Kỷ luật tích cực: Chạm vào trái tim học trò

GD&TĐ - Song song với đổi mới dạy học nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới, điều chỉnh trong khen thưởng, kỷ luật học sinh cũng được nhà trường chú trọng.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) tham gia chuyên đề Ứng xử văn minh. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) tham gia chuyên đề Ứng xử văn minh. Ảnh: NTCC

Các trường có những biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực để tạo môi trường học đường thân thiện, giúp học sinh tiến bộ, trưởng thành qua từng ngày.

Từ trái tim sẽ đến trái tim

Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường Tiểu học – THCS - THPT Tân Phú (quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ: Trong quá trình dạy học, tôi thường khen học sinh nhiều hơn chê trách; nhắc nhở, động viên nhiều hơn trách phạt và kỷ luật. “Nguyên tắc của tôi với mọi học sinh là “Khen công khai – góp ý kín đáo – tôn trọng và yêu thương trên tinh thần những gì từ trái tim sẽ đến được trái tim”, thầy Thanh nói. 

Thầy Thanh lấy ví dụ, trong quá trình dạy môn Hóa học, phát hiện hai học sinh chép bài kiểm tra 15 phút của nhau. Nhưng tôi không trách phạt hay la mắng tại thời điểm đó. Ở tiết học sau, bài “Glucozơ – Fructozơ”, thầy Thanh cho các em tổ chức một hoạt động nhỏ: “Hóa học và đạo đức”. 

Câu hỏi được thầy đặt ra: “Tại sao bọt bia thường nhỏ và mịn, bền khi rót vào cốc nước đá còn bọt Coca Cola thì to, nhưng không bền và mong manh, dễ vỡ?”. Câu trả lời của mỗi em là “do bọt bia sinh ra trong quá trình lên men rượu, bọt khí CO2  có cấu trúc ổn định vì nó là tự nhiên. Trái lại bọt Coca Cola là bọt CO2 nhân tạo, nén vào bình nước ngọt ở áp suất cao nên không bền, mong manh, dễ vỡ”. 

Tiếp theo, thầy giáo cho các em tự viết bài cảm nhận 4 phút về hình ảnh liên tưởng trên. Rất bất ngờ, học sinh chép bài kiểm tra 15 phút của bạn ở tiết trước đã viết “lời xin lỗi” vào bài cảm nhận và hứa rằng “em sẽ cố gắng học tập để thực chất với kiến thức của mình như bọt bia” chứ không “vay mượn kiến thức của bạn” vì nó dễ vỡ và mong manh như “bọt Coca Cola”. 

Tương tự, cô Nguyễn Mai Loan, giáo viên Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết: “Với tôi không có học sinh cá biệt, mà chỉ có thầy cô… cá biệt. Nói như vậy để thấy rằng chúng ta phải thực sự tâm huyết với nghề, với trò”. Theo cô Mai Loan, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh ra sao, học sinh cần được tôn trọng và giáo viên cần học cách lắng nghe các em giải thích, chia sẻ. Những lỗi lầm, sai sót của các em đều được giải quyết bằng tình yêu thương chứ không thể quy chụp và lấy nội quy, quy chế, quy định ra “áp” vào một cách máy móc. 

Ở lớp học, để tạo bầu không khí vui vẻ cho học sinh, cô Mai Loan luôn có nhiều đổi mới sáng tạo trong dạy học môn Ngữ văn. Những tiết học theo nhóm, dự án nhỏ như làm báo tường, chia sẻ cảm nhận về cuốn sách hay, bức thư gửi riêng… thể hiện tâm huyết của người thầy với trò được học sinh đón nhận nồng nhiệt.

Học sinh Trường THPT Ten Lơ Man (Quận 1 – TPHCM) trong buổi họp phụ huynh đặc biệt. Ảnh: P.Nga
 Học sinh Trường THPT Ten Lơ Man (Quận 1 – TPHCM) trong buổi họp phụ huynh đặc biệt. Ảnh: P.Nga

Xây dựng môi trường học đường thân thiện 

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) chia sẻ: Nhà trường luôn tạo môi trường vui vẻ, thân thiện và năng động để tất cả học sinh cùng tham gia qua nhiều hoạt động khác nhau. Các em ngoài học tập về kiến thức, còn được giáo dục kỹ năng qua những chuyên đề ngoại khóa để bồi đắp thêm giá trị về văn hóa dân tộc; được thể hiện sở trường, niềm yêu thích của mình thông qua các hội thi, các CLB… 

Trường cũng chú trọng việc gắn kết học sinh - thầy cô - phụ huynh khi tổ chức giao hữu thể thao như bóng đá, cầu lông, hoặc giải chạy hằng năm. Qua giải chạy, ngoài cổ vũ tinh thần tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, trường còn quyên góp được một khoản tiền để hỗ trợ học sinh khó khăn… Các hoạt động gắn kết này giúp nhà trường - gia đình phối hợp chặt chẽ trong giáo dục toàn diện cho học sinh, trở thành những người bạn lớn của các em trong quá trình trưởng thành. 

Trường THPT Nguyễn Du cũng thành lập ban tư vấn học đường với 4 thành viên. Học sinh của trường rất tin tưởng ban tư vấn, sẵn sàng chia sẻ, trao đổi qua điện thoại, qua gặp trực tiếp, nhắn tin… Những thắc mắc nhỏ, câu chuyện riêng, khúc mắc với bạn bè… đều được các thầy cô tư vấn và giải quyết kịp thời, giúp các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui thực sự”.

Thầy Huỳnh Thanh Phú “bật mí” thêm, ở Trường THPT Nguyễn Du, học sinh muốn chuyển lớp, các em sẽ suy nghĩ kĩ và liên hệ với các thành viên ban giám hiệu để được giải quyết ngay. Nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa cho các em học tập có hiệu quả, vui vẻ khi tới trường.

Với học sinh gặp sơ suất, lỗi lầm, theo thầy Thanh Phú, quan điểm của nhà trường là “tất cả đều là chuyện nhỏ và có thể giải quyết, hóa giải được bằng tình yêu thương, bằng trái tim của người thầy. Trường không hề quy chụp, quy kết, không hù dọa và luôn tạo một môi trường thân thiện nhất, vui vẻ nhất cho các em để các em trưởng thành qua từng ngày”. 

Những chuyên đề về ứng xử trong tình bạn, tôn sư trọng đạo, những giá trị văn hóa truyền thống, kỹ năng làm chủ cảm xúc… được nhà trường tổ chức công phu, chất lượng cho học sinh tham gia. Từ những chuyên đề này, học sinh đều có bài học cho riêng mình, để khi gặp những sự việc cần giải quyết, các em có cách ứng xử, xử lý phù hợp.

Giáo dục đạo đức, xử lý kỷ luật học sinh nhằm giúp các em rèn luyện bản thân trở thành người tốt là công việc đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, bền bỉ và có lòng bao dung, vị tha. Đó không phải là công việc một ngày, một bữa mà “mưa dầm – thấm đất”, từ từ học sinh sẽ có chuyển biến và thay đổi bởi chính tình yêu thương của thầy cô dành cho các em.  - Thầy Phạm Lê Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ