Hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015

GD&TĐ - Sáng nay (29/7), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2013 - 2014, triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp. 

V
V
Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị 
Đến dự Hội nghị, có các vị khách quý: Đồng chí Vũ Đức Đam – Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ngô Trọng Vịnh - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, Nguyễn Mậu Bành – Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cùng lãnh đạo các ban ngành, các hội, tổ chức...

Về phía các tỉnh, có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND các tỉnh: Hà Nội, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Ninh...; hiệu trưởng các trường sư phạm, các Giám đốc Sở GD&ĐT.

Về phía Bộ GD&ĐT, GS.TS Phạm Vũ Luận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng; Các Thứ trưởng: TS Nguyễn Vinh Hiển; TS Nguyễn Thị Nghĩa; GS.TSKH Bùi Văn Ga; PGS.TS Phạm Mạnh Hùng; PGS.TS Trần Công Phong – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, … tham dự Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tổng kết năm học 2013 - 2014 tại Hội nghị
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tổng kết năm học 2013 - 2014 tại Hội nghị

Đánh giá chung năm học đầu tiên thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tổng kết năm học 2013 - 2014 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 – 2015.

Báo cáo đánh giá chung: Năm học 2013 - 2014, công tác chỉ đạo của các cấp quản lý từ Bộ đến các Sở và Phòng GD&ĐT có sự thống nhất, các cuộc vận động và phong trào thi đua của Ngành được duy trì với nề nếp và chất lượng tốt, đã trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường, chỉ đạo thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2013 - 2014.

Công tác quản lý giáo dục đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường. Công tác đánh giá kết quả giáo dục, nội dung, phương pháp giảng dạy tiếp tục được đổi mới.  

Việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, tạo ra sự thay đổi có tính chất bước ngoặt về chất trong đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy của giáo viên và tư duy quản lý giáo dục.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được quan tâm, coi trọng thực chất; các mô hình trường học mới, phương pháp dạy học tích cực đã khẳng định được ưu thế, được áp dụng và nhân rộng ở hầu hết các địa phương; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục được quan tâm; các cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển;

Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc được thực hiện thường xuyên và có kết quả; công bằng xã hội trong giáo dục được bảo đảm tốt hơn, đặc biệt là các chính sách cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong năm học vừa qua.

Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục đã xây dựng những nhiệm vụ cụ thể để phát huy các thành tựu đã đạt được, khắc phục những tồn tại, thực hiện thắng lợi năm học 2014 - 2015 tới. 

Chi tiết báo cáo xem TẠI ĐÂY

Công bố Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia

Đáng chú ý, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã công bố Dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia (thay kỳ thi  tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ).

Mục đích của kỳ thi THPT quốc gia nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các cơ sở GDĐH, GD nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh; Tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi , kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học.

Về nguyên tắc, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, công bằng, độ tin cậy của kết quả thi; Đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học; Không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh.

Kỳ thi sẽ được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 6 hàng năm.

Về phương án tổ chức kỳ thi, dự thảo đã đưa ra cụ thể về các khâu: Coi thi, chấm thi; địa điểm chấm thi; Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi; Hình thức thi và thời gian làm bài thi...

Xem chi tiết Dự thảo TẠI ĐÂY

Những đóng góp tâm huyết từ cơ sở

Sau báo cáo tổng kết của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Hội nghị tổ chức thảo luận.

Các đại biểu đồng tình, nhất trí cao với báo cáo tổng kết năm học và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh các đóng góp về việc triển khai Nghị quyết 29 tại các địa phương trong năm học vừa qua, những đề xuất trong việc thực hiện kiên cố hóa trường lớp học, sáp nhập các Trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề... nhiều đại biểu đưa ra mối quan tâm về dự thảo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Ông Bùi Đức Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên lựa chọn phương án 1. Theo ông, có 2 điểm làm căn cứ để đề xuất, đó là thực trạng hiện nay vấn đề dạy và học phù hợp với cách kiểm tra đánh giá, gần với công việc Ngành đã làm, không gây ra tâm lý lo lắng trong xã hội.

Thứ hai, cách ra đề thi tốt nghiệp năm 2014 rất thích hợp, đảm bảo các kiến thức cơ bản, đảm bảo học sinh có khả năng được sáng tạo trong quá trình làm bài. Theo đó, cách ra đề thi phương án 1 trong thời gian tới là phù hợp. Còn phương án 2, 3 cần thêm thời gian chuẩn bị mới có thể triển khai được.

Ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng ở khía cạnh trường ĐH, cần các Sở GD&ĐT trao đổi sâu, trao đổi kỹ về vấn đề chọn phương án thi nào, từ đó mới có cái nhìn tổng thể để quyết định.

Ông Lê Hồng Sơn – GĐ Sở GD&ĐT TPHCM nhận định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã được tổ chức và được sự đánh giá cao của đội ngũ giáo viên, học sinh, nhà trường. Cách ra đề kỳ thi song song với việc tự chọn đã gắn với ứng dụng thực tiễn, các em học sinh phải suy luận, tạo sự thích thú không chỉ cho học sinh mà còn khơi gợi cảm hứng cho giáo viên.

Ông Sơn nhất trí với mục đích, nguyên tắc theo định hướng dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT đưa ra. Ông Sơn ủng hộ phương án 1, ủng hộ và tiếp tục thực hiện trong năm 2015. 

Theo các phân tích, lãnh đạo ngành GD TPHCM cho rằng cần có thời gian chuẩn bị cho phương án khác. Đổi mới thi liên quan đến 2 nội dung cơ bản là người ra đề thi và học sinh phải được dạy, được hướng dẫn trước, làm quen… 

"Phương án 2 sớm nhất thực hiện năm 2016, là phương án đáp ứng kịp với cách thức đổi mới tổ chức dạy học. quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên, chuyên viên sở có thể đáp ứng điều kiện ra đề. Sau khi rút kinh nghiệm, có thực tiễn, có thời gian chuẩn bị sẽ tổ chức phương án 3 - Ông Lê Hồng Sơn đưa ý kiến.

Ông Bùi Đức Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đồng tình với đánh giá của Bộ GD&ĐT. Theo ông, một số đổi mới bước đầu, năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản được dư luận đồng tình và đây là định hướng đi đúng theo tinh thần Nghị quyết 29.

Ông Long phát biểu: Còn nhiều vấn đề khi triển khai thực hiện cần tính toán, cần có sự chỉ đạo chi tiết. Mong Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ có chỉ đạo cụ thể hơn. Ví dụ: Những vấn đề lớn như việc xác định thay đổi điều chỉnh trong nội dung, chương trình GD, đổi mới trong phương pháp...

Về phương án thi tốt nghiệp, tôi đồng tình với mục đích, nguyên tắc Bộ GD&ĐT đưa ra. Tôi nghiêng về phương án 2, để tăng khả năng tích hợp của học sinh. Thời gian thực hiện cần tính toán kỹ, nếu năm 2015 triển khai ngay có thể sẽ khó khăn, nên chăng thực hiện trong năm 2016.

Bà Vũ Thị Bích Việt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang lại nghiêng về phương án 1. Theo bà Việt, phương án 2 và phương án 3 nếu thi tích hợp 3 môn liền thì học sinh miền núi chưa tiếp cận được. 

Bà Việt đề xuất: Năm 2015 vẫn chọn phương án như năm 2014 để đảm bảo được học sinh không bị xáo trộn.

Về phương án thi, bà Nguyễn Thị Minh Giang - GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi nhất là trong đội ngũ nhà giáo. 

Đồng ý quan điểm với bà Vũ Thị Bích Việt cho rằng đề thi nên tích hợp để khắc phục tình trạng học lệch, nhưng phải nghiên cứu thêm. Bởi bài thi KHXH ra đề theo hướng tích hợp thì rất thuận lợi. Tuy nhiên, ở các môn KHTN phải có thời gian mới triển khai được.

Bà Giang cho rằng môn Ngoại ngữ không nên thi bắt buộc. Bởi những địa phương phổ biến nghề nông, ngư nghiệp nhu cầu học cao của học sinh phổ thông không nhiều như các tỉnh khác. Số đông các em học xong THPT thì đi học nghề và đánh bắt theo nghề của gia đình. 

Thêm vào đó, điều kiện triển khai dạy ngoại ngữ tại Kiên Giang cũng có nhiều hạn chế, không thuận lợi như các vùng, miền khác. Chính vì vậy ở đâu có điều kiện ở đâu dạy tốt ngoại ngữ thì nên thi.

Ông Trần Trọng Khiếm - GĐ Sở GD&ĐT Cần Thơ cho rằng 10 năm nay thi 3 chung, tại Cần Thơ tổ chức thành một cụm thi đã có gần 1 triệu thí sinh thi tại đây cho thấy kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng, đúng quy chế.

Ông Khiếm phát biểu: Để hướng đến một kỳ thi chung, đề nghị thi theo phương án 1. Bởi về lâu dài vẫn đảm bảo giảm áp lực cho học sinh. 

Đối với học sinh vẫn lựa chọn theo trường hướng nghiệp vẫn có lợi thế về môn thi. Phương án 1 cũng đảm bảo không gây xáo trộn trong phụ huynh. Đến năm 2017, ra đề thi theo hướng tích hợp nhiều môn. Từ nay đến đó vẫn nên thi theo phương án 1.

Về Chương trình - Sách giáo khoa, trong thời gian tới cần huy động nguồn lực của xã hội, bên cạnh việc huy động tài chính cần có sự tham gia của xã hội về trí tuệ để cùng viết CT-SGK. 

Ông Khiếm nhất trí là một chương trình nên có nhiều bộ SGK, có thể có nhiều nơi làm SGK. Tuy nhiên, phải thiết kế thống nhất 1 chương trình. Trong đó có 30% chương trình dành để điều chỉnh phù hợp với từng địa phương; 70% là quy định cứng từ phía Bộ.

Ông Trần Thanh Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - đề nghị tổ chức thi theo Phương án 1 trong năm 2015 để tránh thay đổi đột ngột. Và cũng chỉ thi theo phương án 1 trong năm 2015. 

Từ năm 2016 nên tổ chức theo phương án 2. Sau năm 2020 mới theo phương án 3, đồng thời chấm thi nên làm phách theo cụm, không chấm chéo như trước.

Bên cạnh đó, cần công khai đổi mới thi đại học. Xét tuyển đầu vào các trường đại học nhằm tác động lại quá trình dạy học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ GD&ĐT đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao báo cáo tổng kết năm học 2013 – 2014 của Bộ GD&ĐT, khi mỗi nội dung đều thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế để từ đó có hướng khắc phục trong năm học mới.

Đưa ra nhiều phân tích, dẫn chứng thuyết phục cũng như tổng hợp các ý kiến chuyên gia, lắng nghe nhiều luồng ý kiến xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một số nội dung – theo ông – không cần đợi có chương trình, SGK mới có thể thực hiện ngay được, như kỷ cương như kỷ cương, môi trường trong sạch trong các trường phổ thông. Các nhà trường có thể làm được điều này bằng lương tâm và trách nhiệm của mình – Phó Thủ tướng khẳng định.

Về vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục tại các địa phương và việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, Trung tâm GDTX, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Cần hoạch định việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất và việc sáp nhập các Trung tâm trên cơ sở xã hội hóa mạnh mẽ.  Cần có sự bàn tính cụ thể, có lộ trình và định hướng căn bản theo đúng tinh thần Nghị quyết 29.

Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm tới vấn đề đổi mới thi cử với nhận định: Đổi mới thi của là một khâu đột phá kích thích các khâu khác đi theo, trên cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện. 

Vị lãnh đạo Chính phủ nhắc nhở: “Ta không sợ tốn kém nếu thi là cần thiết. Ngay chuyện bỏ thi cũng cần tính toán, phân tích thật kỹ cái được cái mất, đưa ra quyết định sau khi thuyết phục xã hội và tính toán kỹ càng. 

Tôi cho rằng điều quan trọng không phải là thi môn nào, mà là cần có quyết tâm đổi mới, để dù là kỳ thi gì cũng thực hiện một cách quyết tâm, trách nhiệm, trung thực”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia – trước khai giảng năm học mới – đúng theo chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2013, đồng thời tạo sự ổn định trong dạy – học tại các nhà trường.

“Với các phương án này, hoàn toàn không có việc tổng điểm bao nhiêu, trượt bao nhiêu, Bộ GD&ĐT đã cung cấp cho xã hội một số đo trình độ kiến thức chung của các cháu, công khai cả nước cùng biết, trên cơ sở đó các trường lựa vào danh sách sơ tuyển, tạo nhiều cơ hội cho học sinh, nhất là học sinh nghèo. Đây là một điểm rất tốt ta cần bàn”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc năm học mới 2014 – 2015, toàn ngành Giáo dục quyết tâm hoàn thành tốt năm học, với những đổi mới đột phá từ thi cử.

Xem chi tiết phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam TẠI ĐÂY

Thay mặt các đồng chí cán bộ chủ chốt ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam. Toàn ngành Giáo dục xin hứa sẽ triển khai các bước trên tình thần thận trọng, khách quan và trách nhiệm.

Được biết, sau hội nghị tổng kết, những đổi mới trong thi cử sẽ được tiếp tục thảo luận tại Hội nghị cán bộ chủ chốt ĐH, thảo luận trong toàn ngành, lấy ý kiến đóng góp các chuyên gia, của toàn xã hội trên các kênh thông tấn báo chí. Tất cả các nguồn ý kiến sẽ được Bộ GD&ĐT tổng hợp, báo cáo Hội đồng Giáo dục Quốc gia.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch hành động của ngành Giáo dục Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. 

Xem toàn văn kế hoạch hành động TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ