Kỷ cương là mấu chốt để thực hiện giáo dục tốt

GD&TĐ - Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - đã nhấn mạnh điều này - khi trao đổi về 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tâm mà ngành Giáo dục tiếp tục đặt ra trong năm học 2017 - 2018.

Kỷ cương là mấu chốt để thực hiện giáo dục tốt

Nhận định năm học 2016 – 2017, ngành Giáo dục đã triển khai 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tâm và đã đạt được những kết quả khả quan, ông Nguyễn Văn Phê cho rằng, năm học 2017 - 2018 ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Những nhiệm vụ và giải pháp này đã bao quát được những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, nội dung và giải pháp của năm 2017 – 2018 được Bộ trưởng định hướng khá cụ thể, có trọng tâm trong từng nhiệm vụ, giải pháp, có phân công trách nhiệm rõ ràng nội dung nào thuộc trách nhiệm của Bộ, nội dung nào thuộc trách nhiệm của các địa phương.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Vì đây là nhân tố sẽ quyết định hàng đầu đến chất lượng giáo dục. Có thầy giỏi sẽ có trò giỏi. Vì thế, ngành giáo dục cần ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ.

Bên cạnh đó, việc đề ra phương hướng nhiệm vụ năm học: “Tăng cường kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo” là cần thiết.

Đây không phải là nội dung mới nhưng phải được đặc biệt lưu tâm bởi nền tảng kỷ cương là mấu chốt để thực hiện các nội dung giáo dục, nơi nào giữ được nền nếp dạy học tốt nơi đó chất lượng sẽ được đảm bảo.

Kỷ cương là mấu chốt để thực hiện giáo dục tốt ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên

- Giáo dục Hưng Yên đã chuẩn bị cho năm học mới như thế nào cho đến thời điểm này?

Có thể nói, cho đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã chuẩn bị đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cho năm học mới.

Việc tổ chức bồi dưỡng thường xuyên và tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được triển khai nhằm đảo bảo yêu cầu về chất lượng đội ngũ. Cụ thể, trong tháng 7 và tháng 8/2017, Sở đã tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn cho CBQL và giáo viên, cụ thể:

Xây dựng kế hoạch tổ chức 189 lớp bồi dưỡng thường xuyên cho 12.402 cán bộ giáo viên (đến thời điểm này đã tổ chức được 30 lớp, các lớp còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 31/11/2017).

Tổ chức được 21 lớp tập huấn, trong đó: GDMN 06 lớp với 530 CBQL và 182 giáo viên cốt cán; GDTH 05 lớp với 599 lượt CBQL và 1068 lượt giáo viên; GDTrH 10 lớp với hơn 600 cán bộ giáo viên.

Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về khung kế hoạch thời gian năm học và Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu của ngành Giáo dục Hưng Yên năm học 2017 - 2018.

- Đâu là khó khăn khiến lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh lo lắng nhất khi triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018? Giải pháp cho vấn đề này?

Năm học 2017 - 2018, một số khó khăn của giáo dục Hưng Yên là số trẻ mẫu giáo ra lớp tăng nhanh nên một số trường mầm non có số trẻ/ lớp đông hơn so với qui định. Giáo viên mầm non còn thiếu.

Bên cạnh đó, tiến độ triển khai kế hoạch dạy và học ngoại ngữ còn chậm. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn hạn chế.

Để khắc phục khó khăn này, ngành Giáo dục sẽ tham mưu với UBND tỉnh tuyển thêm giáo viên mầm non. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng day – học ngoại ngữ. Tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, ưu tiên bố trí kinh phí cho việc nâng cao chất lượng dạy – học ngoại ngữ…

- Năm học 2017 - 2018 là năm tiền đề thực hiện chương trình - SGK giáo dục phổ thông mới. Giáo dục Hưng Yên đã có những chuẩn bị như thế nào cho việc này?

Trước chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục, đặc biệt là việc chuẩn bị thực hiện chương trình - SGK giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục Hưng Yên đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết như:

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; tăng cường việc tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình - SGK giáo dục phổ thông mới. Tăng cường công tác xã hội hóa nhằm tập trung mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục.

Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời làm tiền đề đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông mới.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ