Khi nhà trường đồng hành cùng doanh nghiệp

GD&TĐ - Đào tạo làm sao để SV ra trường đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng là mục tiêu mà nhiều trường nghề ở TP Cần Thơ luôn tìm lời giải. Việc đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp tuy không mới, nhưng là lời giải tất yếu cho bài toán giải quyết việc làm cho SV sau tốt nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.

Khi nhà trường đồng hành cùng doanh nghiệp

Đẩy mạnh “đặt hàng”

Là một trong số 45 trường công lập được Bộ LĐ,TB&XH chọn đầu tư trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, thời gian qua, Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Cần Thơ đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo. Bên cạnh 24 ngành CĐ, trung cấp nghề, trường còn có 9 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN. Quy mô đào tạo khoảng 3.500 HSSV; với 131 cán bộ, giảng viên (trong đó 40 người có trình độ sau đại học).

Hằng năm, trường có từ 400 - 500 HS, SV tốt nghiệp ra trường; trong đó, trên 80% HS, SV có việc làm sau tốt nghiệp (một số ngành hàn, cắt gọt kim loại có tỷ lệ 100%). Công tác tuyển sinh hằng năm của trường đều đạt, vượt chỉ tiêu. Tính riêng 4 nghề trong dự án: Điện, Điện tử, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, 4 năm gần đây, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Năm 2014, tuyển được 613/500 SV ở 4 ngành; năm 2017 tuyển được 1.479/525 SV 4 ngành.

Theo thạc sĩ Phan Thùy Trang - Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Nghề Cần Thơ: Có được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực đầu tư nguồn lực, trường còn đẩy mạnh liên kết đào tạo với các đơn vị ngoài trường - nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo. Trường hiện liên kết với 4 đơn vị (2 doanh nghiệp, 2 trường ĐH), với hình thức “đặt hàng” đào tạo. Doanh nghiệp cần trường cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề ở ngành hàn, cắt gọt kim loại, may... Trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp, HS, SV năm cuối sẽ được trả lương và tuyển dụng vào làm việc ở vị trí phù hợp.

Thạc sĩ Phan Thùy Trang nói: “Nét mới năm nay, nhiều đơn vị đặt hàng bằng cách: Giảng viên của trường đến trực tiếp nhà máy để tập huấn cho người lao động hay dạy kỹ năng sư phạm cho nghệ nhân. Hoặc là hợp đồng với các đơn vị, tổ chức lớp học tại trường vào cuối tuần để nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng về an toàn lao động cho người lao động”.

Tương tự, nhiều năm qua, Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đã và đang đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp; nhất là đặt hàng đào tạo. Trường hiện đang liên kết với nhiều đơn vị, như: Công ty Vinamilk, Công ty Hoàng Thắng, Trung tâm phát triển Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc…

Thạc sĩ Lê Thái Dương - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, cho biết: Tỷ lệ HS, SV tốt nghiệp của trường có việc làm gần như 100%. Trong đó, một phần nhờ việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Bởi qua liên kết, giúp trường cập nhật công nghệ mới, bổ sung vào chương trình, giáo trình, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; giúp HS, SV tiếp cận, hiểu hơn môi trường làm việc của doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp chọn người lao động phù hợp với vị trí việc làm.

Linh động liên kết đào tạo

Không riêng gì Trường CĐ Nghề Cần Thơ và Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, như: CĐ Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Trung cấp Nghề Cần Thơ, Trung cấp Nghề Thới Lai… đang đẩy mạnh liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Đơn cử Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, đi đôi với đặt hàng đào tạo, trường còn phối hợp với các đơn vị tổ chức Ngày hội tuyển dụng HS, SV, giao lưu giữa HS, SV với doanh nghiệp…

Nhờ cách làm này, nhiều HS, SV chưa rời ghế nhà trường đã được nhận vào làm việc ở doanh nghiệp. Điển hình trường hợp của SV Nguyễn Thanh Tuấn, học ngành Bảo vệ thực vật khóa 2014, trước khi nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 10/2017, Tuấn đã làm việc tại Công ty Nam Hà từ tháng 5/2017, với mức lương, công việc phù hợp. Qua thống kê của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, giai đoạn 2013 - 2016, số HS, SV tốt nghiệp sau một năm có được việc làm chiếm trên 75%; riêng năm 2016 chiếm khoảng 84%.

Giải quyết tốt việc làm cho HS,SV sau tốt nghiệp là giải pháp thu hút đầu vào và còn là tiêu chí quan trọng trong kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường. Xác định vai trò quan trọng này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TP Cần Thơ đẩy mạnh hoạt động. Nhất là hiện nay, các trường đang thực hiện việc chuyển đổi chương trình, thời gian đào tạo theo quy định mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, theo cán bộ quản lý các trường, việc cung cấp nguồn lực cho đơn vị vẫn còn một số khó khăn.

Theo thạc sĩ Phan Thùy Trang, sau một năm học, tỷ lệ HS, SV theo học bị hụt 20% so với sĩ số ban đầu. Một phần là vì HS, SV chưa định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Điều này dẫn đến một số ngành (hàn, cắt gọt kim loạt) doanh nghiệp đặt hàng rất nhiều nhưng trường không đủ nguồn cung. Các ngành này, người học được miễn giảm học phí đến 70% nhưng vẫn ít HS, SV theo học. Trong khi một số ngành khác hút người học như công nghệ ô tô, điện tử công nghiệp hay kế toán có nguy cơ bão hòa.

Đồng tình quan trên, theo Thạc sĩ Lê Thái Dương, so với các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, HS, SV học ngành hàn, cắt gọt kim loại vất vả, ra trường làm việc trong môi trường độc hại nên các em ít chuộng học.

Nhưng những ngành này, nhu cầu xã hội rất cần trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và người lao động hưởng mức lương không phải thấp. “Vấn đề cốt lõi vẫn là chú trọng phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ phổ thông, giúp các em hiểu, chọn ngành phù hợp năng lực, hoàn cảnh gia đình. Nhà trường, gia đình cần chung tay định hướng, tuyên truyền cho học sinh hiểu, nắm bắt ngành nghề nào xã hội cần trong thời gian tới” thạc sĩ Lê Thái Dương nói.

Một khía cạnh khác, theo cán bộ quản lý các trường, để sự liên kết đào tạo giữa trường - doanh nghiệp thực sự bền vững, cần sự vào cuộc của cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương. Bởi, ngoài sự nỗ lực của các trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, chính quyền địa phương sớm có dự báo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực; qua đó giúp các trường định hướng ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu. Chính quyền địa phương cần có chính sách ưu đãi hơn nữa với những đơn vị doanh nghiệp tham gia đào tạo cùng với các trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ