Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ hoàn thành sứ mệnh

GD&TĐ - Khẳng định tin tưởng vào thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, GS Lê Trần Bình - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đưa ra nhiều nhận định ủng hộ dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi này của Bộ GD&ĐT.

Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ hoàn thành sứ mệnh

Những đổi mới có lợi

Theo GS Lê Trần Bình, việc Bộ GD&ĐT quyết định lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7/2015 là hợp lý.

Vì sau khi kết thúc chương trình lớp 12 vào tháng 5/2015, học sinh có thêm một tháng ôn thi, chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi quan trọng nhất trong đời học sinh.

GS Lê Trần Bình 

Hơn nữa, đây là năm đầu tiên thực hiện phương thức mới, cần có thời gian để tháo gỡ những vướng mắc có thể nảy sinh trong khâu chuẩn bị.

Việc chấm thi trên thang điểm 20 không ảnh hưởng đến nội dung thi như một số học sinh và phụ huynh bày tỏ lo lắng trên một số diễn đàn.

Đây chỉ là thay đổi kỹ thuật liên quan đến thước đo kiến thức, kỹ năng, nhằm chấm điểm chính xác hơn.

“Hiện Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng chấm điểm trên thang điểm 20 theo cách chấm điểm của Pháp. Phương pháp này có ưu điểm là đánh giá chính xác hơn về kết quả bài thi của thí sinh” - GS Lê Trần Bình cho biết.

Quyền lợi của thí sinh được đảm bảo

GS Lê Trần Bình nhận định: Khi xây dựng phương án thi THPT qQốc gia, Bộ GD&ĐT đã tính đến những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, cho người dân, tiết kiệm chi phí, thời gian trên cơ sở đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, hiệu quả.

Thay đổi lớn nhất năm nay là học sinh đăng ký ngành học sau khi đã có điểm thi, từ đó có thể chọn ngành, chọn trường phù hợp với khả năng của mình.

Bên cạnh đó, mỗi học sinh được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả có mã vạch khác nhau.

Mỗi giấy có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường theo thứ tự ưu tiên.

Quyền lợi của thí sinh như vậy được đảm bảo, mặc dù điều này có thể làm gia tăng số lượng thí sinh ảo, có thể gây khó khăn cho các trường, đặc biệt là các trường không ở top trên.

Ở một số nước, các trường thực hiện thu phí ghi danh hoặc yêu cầu thí sinh đóng một khoản tiền giữ chỗ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nếu các khoản tiền này nhỏ thì không có ý nghĩa, mà nếu yêu cầu đóng nhiều thì lại gây khó khăn cho thí sinh và gia đình.

Bộ GD&ĐT sẽ thành công với 1 kỳ thi 2 mục đích

Việc kỳ thi THPT Quốc gia có thực hiện được “sứ mệnh” một kỳ thi hai mục đích hay không, GS Lê Trần Bình cho rằng, phụ thuộc vào cách thức xây dựng và cấu trúc đề thi.

Trong khuôn khổ thời gian quy định đối với một bài thi từ 90 đến 180 phút, tùy thuộc đó là bài thi trắc nghiệm hay tự luận, đây là một thách thức đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao đối với những người làm đề.

“Cá nhân tôi tin tưởng rằng Bộ GD&ĐT sẽ thành công” - GS Lê Trần Bình khẳng định.

Riêng với Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, do mới được thành lập, cơ sở vật chất tại Hòa Lạc chỉ được hoàn thiện trong vài năm nữa nên chưa có điều kiện đăng ký tổ chức thi cụm. 

Nhưng, theo GS Lê Trần Bình, trường sẵn sàng cử đội ngũ giảng viên, nhân viên nhà trường phối hợp với các trường ĐH khác thực hiện công tác coi thi, chấm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ