Không để “rơi” sĩ số sau Tết

GD&TĐ - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - nhiều trường học vùng cao, biên giới Nghệ An đối diện với nguy cơ “rơi rụng” học sinh. Để giữ chân trò, thầy cô nơi đây có nhiều hoạt động quan tâm sát sao, ý nghĩa.

Học sinh chơi ném còn – trò chơi truyền thống của dân tộc Thái.
Học sinh chơi ném còn – trò chơi truyền thống của dân tộc Thái.

Tết đầm ấm của thầy trò vùng cao

Đã thành truyền thống, năm nào Trường PTDTBT THCS Nậm Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng tổ chức hoạt động vui đón Tết cổ truyền cho học sinh. Tại đây, các em được tự tay gói bánh chưng, bánh tét, bánh sừng bò... và nổi lửa thi nấu bánh giữa các lớp, chơi trò chơi dân gian. Đặc biệt, cả thầy trò và phụ huynh cùng ăn bữa cơm tất niên đầm ấm trước khi chính thức nghỉ Tết.

Thầy Võ Đình Hào – Phó Hiệu trưởng, phụ trách quản lý nền nếp, Trường PTDTBT THCS Nậm Típ cho biết: Trong năm học, để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh, ngoài chế độ trợ cấp của Chính phủ, nhà trường tổ chức trồng thêm rau xanh, chăn nuôi gia súc, cá, ếch... Không chỉ ăn uống ở trường, về nghỉ Tết, các em còn được mang theo bánh, thịt lợn về làm quà cho gia đình. Những hoạt động này vừa rèn luyện kỹ năng sống, vừa để các em có động lực, trách nhiệm và gắn kết với trường học. “Ban giám hiệu nhà trường cũng để dành con lợn béo tổ chức bữa cơm gặp mặt đầu năm mới. Đó là một cái hẹn cho các em chờ đợi và nhớ ngày quay trở lại trường sau Tết”, thầy Hào nói.

Tương tự, Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) cũng tổ chức chương trình Ngày Tết quê em đầy ý nghĩa với sự góp mặt của học sinh, phụ huynh và chính quyền địa phương. Thầy cô tổ chức cho học sinh trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc, chơi ném còn, đi cà kheo... “Ngày Tết quê em” không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn chấn, mà còn thể hiện, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của học sinh trong trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng kêu gọi quyên góp, ủng hộ quỹ tặng quà Tết cho học sinh khó khăn.

Những năm gần đây, trước khi nghỉ Tết, thầy cô Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền lại chia nhau về thăm từng bản, nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Có những gia đình, thầy cô phải dựng xe ở dưới đường, ôm quà leo bộ lên đồi, qua suối mới đến nơi. Trong gian nhà dựng bằng lán tạm, nhiều em ở nhà một mình, bố mẹ còn ở trên rẫy hoặc đi bán lá dong, rau quả… ở chợ.

Cô Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền chia sẻ: Từ đầu năm học, nhà trường đã thống kê, nắm bắt hết hoàn cảnh của từng học sinh. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, éo le như mẹ mất sớm, bố sa vào tệ nạn xã hội. Thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm, nếu không có sự động viên, theo dõi sát sao thầy cô giáo, các em dễ bỏ học. Những năm trước, một số em khi nghỉ Tết đã nghe theo lời rủ của các anh chị bỏ học đi làm ở các thành phố, khu công nghiệp.

“Việc đến tận bản tặng quà vừa để động viên, chúc Tết gia đình các em là tình cảm, sự quan tâm, chăm lo của nhà trường. Đây còn là cách để nhà trường  giữ học sinh, với quyết tâm “không để mất em nào trong dịp Tết”. Nhờ sự sát sao đó, những năm gần đây, trường không có học sinh nào bỏ học giữa chừng. Kể cả dịp Tết năm 2020, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh nghỉ học nối tiếp hơn 2 tháng nhưng trường vẫn duy trì sĩ số đầy đủ”, cô Nguyễn Thị Nhung vui mừng nói.

Biểu diễn trang phục dân tộc Mông tại chương trình “Ngày Tết quê em” Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền.
Biểu diễn trang phục dân tộc Mông tại chương trình “Ngày Tết quê em” Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền.

Phát huy mối quan hệ nhà trường – thôn bản

Trường PTDTBT THCS Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) năm học này có hơn 700 học sinh với gần 50% em ở bán trú. Học sinh đông, nhiều thành phần dân tộc với đặc trưng văn hóa, ngôn ngữ riêng, địa bàn sinh sống cách xa nhau, đó là khó khăn lớn với ngôi trường vùng biên giới này.

Thầy Hoàng Ngọc Thanh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tri Lễ cho hay: Với đặc thù học sinh ở nhiều bản xa xôi, biên giới, không có sóng điện thoại liên lạc, nên khoảng thời gian nghỉ Tết, việc liên lạc giữa nhà trường và học sinh rất hạn chế. Trong khi đó, tập tục văn hóa của bà con người Thái, Mông... dịp Tết là thời điểm để đi thăm thân cách bản, cách huyện, thậm chí sang nước bạn Lào. Đây cũng là mùa lễ hội, thời điểm thanh niên trai gái, nhất là lứa tuổi 13, 15 đi chơi. Không ít trường hợp thích nhau, bắt vợ, làm đám cưới. Vì vậy, trước, trong và sau Tết, trường đặc biệt chú ý phổ biến pháp luật, thông qua thôn bản tuyên truyền đến học sinh không vi phạm pháp luật, đốt pháo, tránh nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Trước Tết Tân Sửu, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số tỉnh thành, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, căn dặn học sinh chú ý không đi thăm thân ở các bản xa hoặc sang Lào. Đồng thời công tác vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, khu nhà ở bán trú cũng được thực hiện nghiêm túc.

Cũng đóng ở xã biên giới, Trường Tiểu học Thông Thụ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) có điểm trường đóng tại bản Mường Piệt - có cửa khẩu sang nước Lào. Theo thầy Tăng Xuân Sơn – Hiệu trưởng nhà trường, bậc tiểu học có thuận lợi hơn đối với THCS trong quản lý học sinh, đó là có nhiều điểm trường lẻ tại các bản. Nhưng độ tuổi này, các em phụ thuộc và thường theo cha mẹ đi chơi xuân, hoặc ở trên rẫy. Tình trạng học sinh bỏ học những năm qua không có nhưng muộn học trong tuần đầu sau Tết thường diễn ra. Vì thế, giáo viên nhà trường cũng phải nghỉ muộn hơn, trả phép sớm hơn. Khi thầy cô quay lại trường,  học sinh cũng biết và nhớ lịch học. Đồng thời, GV nắm bắt từng trường hợp đang muộn học để tìm hiểu nguyên nhân, đưa các em trở lại trường.

Đóng tại địa bàn phức tạp, nên công tác phòng dịch bệnh, tuyên truyền quản lý học sinh được trường thực hiện chặt chẽ. Ban giám hiệu phân công GV đến tận bản để thăm hỏi, dặn dò cả học sinh lẫn phụ huynh tốt nhất không đi khỏi địa phương vào dịp Tết. Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, đồn biên phòng và trưởng các thôn bản để theo dõi tình hình bà con, phụ huynh, học sinh. - Thầy Tăng Xuân Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ