Khơi thông điểm nghẽn từ Luật GDĐH hiện hành

GD&TĐ - Luật Giáo dục đại học là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về giáo dục đại học, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển giáo dục đại học Việt Nam, tạo ra những chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và giáo dục đại học nói riêng. 

Cần khơi thông điểm nghẽn từ Luật Giáo dục đại học hiện hành.
Cần khơi thông điểm nghẽn từ Luật Giáo dục đại học hiện hành.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã xuất hiện những bất cập và trở thành "điểm nghẽn"; do đó cần được sửa đổi và bổ sung một số điều để phù hợp với thực tiễn khách quan.

Rào cản từ Luật GDĐH hiện hành

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một trong những bất cập của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) hiện hành đó là cơ chế quản trị đại học, vai trò của Bộ chủ quản và của Hội đồng trường, quyền và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học chưa được làm rõ.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn phân tích, tự chủ đại học phải là một nội dung quan trọng và phải được thể hiện rõ, nhất quán và xuyên suốt trong các luật (không phải chỉ riêng Luật Giáo dục và Luật GDĐH nhưng ngay cả Luật GDĐH 2012 cũng còn thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng về các cấp độ tự chủ, quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH trong từng hoạt động của nhà trường theo từng cấp độ. Mặc khác, phân định vai trò và trách nhiệm của Bộ chủ quản, của Hội đồng trường và các thiết chế Nhà nước khác đối với mỗi cấp độ tự chủ; đặc biệt quyền lực gắn với trách nhiệm của Hội đồng trường chưa được thể hiện rõ khi Hiệu trưởng vẫn chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của nhà trường.

Ngoài ra, quy định về các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế có nhiều chi tiết quá cụ thể (Điều 34 - Điều 45) cản trở việc thực hiện tự chủ của các trường. Tuy nhiên lại không đưa ra những chuẩn mực quốc gia (ít nhất phải đề ra trong luật và giao Thủ tướng quy định).

Cũng theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, cơ chế tài chính cho GDĐH chưa được quy định rõ trong luật, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các cơ sở GDĐH, đặc biệt khi được giao cơ chế tự chủ. PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, Luật không đưa ra cơ chế, những nguyên tắc căn bản trong cấp phát, phân bổ ngân sách Nhà nước. Thực tế là, trong khi ngân sách Nhà nước dành cho GDĐH đã rất hạn hẹp, nhưng lại được phân bổ trải không hợp lý; kinh phí phân bổ qua nhiều “cơ quan chủ quản” khác nhau dẫn tới sự thiếu bình đẳng giữa các trường.

Đặc biệt, trong Khoản 5 Điều 12 của Luật GDĐH hiện hành có ghi: “Nhà nước đặt hàng và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với cơ sở GDĐH có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ nhưng không có điều khoản nào cụ thể hóa chính sách này.

Một thực tế hiện nay là kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho phát triển Khoa học công nghệ trong các trường đại học rất thấp, khó thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Trong bối cảnh ngày nay, sự tham gia, đóng góp tài chính của xã hội, đặc biệt người sử dụng lao động đối với giáo dục đại học là rất quan trọng nhưng cũng chưa được đề cập tới.

Sửa Luật là cần thiết

Còn theo ông Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), thực tiễn cho thấy, Luật GDĐH cũng có những bất cập. Luật GDĐH và các văn bản hướng dẫn chưa có các quy định cụ thể riêng đối với đào tạo nhân lực y tế và tiêu chuẩn, tiêu chí đối với việc mở ngành, mở trường, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên khoa sau đại học.

“Khá nhiều quy định trong luật còn chưa hợp lý hoặc quá cụ thể, gây ra những rào cản trong quá trình thực hiện tự chủ của các trường, ví dụ: Quy định về nhiệm kỳ của Hội đồng trường (theo nhiệm kỳ Hiệu trưởng), thành phần của Hội đồng trường bao gồm: Toàn bộ Ban giám hiệu, tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường như tiêu chuẩn của Hiệu trưởng”.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn

“Chẳng hạn như về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo, đối với những trường đa ngành tham gia đào tạo nhân lực y tế, việc xác định chỉ tiêu hiện nay dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng giữa năng lực chuyên môn với chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo các ngành y, dược. Một so sánh tương đối, Trường Đại học Y Hà Nội hoặc Trường Đại học Dược Hà Nội là những trường trọng điểm quốc gia có bề dày hoạt động hơn 100 năm, đội ngũ giảng viên rất mạnh, quy mô tuyển sinh ngành Y đa khoa hoặc ngành Dược chỉ khoảng 500 - 550 chỉ tiêu/năm, trong khi những trường đa ngành mới thành lập, đội ngũ giảng viên còn rất khiêm tốn nhưng quy mô tuyển sinh cũng khoảng 300 - 500/năm.

Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo” - ông Nguyễn Minh Lợi dẫn giải, đồng thời trao đổi: Theo Quyết định 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định trình độ đại học từ 3 - 5 năm. Nhưng hiện nay đào tạo các ngành bác sĩ đều là 6 năm. Từ những bất cập nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là cần thiết để phù hợp với thực tiễn khách quan.

Cũng liên quan đến Luật GDĐH hiện hành, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Bộ GD&ĐT. Theo đề xuất của Hiệp hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH sắp tới tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng: Thứ nhất, phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học phân tầng, thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bảo đảm hội nhập quốc tế. Trong các luật về giáo dục và trong các văn bản hiện hành, hệ thống này còn mờ về triết lý này, manh mún, thiếu gắn kết và hạn chế về năng lực hội nhập.

Thứ hai, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý trên tất cả các phương diện và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH. Thứ ba, phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với GDĐH, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục. Thứ tư, phải xóa bỏ cơ chế xin – cho.

Đáp ứng được cả 4 yêu cầu trên thì trong tương lai giáo dục đại học Việt Nam sẽ đạt được các tiêu chí cần có của một nền GDĐH tiên tiến là: Công bằng, chất lượng, hiệu quả, nhất quán và quốc tế hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ