Không ghi hình thức đào tạo, xếp loại trên văn bằng đại học: Không khác so với thế giới

GD&TĐ - Theo TS Phạm Thị Tuyết Nhung - Giảng viên Đại học Huế, dự thảo quy định không ghi hình thức đào tạo và xếp loại trên văn bằng đại học không khác so với các nước trên thế giới. 

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Từng có thời gian làm nghiên cứu sinh về lĩnh vực kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng ở Mỹ và trở thành TS Giáo dục Trường ĐH Texas Tech (Mỹ), TS Phạm Thị Tuyết Nhung cho biết: Ở Mỹ, bằng đại học không ghi nội dung chính quy hay tại chức và cũng không xếp loại học lực trong văn bằng. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục Mỹ có hai chính sách là quy định về số lượng tín chỉ cho sinh viên toàn thời gian và bán thời gian, đồng thời tích hợp vào các tiêu chí của kiểm định chất lượng.

Đối với chính sách tín chỉ, Bộ Giáo dục Mỹ quy định rõ sinh viên toàn thời gian (full time) ở bậc đại học được đăng ký tối đa 15 tín chỉ mỗi học kỳ, trong khi sinh viên bán thời gian (part-time) thông thường là vừa học vừa làm học không quá 9 tín chỉ. Quy định này nhằm đảm bảo sinh viên hệ vừa học vừa làm có thời gian học tập chất lượng hơn và thông thường thời gian tốt nghiệp lâu hơn sinh viên toàn thời gian.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung trong ngày nhận bằng TS của Trường ĐH Texas Tech (Hoa Kỳ). Ảnh: Nhân vật cung cấp
TS Phạm Thị Tuyết Nhung trong ngày nhận bằng TS của Trường ĐH Texas Tech (Hoa Kỳ).      Ảnh: Nhân vật cung cấp 

TS Phạm Thị Tuyết Nhung chia sẻ: Đối với vấn đề kiểm định chất lượng, họ có tiêu chí ghi rõ các trường đại học phải có chuẩn đầu ra cho sinh viên giống nhau dù đào tạo ở loại hình gì (chính quy - tại chức hoặc học tập trung hay học trên mạng). Các trường phải cung cấp các minh chứng như: Giáo trình học, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá hoàn toàn như nhau. Các yêu cầu từ kiểm định chất lượng buộc các trường phải xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong một cách có hệ thống để cải tiến chất lượng và cung cấp thông tin minh bạch về chất lượng cho các bên liên quan.

Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng không chú trọng đến bằng đại học chính quy hay tại chức và bằng đó được xếp loại khá hay giỏi… Tức là họ không nặng nề về bằng cấp. Điều mà họ quan tâm là năng lực làm việc và khả năng thích ứng với các vị trí công việc cần tuyển dụng.

“Tôi cho rằng, hiện nay Việt Nam mới quy định không ghi hình thức đào tạo và xếp loại trên bằng đại học không có gì mới so với các nước trên thế giới. Nhất là hiện nay, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học có hiệu lực; vấn đề hội nhập quốc tế càng cần được lưu tâm” - TS Phạm Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Thị Tuyết Nhung, việc cần làm lúc này là có quy định về số lượng tín chỉ có thể học tối đa cho sinh viên toàn thời gian và bán thời gian. Trong tiêu chí kiểm định chất lượng, cần đưa các yêu cầu cụ thể về chất lượng các loại hình đào tạo để các trường có thể xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng. Các nhà tuyển dụng cũng cần cải tiến quy trình tuyển dụng để tìm được ứng viên đúng với vị trí.

“Bên cạnh đó, các trường đại học của Việt Nam cần đẩy mạnh kiểm định chất lượng; trong đó đặc biệt chú trọng đến kiểm định các chương trình đào tạo. Các trường cần chú ý kiểm định chất lượng bên trong và kiểm định bên ngoài. Đây là việc chắc chắn phải làm, trong đó kiểm định bên trong cần được đặc biệt lưu tâm” - TS Phạm Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.