Khẳng định năng lực, phẩm chất người thầy

GD&TĐ - Đổi mới và hội nhập giáo dục quốc tế đang đòi hỏi sự chuyển biến mạnh mẽ quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực phẩm chất người học. Để đáp ứng được yêu cầu đó, một trong những vai trò quyết định chính là năng lực của đội ngũ giáo viên.

Khẳng định năng lực, phẩm chất người thầy

Thách thức nhìn từ đội ngũ

Phân tích dưới góc độ nghiệp vụ nhà giáo cho thấy, hiện nay số đông giáo viên đã thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp của mình, luôn khát khao học hỏi, mong muốn làm giàu tri thức khoa học, tri thức đời sống cho bản thân.

Họ luôn là tấm gương sáng về học suốt đời, luôn chủ động sáng tạo khi tiếp cận mọi đối tượng học sinh. Những phương pháp giáo dục hiện đại giáo viên luôn tiếp cận, chú ý vận dụng trong thực tế. Nhiều thầy cô đã tự đúc rút cho mình những bài học kinh nghiệm, chủ động đổi mới và nâng cao năng lực trình độ bản thân…

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì cũng còn những nhược điểm như: Còn không ít giáo viên chưa thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp của mình. Thậm chí còn mắc bệnh nghề nghiệp như chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa, thiếu gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng coi thường đóng góp của đồng nghiệp, khó chịu với những thắc mắc của học sinh…

Đặc biệt, mặc dù ngành Giáo dục đào tạo đang trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện, hội nhập với thế giới nhưng vẫn còn không ít giáo viên chậm chạp trong thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục. Thiếu chủ động, tự giác với vấn đề tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của cơ sở giáo dục hoặc cơ quan quản lý giáo dục…

Trong khi đó, theo ThS. Lê Đình Bình – Trường Cán bộ Quản lí Giáo dục TPHCM, người giáo viên trong nhà trường phổ thông hiện nay đang đòi hỏi không chỉ là người làm nhiệm vụ cung cấp thông tin và truyền thụ kiến thức, mà phải trở thành người tổ chức, hướng dẫn quá trình học tập của người học.

Từ những vị trí vai trò của người học và người dạy trong những hoàn cảnh biến đổi nhanh, phức tạp đòi hỏi người giáo viên phải được trang bị vững vàng kiến thức chuyên môn và năng lực sư phạm, khả năng đáp ứng linh hoạt và hiệu quả trước những yêu cầu đổi mới và hội nhập…

Chìa khóa của đổi mới, hội nhập

Phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trước yêu cầu đổi mới và hội nhập là điều kiện tiên quyết để thành công. ThS. Lê Đình Bình, cho rằng: Do thay đổi về cơ chế phát triển giáo dục gắn liền với trình độ phát triển cao của nền kinh tế - xã hội và của các lĩnh vực khác, giáo dục trên thế giới đang diễn ra những xu hướng mới cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc trong nhận thức và tận dụng thực tiễn…

Yêu cầu đối với người giáo viên trường trung học phổ thông luôn phải nâng cao trí tuệ, năng lực và kĩ năng tổ chức thực hiện các hoạt động dạy – học phù hợp với nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế.

Trong nhà trường người giáo viên cần phải biết tổ chức các hoạt động giáo dục, theo hướng coi trọng giáo dục đạo đức, truyền thống dân tộc cho học sinh. Do vậy, những yêu cầu cần có đối với giáo viên phải gắn liền với các tiêu chí nhất định về phẩm chất và năng lực.

Đứng trước yêu cầu đổi mới và hội nhập của giáo dục vấn đề phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên cần chú trọng trên hai mặt là năng lực chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học.

Khi năng lực chuyên môn được phát triển sẽ giúp giáo viên có kiến thức phù hợp với yêu cầu, trong những lĩnh vực mà người giáo viên đó đảm nhận để tổ chức hoạt động dạy học hiệu quả…Mặt khác, vai trò của chuyên môn là để hỗ trợ giáo viên trong việc xây dựng lí thuyết và kĩ năng thực hành sư phạm, giúp học sinh phát triển năng lực nghề nghiệp của mình trong lĩnh vực dạy học.

Phát triển năng lực chuyên môn của người giáo viên cũng đồng nghĩa với phát triển các năng lực cơ bản như: Năng lực sư phạm; Năng lực sử dụng phương pháp giảng dạy; Năng lực tương tác với người học; Năng lực chia sẻ thông tin với đồng nghiệp.

Nếu giáo viên được hình thành các năng lực sư phạm nhất định trong đào tạo sẽ giúp họ được tiếp thu kiến thức về phương pháp giảng dạy tích cực thông qua nghiên cứu bồi dưỡng cũng như kinh nghiệm trong thực tiễn. Và trên cơ sở đó kiến thức được trải nghiệm trong thực tiễn dạy – học, năng lực của giáo viên ngày càng phát triển.

Với năng lực sử dụng phương pháp giảng dạy giúp giáo viên có được những kĩ năng cơ bản như: kĩ năng tự học, tự nghiên cứu; Kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin; Kĩ năng hợp tác trong dạy học; Kĩ năng giải quyết vấn đề…

Năng lực tương tác với người học buộc giáo viên phải nắm vững phương thức dạy học tương tác, lấy người học làm trung tâm, tổ chức dạy học tương tác phù hợp với môi trường… Người dạy học tương tác đóng vai trò tổ chức, hỗ trợ tư vấn cho người học. Thông qua hoạt động tương tác với đối tượng nhận thức, người học tự kiến tạo tri thức và cấu trúc nhận thức bên trong của mình…

Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học – công nghệ cũng vô cùng cần thiết. Hoạt động nghiên cứu KHCN góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ, năng lực cho giáo viên qua đó nâng cao được chất lượng dạy học, công việc giảng dạy phải gắn liền với nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu để khám phá, nghiên cứu để phát huy năng lực, trí tuệ, nghiên cứu để đào tạo lại chính bản thân giáo viên. Đây là con đường ngắn nhất để không ngừng tích lũy kiến thức, gọt sắc tư duy góp phần tìm ra những hình thức, biện pháp thích hợp truyền đạt tri thức tới người học.

Phát triển năng lực nghề nghiệp thành công cho giáo viên có tác động tích cực đến chất lượng hiệu quả học tập của học sinh. Vì vậy phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên là yếu tố quan trọng là điều kiện tiên quyết làm nên công cuộc đổi mới giáo dục và quyết định sự thành bại trong đổi mới giáo dục, là chìa khóa để hội nhập và có tác động lớn đến các nỗ lực, để xác định vị trí khu vực của Việt Nam trong nền kinh tế tri thức toàn cầu, thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ