Không ghi hình thức đào tạo, xếp loại trên văn bằng ĐH: Không ảnh hưởng đến năng lực người được cấp bằng

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư về quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo đề xuất không ghi hình thức đào tạo và xếp loại học lực trên văn bằng đại học là phù hợp với thông lệ quốc tế. Xung quanh vấn đề này, TS Cao Xuân Liễu – Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Quản lý Giáo dục) đã trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

* Mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo quy định nội dung ghi trên văn bằng đại học. Quan điểm của TS về vấn đề này như thế nào?

- Việc xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý văn bằng nói chung và văn bằng tốt nghiệp đại học để cụ thể hóa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi Luật chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019. Theo quy định, người đủ điều kiện tốt nghiệp đại học sẽ được cấp văn bằng và phụ lục văn bằng. Tôi đồng ý với các quy định của dự thảo Thông tư mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra vì các lý do sau đây:

Một là, văn bằng tốt nghiệp đại học sẽ đi cùng người sở hữu văn bằng đó đến hết cả cuộc đời. Điều này đồng nghĩa với việc hạng bằng và hình thức đào tạo cũng sẽ theo cùng họ nếu các thông tin đó được ghi trên văn bằng. Trong khi đó thực tiễn cho thấy, năng lực nghề nghiệp của chủ nhân tấm bằng đó không phải là bất biến mà nó được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn hoặc ngược lại.

Hai là, chúng ta bỏ các thông tin về loại hình đào tạo, xếp hạng học lực cũng không ảnh hưởng gì đến việc tăng hay giảm năng lực của người vừa được cấp bằng. Về mặt nhận thức và cấu trúc thông tin, văn bản càng đơn giản, thông tin càng rõ thì mức độ xử lý thông tin của người tiếp nhận (người đọc) càng nhanh. Và như vậy, về công tác quản lý và tiếp nhận thông tin càng đơn giản và dễ dàng hơn.

Thứ ba, xét về yếu tố tâm lý người được cấp bằng, nếu hạng bằng của người được cấp ở mức thấp, có thể sẽ xuất hiện mặc cảm tự ti, nhiều khi lại ảnh hưởng đến năng lực làm việc hiện tại, trong tương lai và gần nhất là sự tự tin khi ứng tuyển. Trong rất nhiều trường hợp, người tốt nghiệp đại học ở hạng thấp không hẳn là những người yếu kém về chuyên môn hay năng lực.

Thứ tư, chúng ta đang quen với hiện tại là có các thông tin ghi loại hình đào tạo, xếp hạng trên văn bằng nên khi có sự thay đổi như vậy thường tạo ra những ý kiến trái chiều; trong chừng mực nào đó chúng ta chưa kịp thích ứng với sự thay đổi.

“Văn bằng và phụ lục văn bằng là những minh chứng cho việc cá nhân đó có hội tụ đủ những điều kiện tốt nghiệp ở trình độ đại học. Vậy nên, điều quan trọng nhất là các thông tin ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng phải chính xác và đầy đủ các thông tin cần thiết không chỉ cho quản lý Nhà nước mà cho cả nhà tuyển dụng”. TS Cao Xuân Liễu

Thứ năm, ở góc độ quản lý Nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã quy định không phân biệt loại hình đào tạo ở các bằng được cấp cùng trình độ (không phân biệt chính quy hay không chính quy), việc ghi các thông tin này trên văn bằng là không cần thiết.

Ngoài ra, thực tiễn xã hội đang chứng minh rằng, ngoài một số cơ quan Nhà nước đang quy định hạng văn bằng trong tuyển dụng còn hầu hết các doanh nghiệp bên ngoài không mấy quan tâm với việc ứng viên tốt nghiệp hạng nào, loại hình đào tạo chính quy hay không chính quy nữa. Họ chỉ quan tâm tới năng lực làm việc thực sự của ứng viên.

TS Cao Xuân Liễu tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp
 TS Cao Xuân Liễu tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp

* Theo TS, nếu thực hiện quy định như dự thảo Thông tư đề xuất sẽ có tác động như thế nào đến nhà trường và sinh viên?

- Như trên đã phân tích, không chỉ sinh viên mà cả nhà trường lúc đầu sẽ chưa quen với việc không ghi các thông tin đó trên văn bằng tốt nghiệp. Luật đã quy định các trường đại học tự in phôi bằng tốt nghiệp của trường mình. Vậy thì câu chuyện lúc này là thương hiệu bằng của trường nào cấp chứ không phải là loại hình đào tạo hay xếp hạng học lực được ghi trên văn bằng nữa. Có nghĩa là, với các trường đại học, ghi hay không ghi loại hình đào tạo, hạng bằng không ảnh hưởng lớn đến quá trình tổ chức đào tạo của nhà trường. Về mặt hệ thống thông tin, trường đại học vẫn quản lý được những cá nhân nào đạt hạng học lực hay được đào tạo ở loại hình nào mà không cần phải ghi trên văn bằng (thậm chí không ghi cả trên phụ lục văn bằng).

Tôi cho rằng, nếu làm cuộc khảo sát sẽ không nhiều sinh viên đồng ý ghi học lực và loại hình đào tạo trên văn bằng. Nếu có chỉ là những sinh viên có khả năng được xếp hạng giỏi, mà tỉ lệ nhóm sinh viên này chiếm rất ít trong tổng số sinh viên được cấp bằng. Vì như trên tôi đã phân tích, bằng đại học sẽ đồng hành cùng họ đến suốt cả cuộc đời.

Nhóm xã hội có ảnh hưởng có thể là một số doanh nghiệp sử dụng lao động muốn sơ loại hồ sơ khi tuyển dụng ngay từ bước đầu thì có thể họ sẽ quan tâm đến việc ghi các thông tin về loại hình đào tạo và học lực trên văn bằng. Nhưng tôi cho rằng, rồi họ sẽ quen và nếu cần, các thông tin đó vẫn đã có ở phụ lục văn bằng.

* Như vậy, những đề xuất trong dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT là phù hợp với thông lệ quốc tế?

- Trên thế giới hiện nay, vẫn còn một số ít các trường đại học của một số quốc gia (thậm chí cả các quốc gia phát triển) vẫn duy trì việc ghi các thông tin về loại hình đào tạo và hạng học lực trên văn bằng và phụ lục văn bằng. Còn hầu hết các trường đều chỉ ghi thông tin về ngành học, tên người được cấp bằng, tên trường đại học cấp…

Vì thế, tôi cho rằng, việc không ghi loại hình đào tạo, hạng học lực trên văn bằng là phù hợp với thông lệ và xu thế chung của thế giới về việc công nhận, quản lý văn bằng tốt nghiệp đại học. Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế về giáo dục đại học, việc quy định như dự thảo Thông tư là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

* Xin cảm ơn TS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ