trên cả nước có gần 200.000 thí sinh tham dự. Riêng TP Hà Nội, đây là năm đầu tiên Sở GD&ĐT lựa chọn 4 môn thi Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử thay cho hai môn là Văn, Toán như trước đây. Phần đông các phụ huynh đều cho rằng, sự thay đổi này cũng làm tăng thêm áp lực cho các thí sinh. Thế nên, khi các con vào phòng thi hầu như bố mẹ nào cũng “đứng ngồi không yên”.

Phụ huynh san sẻ, động viên thí sinh sau buổi thi. Ảnh: Thế Đại
Phụ huynh san sẻ, động viên thí sinh sau buổi thi. Ảnh: Thế Đại

Ngóng con trong trường thi

Tại điểm thi của Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), chị Ngọc Hà ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc chia sẻ: Cả mấy ngày con thi, tôi mất ăn, mất ngủ vì lo lắng. Ban đêm thi thoảng tôi lại kiểm tra xem con ngủ có yên giấc không. Con vào phòng thi, bố mẹ ngồi đợi ngoài cổng trường. Hai môn thi đầu con gái tôi cho biết, khi khảo sát đáp án với cô giáo cháu áng chừng sẽ được 8 đến 8,5 điểm môn Toán và môn Ngữ văn là 8 điểm. Vì vậy, tôi hy vọng con sẽ làm tốt hai môn thi của ngày thứ hai này.

Mặc dù, các thí sinh đã vào phòng thi được 30 phút, ngoài cổng trường vẫn khá đông các phụ huynh ngồi chờ con bên vỉa hè. Một người đàn ông tầm năm chục tuổi vừa gạt mồ hôi trên trán vừa tâm sự với một phụ huynh bên cạnh: “Năm nay cháu thứ hai thi THPT nên tôi quyết định nghỉ buổi chạy xe ôm để đưa đón. Ngày xưa gia đình khó khăn, mình không được học đến nơi đến chốn, nên chỉ đến hết THCS là đi làm. Bây giờ, mong cho con cái được học hành hơn mình, sau khỏi phải lao động lam lũ. Được cái, hai đứa nhà tôi đều sáng dạ. Cháu lớn đang học ĐH Giao thông Vận tải cũng giúp được bố mẹ đôi chút. Nên mong đứa thứ hai cũng đỗ vào trường, dù có vất vả hơn tôi cũng mừng”, người cha làm nghề chạy xe ôm chia sẻ.

Ngoài những hành động để cổ vũ động viên tinh thần cho sĩ tử, các phụ huynh còn là điểm tựa cho thí sinh trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: Thế Đại
  • Ngoài những hành động để cổ vũ động viên tinh thần cho sĩ tử, các phụ huynh còn là điểm tựa cho thí sinh trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: Thế Đại

15 phút trước giờ kết thúc môn thi cuối, tại cổng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), hàng trăm phụ huynh dõi ánh mắt về phía trường thi. Anh Nguyễn Văn Nam, nhà ở phố Minh Khai cho biết: Con trai của anh đăng ký dự thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thăng Long, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Hai Bà Trưng.

Với sức học của cháu thì việc đăng ký hai trường này là phù hợp. Nhưng mong muốn của cháu là được vào lớp chuyên Hóa của Trường THPT Chu Văn An nên cũng khá khó. Vì năm nay Trường THPT Chu Văn An là một trong những trường có tỷ lệ chọi vào lớp 10 cao nhất thành phố. Mặc dù mong con đỗ vào lớp con thích, song quan trọng nhất là các con phải không quá áp lực với bản thân. Vì theo anh Nam, ngoài các trường công lập, các con vẫn có cơ hội vào học tại các trường ngoài công lập khác.

Mong “một vé” vào trường công lập

Túc trực tại cổng Trường THCS Văn Yên (Hà Đông) từ sớm, chị Mai Anh, ở chung cư Xa La cho biết: Nhiều năm nay kỳ thi vào lớp 10 THPT luôn là nỗi lo lắng không chỉ của các thí sinh mà của cả các phụ huynh. Bởi ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” của các con, bất cứ cha mẹ nào cũng phải theo sát. Trong mấy ngày con thi, tôi phải xin nghỉ để đưa đón, chăm sóc cháu. Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đổi mới về phương thức tuyển sinh nên bọn trẻ phải làm thêm hai bài thi là Ngoại ngữ và Lịch sử. Đồng nghĩa với việc các con sẽ phải ôn luyện nhiều hơn, đó cũng là một áp lực. Những ngày sát kỳ thi, nỗi lo lớn nhất của các phụ huynh như tôi là mong con khỏe mạnh để tham dự kỳ thi thật tốt.

Hình ảnh phụ huynh lo lắng đợi chờ con ngoài trường thi. Ảnh: Thế Đại
  • Hình ảnh phụ huynh lo lắng đợi chờ con ngoài trường thi. Ảnh: Thế Đại

Chị Mai Anh chia sẻ: Ngoài nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Trường THPT Quang Trung và THPT Trần Hưng Đạo thuộc khu vực Hà Đông, con trai chị còn đăng ký dự thi vào khối chuyên Pháp của Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Vì vậy, cháu sẽ dự thi thêm một bài ngoại ngữ nữa mới hoàn thành kỳ thi. Với ba môn, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử cháu làm bài khá tự tin ước chừng từ 7 - 8 điểm. Tuy nhiên, môn Toán không phải sở trường nên cháu chỉ mong đạt được thang điểm 6 - 7. Cháu đánh giá tổng điểm ở mức khá nhưng gia đình vẫn lo lắng vì so với tương quan các thí sinh khác thì việc đỗ vào một trường công lập ở Hà Nội không phải dễ.

Anh Trần Văn Hùng, nhà ở Cầu Giấy (Hà Nội), có con dự thi vào lớp 10 năm nay cũng bày tỏ lo lắng. Theo thông báo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập chiếm khoảng 62%, như vậy sẽ có gần 40% số học sinh sẽ phải học ở các trường THPT công lập tự chủ tài chính, trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. “Với gia đình công chức và có mức thu nhập trung bình, nếu con không đỗ vào trường công lập mà học ngoài ở các trường ngoài công lập lại là gánh nặng về tài chính. Tuy nhiên, trước khi con đi thi tôi cũng động viên con cố gắng chứ không gây áp lực con phải đỗ vào trường công lập”, anh Hùng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ