Không áp lực tuyển sinh đầu cấp

Không áp lực tuyển sinh đầu cấp

- Ông có thể chia sẻ cụ thể số lượng học sinh đầu cấp năm nay của Hải Phòng? Số lượng này có tăng nhiều so với năm trước?

Số lượng học sinh các lớp đầu cấp năm học 2018 – 2019 trên địa bàn Hải Phòng như sau: Lớp 1 có 44.235 học sinh, tăng 5832 học sinh so với năm học 2017 -2018;

Lớp 6 có 31.904 học sinh, so với năm học 2017 – 2018 tăng 3.603 học sinh. Lớp 10: 22.600 học sinh, tăng khoảng 3.600 học sinh so với năm học trước (sau phân luồng).

- Số học sinh tăng khiến kỳ công tác tuyển sinh đầu cấp sẽ căng thẳng hơn. Hải Phòng đã chuẩn bị như thế nào cho việc này?

Ngoài nguồn ngân sách của thành phố phân cấp cho quận/huyện để đầu tư xây mới và mua sắm trang thiết bị, ngành GD&ĐT Hải Phòng cũng tập trung đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục nhà lớp học và các công trình phụ trợ 17 tỉ đồng. Mua sắm trang thiết bị dạy học khoảng 10 tỉ đồng.

Về đội ngũ, Sở GD&ĐT đã tập huấn công tác đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp của Bộ GD&ĐT cho 534 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, 472 CBQL và giáo viên tiểu học, 420 CBQL và giáo viên THCS, 114 CBQL và giáo viên THPT.

Sở GD&ĐT đồng thời bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho 100 giáo viên tiếng Anh; bồi dưỡng chính trị cho 84 giáo viên dạy Giáo dục công dân; tập huấn phương pháp dạy học các môn học và phương pháp hướng dẫn học sinh tự học cho 2643 giáo viên ở tất cả các môn; tập huấn chương trình tiếng Anh mới cho 316 giáo viên;

Bồi dưỡng chuyên đề Áp dụng những thành tố tích cực của Mô hình VNEN trong dạy học và nâng cao kỹ năng đánh giá học sinh theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT cho 1414 CBQL, giáo viên.

Trước mỗi nội dung đổi mới trong công tác quản lý, điều hành, Sở GD&ĐT luôn cầu thị xin ý kiến và lắng nghe góp ý của các nhà quản lý, nhà giáo lão thành, cựu giáo chức, cán bộ quản lý đương nhiệm, cán bộ, giáo viên, học sinh.

Mọi chủ trương, chính sách đều được công khai hóa bằng nhiều hình thức, vừa là cung cấp thông tin đến người dân, vừa là để nhận lại những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng. Nhờ đó luôn tạo được tâm lý vàng và sự đồng thuận trong học sinh và phụ huynh học sinh.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng
Ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng 

- Kỳ thi vào lớp 10, số lượng học sinh sinh năm 2003 tăng, trong khi cơ cấu tuyển học sinh vào trường công lập không tăng tương ứng, như vậy sẽ có số lượng lớn học sinh sẽ phải sang học trường NCL, dạy nghề. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để áp dụng triển khai các giải pháp trong Đề án phân luồng cho học sinh sau THCS mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành. Với giáo dục Hải Phòng thì sao, ông có thể chia sẻ?

Hải Phòng với dân số gần 2 triệu người nên năm 2018 số lượng học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10 THPT có tăng song số lượng không lớn. Giai đoạn trước đây có những năm số lượng học sinh lớp 9 là 34.000 em; năm học 2017 – 2018 số lượng học sinh lớp 9 là 25.000 em. Vì vậy, cơ sở vật chất ở các trường THPT công lập vẫn đủ đáp ứng để đón các em vào học.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2018 – 2019, Hải phòng có tỷ lệ phân luồng là 12%. Số học sinh còn lại là 75% học công lập, 25% học ngoài công lập. Số các trường nghề cà các trung tâm GDNN&GDTX của Hải Phòng đủ điều kiện để học sinh vào học sau phân ban.

- Sức ép tuyển sinh năm nay không chỉ đối với các nhà trường mà đối với học sinh, phụ huynh có con chuyển cấp cũng rất lớn. Tâm lý cha mẹ đa số vẫn muốn con em vào được trường công lập, nên thường ép con học thêm nhiều hơn để hy vọng vượt qua đợt kiểm tra/kỳ thi của các trường công. Điều này tạo mảnh đất màu mỡ cho dạy học thêm... Sở GD&ĐT Hải Phòng đã có cách xử lý như thế nào cho vấn đề này?

Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn thành phố thực hiện việc dạy thêm học thêm đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT và UBND thành phố không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

Học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ