Không thể sử dụng bài văn mẫu với đề minh họa Ngữ Văn

GD&TĐ - Theo thầy Nguyễn Đình Hòa – Giáo viên Ngữ văn, trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), đề minh họa môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố làm tốt chức năng vừa xét tốt nghiệp vừa có tính phân hóa cao để xét tuyển ĐH, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức, có tư duy tổng hợp, đánh giá mới có thể đáp ứng được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thầy Nguyễn Đình Hòa nhận xét, so với đề thi môn Ngữ văn năm 2017 thì đề minh họa 2018 hay hơn, có lượng kiến thức nhiều hơn, ngoài kiến thức của lớp 12 còn có cả kiến thức ở lớp 11.

Xét về mức độ khó thì đề minh họa môn Ngữ văn có tính phân hóa cao, đáp ứng được yêu cầu 2 trong 1. Ở phần đọc – hiểu nội dung văn bản, phần nghị luận xã hội và một phần của nghị luận văn học thì học sinh có mức học từ trung bình, trung bình – khá có thể đạt từ 3,5 đến 5 điểm, mức điểm đủ để xét tốt nghiệp.

Phần nghị luận văn học có tính phân hóa cao khi yêu cầu HS phải biết phân tích, đối chiếu 2 tác phẩm của cùng một tác giả mà các em được học ở hai khối lớp khác nhau. Muốn đạt điểm cao ở câu hỏi này, đòi hỏi HS không chỉ biết phân tích, cảm thụ tác phẩm mà còn phải có tư duy tổng hợp, đánh giá… Vì vậy, đây là câu hỏi có tính phân loại để chọn HS vào ĐH.

Đề minh họa Ngữ văn năm nay tương đối dài, nếu HS nắm vững kiến thức, có kỹ năng làm bài tốt, không lệ thuộc vào văn mẫu thì mới kịp thời gian.

Những bài văn mẫu càng hay thì với thời gian 120 phút thì sẽ bị “bể” ngay. Chính vì vậy, đề minh họa môn Ngữ văn buộc cả giáo viên và HS sẽ phải thay đổi phương pháp dạy – học: giáo viên, nhất là ở các trung tâm luyện thi, không thể cung cấp những bài văn mẫu hay để HS học tủ, học thuộc nữa mà cần hướng dẫn HS có kỹ năng diễn đạt, làm chủ được kiến thức.

Với định dạng đề như đề minh họa thì để ôn cả kiến thức lớp 11 và 12 trong một thời gian ngắn là không thể hoàn thành hết chương trình. Chính vì vậy, giáo viên cần hướng dẫn cho HS để học tới đâu thì ôn thi tới đó, rèn kỹ năng diễn đạt cho HS như viết đoạn theo cấu trúc.

Ngoài ra, trong giảng dạy cần chú trọng hướng dẫn cho HS so sánh rút ra những điểm giống và khác nhau của cùng một tác giả hoặc hai tác phẩm của hai tác giả khác nhau có cùng một chủ đề.

Khác với các môn khoa học tự nhiên, lượng kiến thức có tính kế thừa giữa các lớp nhưng với môn Ngữ văn, kiến thức gần như là độc lập nên nếu như có sự giới hạn như phần nghị luận văn học nằm trọn trong chương trình 12 thì quá trình ôn tập sẽ đỡ nặng hơn.

Ngoài ra, chúng tôi rất mong muốn xã hội chấp nhận điểm 10 môn Ngữ văn mà không đòi hỏi có sự hoàn hảo tuyệt đối vì đây là bài làm của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ