Khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2017

Sáng 14/8 tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã tổ chức Lễ khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2017 dành cho giáo viên người Việt ở nước ngoài, diễn ra từ ngày 14-27/8.

Khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2017

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2017 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NNVNVNONN) phối hợp với Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức.

Được tổ chức thường niên từ năm 2013, khóa tập huấn 2017 là năm có số lượng học viên đăng ký đông nhất từ trước đến nay. 78 học viên tham dự khóa học về từ 12 quốc gia và lãnh thổ gồm: Đài Loan, Thái Lan , Lào, Campuchia, Malaysia, Pháp, Hungary, Ba Lan, Nhật Bản, Italy, Thụy Sỹ và Ukraine (trong đó có 6 nam và 72 nữ).

Đặc biệt, đây là khóa đầu tiên có giáo viên người Việt tại Nhật Bản tham dự, học viên cao tuổi nhất đã 74 tuổi và học viên ít tuổi nhất là 21 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN Vũ Hồng Nam nhấn mạnh, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ là sức mạnh, là tài sản vô hình của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng. Thứ trưởng nhắc lại câu nói mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Tiếng nói là của cải lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam khẳng định, những năm qua, Ủy ban NNVNVNONN luôn coi trọng công tác xây dựng, củng cố, phát triển phong trào tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời góp phần phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo (đặc biệt là Vụ Giáo dục Thường xuyên, đơn vị đồng tổ chức), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cũng như các cơ quan, tổ chức đã phối hợp và giúp đỡ Ủy ban NNVNVNONN thực hiện khóa tập huấn này. Ông tin tưởng các học viên tham dự sẽ gặt hái được kết quả như mong muốn, trong hành trang trở về là những kiến thức, kinh nghiệm quý báu về dạy tiếng Việt để đóng góp cho phong trào dạy và học tiếng Việt tại địa bàn.

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt ra đời nhằm hỗ trợ nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho các giáo viên kiều bào đang giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN, kết hợp tham quan các danh thắng, di tích lịch sử văn hóa để giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Toàn thể các học viên của Khóa học chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức

Trong thời gian 2 tuần, các học viên sẽ có 13 buổi học trên lớp tại Ủy ban NNVNVNONN, 2 buổi dự giờ học tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội và Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, 1 buổi trao đổi về kỹ năng khai thác, bảo quản sách, tư liệu do Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày... 

Ngoài ra, các học viên sẽ được viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các ngày nghỉ cuối tuần được đi thăm Ninh Bình và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Đồng hành cùng các học viên của khóa học trong suốt 5 năm qua, PGS. TS Nguyễn Thiện Nam – Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng: “Tiếng Việt là niềm trăn trở của bao phụ huynh và cũng là nhịp cầu gắn kết tình cảm của những người xa xứ.

Việc duy trì duy trì tiếng Việt ở nước ngoài là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, các thầy cô sẽ phải đổ mồ hôi công sức nhiều lắm nhưng tiếng Việt vẫn là niềm vui và cảm hứng bất tận trong trái tim người Việt”.

Theo Trang tin Thế giới & Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ