Khởi sắc giáo dục miền biển

GD&TĐ - Ngày trước, nói về miền biển Thạnh Phú (Bến Tre), nhiều người thường nghĩ đến một nơi còn hẻo lánh và nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hôm nay đến với Thạnh Phú, ai cũng bất ngờ vì sự “thay da đổi thịt”, đặc biệt là bộ mặt giáo dục địa phương. Nhiều gia đình còn tính toán cho con học nghề nào, ngành nào để đón đầu xu hướng làm du lịch sinh thái, du lịch homestay…

Trường Tiểu học Thạnh Hải (điểm Cồn Bửng) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa
Trường Tiểu học Thạnh Hải (điểm Cồn Bửng) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa

Sự học ở vùng bãi ngang

Mảnh đất Thạnh Phú, năm 1946 là nơi xuất phát chuyến vượt biển đầu tiên của đoàn đại biểu Bến Tre ra miền Bắc gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng, mở đường chi viện của Trung ương cho miền Nam. Tiểu đoàn 307 nổi tiếng là đơn vị “đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy” của thời 9 năm kháng chiến chống Pháp đã làm lễ xuất quân đầu tiên trên đất Đại Điền, Thạnh Phú. Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng, nơi đầu cầu tiếp nhận vũ khí của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Anh hùng trong chiến tranh, sau cuộc chiến, người dân Thạnh Phú trở lại ruộng đồng với bao gian nan, vất vả. Đến nay, đời sống người dân địa phương đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên ở các xã ven biển vẫn còn không ít khó khăn, nhất là chuyện học hành của con em. Toàn huyện hiện có 9/18 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển (gồm xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, An Điền, Giao Thạnh, Mỹ An, Bình Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thuận).

 Ông Trịnh Xuân Tùng - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thạnh Phú

Chia sẻ về tình hình giáo dục của huyện, ông Trịnh Xuân Tùng - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạnh Phú, cho biết: “Huyện còn nhiều khó khăn, trong đó xuất phát điểm giáo dục thấp nên địa phương phải nỗ lực. Đến nay, 9 xã bãi ngang ven biển tuy đời sống người dân có khá hơn nhưng vẫn còn nhiều vất vả.

Những năm trước đây tình hình học sinh bỏ học ở huyện luôn là nỗi lo của ngành giáo dục. Nhìn thấy cảnh học trò bỏ học cùng cha mẹ lo mưu sinh hoặc bỏ xứ đi làm công nhân ở những tỉnh xa, chúng tôi rất xót xa! Trước khó khăn, thách thức này, thầy trò không lấy đó làm tự ti, buông xuôi mà cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ.

Không thể ngày một, ngày hai mà làm được, ngành GD&ĐT huyện đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Sở GD&ĐT, của hệ thống chính trị tại địa phương nên từng bước kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nhờ đó mà chất lượng giáo dục cũng nâng lên đáng kể”.

Trước thềm năm học mới 2017 - 2018, chúng tôi đã đến thăm nhiều điểm trường trên địa bàn huyện. Nhìn chung, các trường đã sẵn sàng đón học sinh, trong đó có nhiều trường được đầu tư sửa chữa và xây mới đảm bảo đủ điều kiện cho việc dạy, học.

Khi chúng tôi đến thăm điểm Trường TH Thạnh Hải, ông Trịnh Xuân Tùng không giấu được niềm vui: “Bên cạnh nguồn lực của địa phương thì công tác xã hội hóa giáo dục đã giúp ích cho huyện rất nhiều. Không có kinh phí để xây trường thì thầy trò phải tự thân đi vận động xã hội hóa. Nếu ngồi ở nhà chờ người ta đem cho thì biết khi nào. Cũng nhờ chủ trương xã hội hóa mà Ngân hàng Công thương chi nhánh TPHCM đã xây tặng 10 phòng học ở Trường TH Thạnh Hải. Có ngôi trường mới, thầy trò ở đây mừng rơi nước mắt vì không còn lo cảnh trường xuống cấp, mưa tạt, nắng chiếu như trước”.

Có trường mới, đường sá đi lại thuận tiện, được chính quyền, ngành giáo dục địa phương quan tâm, chăm lo, người dân Thạnh Phú ý thức hơn việc học của con em. Thay vì trước đây, con em phải cùng cha mẹ lam lũ mưu sinh sau những giờ học thì hiện nay nhiều gia đình cho con ở nhà để tập trung cho học tập và định hướng nghề nghiệp phát triển quê hương. Vì theo người dân, chỉ có con đường học mới mở mang tri thức, mới thoát nghèo và có thể giúp ích quê hương thêm giàu đẹp.

Vừa đi cào nghêu thuê ở bãi bồi về, gặp chúng tôi, chị Võ Thị Kim Cương ở xã Mỹ Hưng, phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, làm nghề cào nghêu thuê không có dư chỉ đủ để lo cho cuộc sống hằng ngày. Tuy khó khăn nhưng chuyện học của đứa con trai đang học lớp 4 là ưu tiên hàng đầu. Giờ đây đường đi học không còn trắc trở, trường lớp được xây dựng kiên cố, thầy cô giáo luôn động viên, giúp đỡ nên phải cố gắng cho con đi học…”.

HS huyện Thạnh Phú được tặng quà và học bổng trước thềm năm học mới

HS huyện Thạnh Phú được tặng quà và học bổng trước thềm năm học mới

Nỗ lực từng ngày

Thuộc huyện nghèo, nguồn kinh phí có hạn nên ngành GD&ĐT huyện Thạnh Phú phải nỗ lực từng ngày để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Song song với nguồn lực đầu tư của Nhà nước thì nguồn xã hội hóa giáo dục được duy trì và phát triển tốt. Phòng GD&ĐT đã đề xuất nhiều chương trình, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho học sinh diện chính sách, con gia đình nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Kết quả từ đầu năm học 2016 - 2017 đến nay vận động hỗ trợ trên 13 tỉ đồng. Trong đó hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường lớp với số tiền 8,8 tỉ đồng. Trao tặng học bổng, tặng sách giáo khoa, học phẩm, học cụ khoảng 4,6 tỉ đồng…

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ nên chất lượng giáo dục của huyện được nâng lên rõ rệt, trong đó tỷ lệ học sinh bỏ học giảm rất nhiều. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và chính quyền địa phương góp phần quan trọng cho công tác vận động học sinh trở lại lớp đạt hiệu quả cao.

Trong năm học 2016 - 2017, số học sinh bỏ học được vận động trở lại trường là 101 em. Giải pháp được địa phương thực hiện là phát hiện học sinh có học lực yếu kém ngay từ đầu năm học để có kế hoạch tổ chức phụ đạo.

Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị giao ban hằng tháng giữa các trường để phát hiện sớm học sinh có nguy cơ bỏ học. Chủ động phối hợp Ban chỉ đạo các xã, thị trấn với Ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động học sinh trở lại trường. Huy động tối đa các nguồn lực, hỗ trợ kịp thời học sinh hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học, tạo điều kiện tối thiểu để các em tiếp tục tới trường…

“Tình hình học sinh bỏ học trước đây luôn là nỗi lo lớn của huyện, nhất là thời điểm tựu trường và sau khi nghỉ Tết Nguyên đán. Đến nay học sinh bỏ học giảm rất nhiều, cấp Tiểu học không có em nào bỏ học; cấp THCS có 37 em (tỷ lệ 0,45%), giảm 0,09% so với năm học trước”, ông Trịnh Xuân Tùng - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạnh Phú - cho biết.

Theo ông Trịnh Xuân Tùng, năm học vừa qua, ngành GD&ĐT huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, ngành chú trọng đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững vàng về chính trị, tư tưởng và giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục… Nhờ đó mà công tác huy động học sinh ra lớp được đảm bảo. Trong đó, nhà trẻ tăng 0,55%, mẫu giáo tăng 4,46%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 giữ vững 100%.

Thành quả phổ cập giáo dục được giữ vững, trong đó có 12/18 xã, thị trấn đạt chuẩn Phổ cập GDTH mức độ 3. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp học tăng, đặc biệt kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 và lớp 12 đều có đạt giải; 100% học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp THCS…

Bên cạnh những thuận lợi, huyện Thạnh Phú cũng đang tìm giải pháp giải quyết một số khó khăn như: Đầu tư trang thiết bị cho một số trường THCS để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia; Theo dự kiến đến năm học 2018 - 2019 sẽ triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới (dạy học cả ngày) nên một số trường tiểu học không đáp ứng đủ phòng học; Một số phòng máy vi tính trường học đang xuống cấp nên ảnh hưởng đến triển khai dạy tin học theo sách giáo khoa mới cấp tiểu học; Nhu cầu gửi con học bán trú của phụ huynh rất cao nhưng việc xã hội hóa trong phụ huynh để trang bị bếp ăn, nhà ăn và các dụng cụ khác rất lớn nên phụ huynh còn e ngại. Một số trường học, phòng học bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí triển khai. Việc triển khai Đề án ngoại ngữ cấp tiểu học đang gặp khó khăn do tình hình biên chế giáo viên (tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp không đảm bảo định mức cho giáo viên dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần)…

Theo Tài Hoa Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.