Khuyến nghị về chính sách giáo viên dạy nghề

GD&TĐ - Chính sách đối với nhà giáo giảng dạy nghề nghiệp (GDNN) không chỉ giữ vai trò định hướng mà còn tạo khuôn khổ pháp lý, tạo động lực và điều chỉnh hành vi, hoạt động giảng dạy của nhà giáo GDNN. Do đó, chính sách cần phải cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi, phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tế.

Khuyến nghị về chính sách giáo viên dạy nghề

Nhiều vấn đề cần được hoàn thiện

Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), trong phạm vi các chính sách đào tạo bồi dưỡng nhà giáo GDNN, chính sách đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng hiện mới chỉ định ra phương thức thực hiện mà chưa xây dựng định mức cho phép trong quá trình thực hiện.

Chính sách cũng chưa tính đến điều kiện thực tế trong việc tổ chức triển khai việc huy động nguồn lực đầu tư. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có Quỹ hỗ trợ kĩ năng nghề cho giáo viên do Nhà nước quản lý. Tính quy hoạch trong đầu tư chưa rõ ràng do quy hoạch hệ thống cơ sở dạy nghề chưa bám sát thực tế.

Hiện hầu hết các chính sách đào tạo, bồi dưỡng đều dựa trên các tiêu chuẩn đối với giáo viên giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề theo từng trình độ đào tạo với 2 mô hình là mô hình nối tiếp: Ưu tiên đào tạo chuyên môn và kĩ năng nghề, sau đó mới bổ sung nghiệp vụ sư phạm và mô hình song song: Kết hợp đào tạo kiến thức chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp với nghiệp vụ sư phạm trong quá trình đào tạo nguồn lực giáo viên nghề. Hai mô hình đào tạo giáo viên nghề đã nêu trên đều có những điểm tích cực nhưng cũng bộc lộ một số nhược điểm. Theo chuẩn giáo viên nghề được quy định tại Thông tư 30/2010/TT- BLĐTBXH thì cả hai cách đào tạo trên đều khó đáp ứng.

Nói cách khác, các chính sách ban hành chưa thể hiện sự đa dạng hóa trong đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo GDNN, chưa gắn kết, huy động sự tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của các doanh nghiệp, các tổ chức đối với giáo viên dạy nghề. Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng giáo viên còn thiếu cơ chế thu hút doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN thực hành; Chưa có quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp trong việc tham gia nâng cao trình độ kĩ năng cho nhà giáo GDNN...

Đảm bảo chuẩn hóa và nguồn lực tài chính

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề Việt Nam, tính đến năm 2012, tổng số giáo viên dạy nghề là hơn 57.000 người, trong đó giáo viên cơ hữu trong hệ thống chiếm 68,8%. Trong số đó, nhà giáo GDNN có trình độ thạc sỹ trở lên tại các cơ sở dạy nghề là 3.946 người, số có trình độ đại học khoảng 19.000 người. Nguồn nhân lực này chủ yếu có trình độ về lý thuyết, kĩ năng thực hành còn hạn chế.

Từ những bất cập của hệ thống chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về chất lượng thực tế của đội ngũ so với mục tiêu phát triển lĩnh vực dạy nghề từ nay đến năm 2020.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN, các chuyên gia khuyến nghị đồng bộ các giải pháp, trong đó vấn đề trước hết cần quan tâm là đảm bảo nguồn tài chính cần thiết cho hoạt động này, cần xem đó là một ưu tiên trong phát triển nhà giáo GDNN; chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo GDNN cần được hoạch định và thực thi phù hợp, tạo ra động lực cho quá trình nâng cao chất lượng của nhà giáo GDNN; Nhà nước bảo đảm việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo GDNN theo hướng chuẩn hóa, đủ về số lượng; có cơ cấu hợp lý theo nghề và trình độ đào tạo; Huy động các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Các chính sách cho nhà giáo GDNN ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều điều cần phải tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề cả về số lượng và chất lượng như mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ