Hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp và những tác động tích cực từ quá trình Tự chủ Đại học

GD&TĐ - Thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường (NT) với doanh nghiệp (DN) đã và đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt ở nhiều nước trên thế giới. Sự đòi hỏi và tác động của nền kinh tế tri thức khiến mối quan hệ này có những chuyển biến mạnh mẽ.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nổi bật nhất là sự chuyển đổi mô hình hợp tác từ « hoạt động độc lập » sang « tương tác qua lại liên lục » giữa hai chủ thể, nhằm thích nghi và bắt nhịp với tốc độ phát triển của khoa học, kỹ thuật [2].

Để xây dựng được kênh hợp tác hiệu quả và lâu dài sẽ đòi hỏi sự cố gắng từ cả hai phía, đồng thời cần có sự tác động và hỗ trợ về chính sách của nhà nước.

Bài viết này xuất phát từ những kinh nghiệm quốc tế, nhằm liệt kê những động lực và rào cản trong mối quan hệ NT-DN, đồng thời phân tích để nêu bật tầm quan trọng của quá trình Tự chủ Đại học (TCĐH) trong việc phá bỏ các rào cản và làm tăng thêm động lực cho NT khi phát triển hợp tác với DN.

Các hình thức hợp tác giữa NT với DN

Hợp tác giữa NT với DN được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. DN có thể được coi như « khách hàng » của NT trong việc tuyển dụng sinh viên, áp dụng các sáng chế hay kết quả nghiên cứu của NT, yêu cầu đào tạo nâng cao tay nghề và kiến thức của nhân viên.

Ở chiều ngược lại, nhiều trường đại học trên thế giới mời các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia vào giảng dạy hoặc quản lý nhà trường, hoặc thuê các thiết bị kỹ thuật tiên tiến của DN đề làm nghiên cứu.

NT lúc này lại trở thành một khách hàng của DN. Trong bản Báo cáo về « Thực trạng hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp tại châu Âu », Trung tâm nghiên cứu Tiếp thị khoa học tới doanh nghiệp, thuộc trường ĐH Khoa học ứng dụng Münster, Đức đã liệt kê 8 loại hình hợp tác :

1- Hợp tác nghiên cứu và phát triển : Bao gồm các hợp đồng về nghiên cứu và tư vấn phát triển.

2- Sự lưu chuyển của giới hàn lâm và chuyên gia : Là các hợp đồng về lưu chuyển tạm thời hoặc lâu dài, nhằm đưa giảng viên vào làm việc tại DN hoặc ngược lại, đưa những chuyên gia bậc cao của doanh nghiệp về nghiên cứu, làm việc tại trường.

3- Sự lưu chuyển của sinh viên : Là các loại hình hợp tác cho phép sinh viên đến thực tập hoặc vừa học vừa làm tại DN, cũng như hợp đồng tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường.

4- Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu : Thông qua hợp đồng mua bán, chuyển giao sở hữu trí tuệ.

5- Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo : Đây là loại hình hợp tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giúp các cử nhân có thể thích ứng nhanh với những đòi hỏi của thị trường.

Để làm được việc này, DN cần hợp tác với NT ngay từ khâu lên khung chương trình đào tạo, đến việc thiết kế từng chương trình, rồi cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hoặc trực tiếp giảng dạy sinh viên tại DN trong một số lĩnh vực thế mạnh.

6- Học tập suất đời : Là các hợp tác liên quan đến đào tạo nhân viên của DN, hoặc hợp tác mở các trung tâm đào tạo nghề hay kỹ năng cho người lao động nói chung.

7- Hoạt động khởi nghiệp : Là các hoạt động mà DN giúp NT phát triển văn hóa khởi nghiệp cho SV và giảng viên.

8- Quản trị : Là sự tham gia của các lãnh đạo DN trong hội đồng trường và/hoặc của giới hàn lâm NT trong ban cố vấn hay ban lãnh đạo công ty.

Lợi ích của việc tăng cường hợp tác giữa NT với DN

Không quá khó để nhận ra những lợi ích của việc hợp tác giữa trường NT với DN. Bất kỳ đối tượng nào cũng sẽ được thụ hưởng những kết quả tích cực từ quá trình này.

Đối với sinh viên : Những lợi ích chính bao gồm việc được tiếp cận với hệ thống kiến thức mới nhất, được củng cố về kỹ năng làm việc, và hơn nữa là nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường.

Đối với nhà trường: Hợp tác với DN sẽ giúp NT tiếp cận các nguồn tài chính bổ sung, tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất, hiểu hơn về những yêu cầu của DN, qua đó hoàn thiện, đổi mới chương trình giảng dạy và cơ cấu tuyển sinh, nâng cao vị thế của trường.

Đối với doanh nghiệp: Hợp tác sẽ giúp họ nâng cao khả năng nghiên cứu, làm tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời cũng giúp hạn chế rủi ro khi trực tiếp tuyển lựa được những sinh viên có trình độ cao; nâng cao danh tiếng của DN.

Đối với xã hội: Việc hợp tác này sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho vùng, giảm tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường.

Động lực cho sự hợp tác giữa NT với DN

Động lực được hiểu là những yếu tố có tác động cổ vũ và làm đơn giản hóa việc đi đến hợp tác giữa NT với DN. Có thể kể đến 3 nhóm động lực chính sau :

Nhóm động lực về kinh tế: Đối với NT, đó là sự tuyển dụng sinh viên và nhân viên bởi các DN uy tín, sự tiếp cận với các nguồn kinh phí mới, cũng như sự tiếp cận với các kết quả nghiên cứu và phát triển của DN. Đối với DN, đó là mong muốn tiếp cận với các nghiên cứu từ NT, giảm thiểu rủi ro trong tuyển dụng.

Nhóm động lực liên quan đến mối quan hệ: Đó là sự tin tưởng lẫn nhau và cùng hướng tới một mục tiêu chung trong nghiên cứu và đào tạo. Cùng với đó là nhận thức chung của NT và DN về tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai bên.

Ngoài hai nhóm động lực trên, không thể không kể đến nhóm thứ 3, là các động lực không đến trực tiếp từ bên trong NT và DN. Đó là các chính sách và cơ chế hỗ trợ của nhà nước, sự gần gũi về địa lý, yêu cầu hợp tác từ chính quyền khu vực....

Vai trò và tác động của từng động lực trong sự hợp tác này có thể thay đổi tùy theo đặc thù của từng trường ĐH, từng DN hay từng quốc gia.

Ở Mỹ, những động lực có tác động lớn nhất đến sự hợp tác này là vấn đề đào tạo, tuyển dụng sinh viên và hợp tác nghiên cứu [3]. Vấn đề tìm kiếm nguồn tài chính bổ sung không phải là một động lực chính cho mối quan hệ này như ở nhiều nước khác.

Vấn đề này có thể được hiểu là, đối với một đất nước mà hệ thống giáo dục ĐH có chất lượng rất cao, khi NT hoàn thành tốt hai sứ mệnh chính của mình là đào tạo, nghiên cứu và chia sẻ kiến thức, thì tài chính sẽ tự động đến cùng với danh tiếng, thông qua các hợp đồng tài trợ.

Các rào cản

Các lợi ích và động lực đều khẳng định sự hợp tác NT - DN là đôi bên cùng có lợi. Vậy tại sao mối quan hệ này vẫn chưa được như mong đợi? Có thể thống kê các rào cản chính đối với sự hợp tác này thành 5 nhóm :

Rào cản về nhận thức, đặc biệt là của tầng lớp lãnh đạo DN và NT: chưa ý thức rõ sự cấp thiết của vấn đề và thiếu quyết tâm trong xây dựng một mối quan hệ lâu dài.

Rào cản về tài chính : Điều này chủ yếu đến từ phía DN, khi họ không dự trù để có đủ kinh phí cho hợp tác với NT.

Rào cản về nguồn lực con người và trang thiết bị : Cả NT và DN đều chưa có hoặc không bố trí những con người có đủ trình độ và kinh nghiệm, cũng như trang thiết bị phù hợp để tham gia hợp tác.

Rào cản về tầm nhìn và vấn đề niềm tin : Đó là sự không tin tưởng vào năng lực của đối tác, không chia sẻ một tầm nhìn chung, khác biệt về chính sách sở hữu trí tuệ....

Khả năng hấp thụ khoa học kỹ thuật của nền kinh tế : khả năng hấp thụ thấp thì sẽ làm giảm động lực hợp tác giữa NT với DN.

Và cuối cùng là việc thiếu các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước.

Tác động của TCĐH đến sự hợp tác NT-DN

Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, khi mà nền kinh tế đang ở giai đoạn sử dụng nhiều công nghệ nhập khẩu, thì phần lớn các DN trong nước có xu hướng chưa quan tâm nhiều đến nghiên cứu và phát triển, cũng như chưa cảm nhận được sự cấp thiết của việc tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực.

Do đó, NT cần giữ vài trò chủ động để phá bỏ các rào cản, đồng thời tự tìm kiếm đối tác và xây dựng cho mình những hợp tác mang tính chiến lược, lâu dài....

Đặt mối quan hệ này trong cái nhìn của nhà quản lý, dễ dàng nhận thấy, việc tiến đến tự chủ sẽ là một cú hích quan trọng thúc đẩy nhận thức của NT trong vấn đề này.

Thứ nhất, tự chủ về tài chính sẽ buộc NT chủ động tìm kiếm những nguồn kinh phí hoạt động khác bên cạnh nguồn trợ cấp của chính phủ đang ngày càng thu hẹp.

Việc tăng học phí của sinh viên cũng sẽ vấp phải những phản ứng nhất định từ xã hội và sẽ có rủi ro về cạnh tranh tương quan giữa học phí và chất lượng đào tạo với các trường khác.

Do đó, tìm đến DN để chia sẻ kinh phí nghiên cứu và đào tạo sẽ nhanh chóng trở thành một trong những giải pháp ưu tiên số 1 của NT.

Thứ hai, khi tiến hành tự chủ học thuật và tuyển sinh, thì việc tham khảo nhu cầu của DN về số lượng sinh viên và kiến thức trang bị cho sinh viên sẽ là vấn đề mấu chốt cho việc đảm bảo chất lượng đầu ra và tiết kiệm chi phí đào tạo.

Đề làm được việc này, không còn cách nào khác ngoài việc chủ động tham vấn và trao đổi với các DN – với vai trò vừa là đối tác tiềm năng, vừa là khách hàng của NT, và đề nghị họ tham gia xây dựng chương trình cũng như trực tiếp giảng dạy.

Khi đã có được những sự trao đổi và xóa bỏ được rào cản về nhận thức và niềm tin, thì việc ký kết hợp đồng hợp tác lâu dài sẽ trở nên thuận lợi.

Thứ ba, tự chủ quản trị sẽ cho phép NT có toàn quyền quyết định về các chiến lược phát triển của trường. Và nếu có một Hội đồng trường với sự tham gia của các thành viên đến từ giới DN, sẽ giúp NT tạo được những mối quan hệ hợp tác có chất lượng. Đồng thời cũng giúp NT học hỏi cách quản lý của DN để tối ưu hóa các chi phí hoạt động.

Kết

Quá trình tiến đến TCĐH ở Việt Nam sẽ sớm tạo ra một môi trường cạnh tranh giữa các trường về thu hút sinh viên, giảng viên và tiếp cận các nguồn kinh phí ổn định, chất lượng. NT nên nhìn nhận quá trình này như là một cơ hội để phát huy vai trò dẫn dắt của mình trong mỗi quan hệ 3 bên với DN và nhà nước (mô hình Triple Helix), nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.

Để hợp tác với DN trở thành mục tiêu chiến lược và có kết quả cao, NT cần một sự chuẩn bị bài bản và toàn diện, từ vấn đề nhận thức của ban lãnh đạo và các thành viên trong trường, đến việc đầu tư nguồn lực tài chính và con người một cách hợp lý, đồng thời đưa ra phương pháp cũng như lộ trình tìm kiếm và tiếp cận DN.

Một trong những kênh tiếp cận tương đối hiệu quả được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước phát triển, là thông qua hiệp hội các cựu sinh viên của trường, mà nhiều người trong số đó đã và đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong môi trường DN.

Ngoài sự chủ động của NT và những cố gắng từ DN, thì việc thiết lập một hệ thống các chính sách khuyến khích và hỗ trợ từ phía là nước là rất cần thiết, ví dụ chính sách giảm thuế DN cho những khoản đóng góp vào nghiên cứu và giảng dạy, đã được áp dụng rất thành công ở nhiều nước.

Về lâu dài, cả NT, DN và nhà nước cần có những chiến lược để thích nghi với sự phát triển của mô hình đào tạo trên thế giới, từ mô hình Đại học nghiên cứu (Research university) sang mô hình Đại học doanh nghiệp (Entrepreneurial university), nơi sự sáng tạo và hành động thực tiễn được đặt song hành để hướng tới một kết quả tối ưu trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai.

Tài liệu tham khảo:

[1] Making industry-university partnerships work - Lessons from successful collaboration, Science|Business Innovation Board AISBL, Bỉ

[2] Autonomy Mediated through University-Business Collaboration , Olav Jull Sørensen

[3] Study on University-Business Cooperation in the US - London School of Economics and Political Science, 2013

[4] The State of European University‐ Business Cooperation, Science-to-Business Marketing Research Centre - Münster University of Applied Sciences, Germany 31st August, 2011

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ