Kết nối mạng chập chờn, cô trò "toát mồ hôi" học trực tuyến

GD&TĐ - Nhiều trường tại Hà Nội phản ánh về đường truyền kết nối Internet chập chờn trong lúc học trực tuyến, khiến cho việc dạy và học trở nên khó khăn.

Nhiều trường phản ánh đường truyền mạng chập chờn, khiến việc học trực tuyến của học sinh có lúc bị gián đoạn. Ảnh Bảo an.
Nhiều trường phản ánh đường truyền mạng chập chờn, khiến việc học trực tuyến của học sinh có lúc bị gián đoạn. Ảnh Bảo an.

Cô, trò cùng vất vả

Có con học lớp 1, anh Nguyễn Văn Ninh (Nam Từ Liêm – Hà Nội) chia sẻ, mấy ngày nay, cô giáo của con anh hướng dẫn cho học sinh biết các thao tác cơ bản như  điều khiển chuột máy tính, ấn nút giơ tay phát biểu... Giáo viên không nặng nề, áp lực về việc dạy kiến thức, chủ yếu để học sinh có thể làm quen với các thiết bị học trực tuyến.

“Cô cũng quán triệt, bố mẹ không nên vì thành tích mà làm hộ con. Trước mắt, phải để học sinh tự lập, thành thạo những thao tác, kỹ năng cơ bản trên máy tính. Tôi hoàn toàn tán thành, bởi bố mẹ không thể ở bên con mãi được.

Tuy nhiên, hiện nay lớp học zoom của con tôi có tới 50 học sinh, điều này ảnh hưởng đến đường truyền kết nối internet. Học sinh không thể tập trung được vì nhiều âm thanh, tiếng ồn. Tôi mong muốn trường sẽ chia lớp thành 2 ca, mỗi ca 25 học sinh. Như vậy, người học có thể dễ dàng tiếp thu được kiến thức, giáo viên cũng có thể quan tâm được các em hơn”, anh Ninh nói.

Học sinh học trực tuyến tại Hà Nội. Ảnh: Bảo An.
Học sinh học trực tuyến tại Hà Nội. Ảnh: Bảo An.

Anh Trần Minh Long (Thanh Trì - Hà Nội) chia sẻ: “Con học trực tuyến 2 tiết thì 9 lần bị thoát ra ngoài. Vợ chồng tôi thay phiên nhau học online cùng con, tôi vừa làm việc vừa theo dõi con, cứ khoảng 15 phút con lại hô: Bố ơi mạng chết rồi. Bố ơi con bị ra ngoài rồi... Có lúc hai bố con phải khởi động lại máy đến 2 lần trong một tiết học.

Nhiều khi, chính giáo viên đang dạy cũng bị đẩy ra khỏi lớp học. Một tiết học mà học sinh nháo nhác, nghe câu được câu chăng, ghi chép cũng không đâu vào đâu... nên tôi và con cảm thấy hơi mệt mỏi”.

Theo cô Nguyễn Thị Loan – Hiệu trưởng Tiểu học Kim Đồng (Hà Đông), từ hôm 5/9, toàn thành phố dự lễ khai giảng trực tuyến, đường truyền mạng Internet đã có dấu hiệu không ổn định.

Nhà trường đang đặt mua phần mềm độc quyền để việc dạy và học được thuận lợi hơn. Nhưng quan trọng nhất, đường truyền mạng phải ổn định.

Về việc dạy học, trường ưu tiên đối với học sinh khối 1, lịch học được linh hoạt, thống nhất của phụ huynh mỗi lớp. Tuần này giáo viên sẽ hướng dẫn cho các em làm quen với thiết bị, đồ dùng phục vụ cho từng môn học.

Ngoài ra, thầy cô cũng cho học sinh ôn lại bảng chữ cái, quay video hướng dẫn cách cầm bút, đặt bút, lia bút... Phải tận dụng trong khoảng thời gian này, giúp học sinh có được kỹ năng cơ bản, đi  nề nếp, để sau ngày 12/9 học sinh học kiến thức chính thức sẽ không bị bối rối, bỡ ngỡ.

Thầy Nguyễn Phú Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Long Biên) cho biết: Trong những ngày đầu năm học, việc học trực tuyến khá vất vả, đường đường truyền kết nối internet chập chờn, học sinh liên tục “out” khỏi lớp, dẫn đến việc học bị gián đoạn.

“Đây là tình hình chung các các trường, chất lượng không thể bằng việc dạy và học theo hình thức trực tiếp. Khi học sinh được trở lại trường, chắc chắn trường sẽ phải chỉ đạo giáo chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cho các em ôn tập, bổ sung lại kiến thức” - thầy Cường cho biết.

Ông Lê Văn Hiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức (Hà Nội) thông tin: “Việc dạy và học ở các trường cơ bản không phát sinh vấn đề bất cập, 100% học sinh có đầy đủ sách giáo khoa và thiết bị học tập trực tuyến. Tuy nhiên, mạng Internet khá chập chờn, khiến cho việc dạy học gặp khó khăn”.

Giải pháp nào?

Anh Nguyễn Đình Tuấn – Chuyên viên tại một đơn vị công nghệ thông tin ở Hà Nội cho biết, nhiều người truy cập cùng lúc, dẫn đến nghẽn mạng, quá tải.

Do vậy, cần nâng cấp đường truyền mạng, trường hợp sử dụng điện thoại nên dùng sim có tốc độ truy cập internet cao. Ngoài ra, các đơn vị cũng có thể sắp xếp thời gian học xen kẽ giữa các lớp học, cấp học, tránh tình trạng học trực tuyến cùng lúc.

Ngành GD-ĐT đang tăng cường các giải pháp để việc học trực tuyến đạt hiệu quả. Ảnh: Bảo An.
Ngành GD-ĐT đang tăng cường các giải pháp để việc học trực tuyến đạt hiệu quả. Ảnh: Bảo An.

Theo ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã khuyến cáo các cơ sở giáo dục cần bố trí, thống nhất với cha mẹ học sinh để bố trí thời gian học trực tuyến thích hợp, có thể ngoài giờ hành chính (phụ huynh cùng đồng hành, nhất là cấp Tiểu học).

Về đường truyền, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các nhà mạng hỗ trợ tăng cường băng thông cho các trường và gia đình.

“Hiện nay, Sở GD&ĐT đã cấp 40.000 tài khoản Email: @hanoiedu.vn cho giáo viên, để phục vụ dạy học trực tuyến miễn phí, không giới hạn bằng Google Class và Zoom; giới thiệu ứng dụng Enetviet, Onmeeting của FPT cho các trường.

Bên cạnh đó, Sở đang tham mưu cho thành phố phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội để dạy học trên truyền hình. Ngoài ra, các trường hoàn toàn có quyền chủ động lựa chọn các phần mềm phù hợp”, ông Tiến thông tin.

Ngày 7/9, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng mở rộng băng thông Internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là cước Internet 3G, 4G; giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ Internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học. 

Đồng thời nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số; ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.