Học sinh quay video tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Để phòng chống bạo lực học đường hiệu quả, nhiều trường học ở Quảng Nam đã có những buổi tuyên truyền, quay video và đưa ra những tình huống để giải quyết, tránh gây gổ, đánh nhau...

Những tình huống giả định về bạo lực học đường do các em học sinh thể hiện.
Những tình huống giả định về bạo lực học đường do các em học sinh thể hiện.

Những tiểu phẩm về bạo lực học đường

Cô Hứa Thị Nguyệt Quế  - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho hay, nhằm hạn chế và không để tình trạng học sinh gây gổ có thể dẫn đến đánh nhau, Ban Giám hiệu nhà trường đã có rất nhiều biện pháp như giáo viên kết nối với những học sinh hay dùng mạng xã hội, tham gia các hội nhóm của các em để nắm bắt thông tin từ sớm.

Đồng thời, liên hệ, trao đổi trực tiếp với phụ huynh học sinh, phối hợp với các tổ chức trên địa bàn để nắm bắt thông tin...

“Bạo lực học đường là vấn đề rất nan giải, không đoán trước được, đặc biệt độ tuổi THCS các em đang trong thời kỳ phát triển, hoàn thiện tâm sinh lý. Bởi vậy, nhiều học sinh có những hành động khó kiểm soát, từ những chuyện vụn vặt có thể dẫn đến mâu thuẫn và hết giờ hẹn nhau ở đâu đó để giải quyết xích mích, mâu thuẫn...”, cô Quế chia sẻ.

Để giải quyết những vấn đề trên, từng năm học, Trường đều có những buổi sinh hoạt ngoại khóa, thông qua các hình thức: trò chuyện, hỏi đáp, tiểu phẩm… Tại đây, các học sinh đã được tìm hiểu về: biểu hiện và cách nhận diện bạo lực học đường; nguyên nhân, tác hại của bạo lực học đường; quy định về xử phạt đối với hành vi bạo lực, gây thương tích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; giải pháp phòng tránh bạo lực học đường và vai trò gắn kết giữa nhà trường – gia đình – xã hội...

“Mục đích cuối cùng là để các em tránh bị tổn thương, ảnh hưởng tới tâm lý và phát triển học tập trong môi trường lành mạnh, thân thiện”, cô Quế nhấn mạnh.

Những tiểu phẩm do các em học sinh đóng về phòng chống bạo lực học đường.

Đặc biệt, theo cô Quế, Trường đã có một sáng kiến mới để phòng chống bạo lực học đường hiệu quả trong những năm qua, đó là cho học sinh đóng tiểu phẩm về bạo lực học đường bằng hình thức quay video.

“Cụ thể, nhà trường sẽ cho các lớp những tình huống ví dụ về bạo lực học đường. Trong đó các em sẽ tự vào vai các nhân vật để xử lý những tình huống để tránh dẫn đến bạo lực. Cũng trong tác phẩm này, các giáo viên sẽ chỉ ra những cái đúng, cái sai cho các em học sinh.

Những tiểu phẩm như thế này sẽ được biểu diễn ở những buổi nói chuyện dưới cờ, hoặc sinh hoạt lớp. Quay video đưa lên các mạng xã hội hoặc gửi trong các nhóm lớp, nhằm cho học sinh hiểu, từ đó hướng các em đến một môi trường học tập an toàn, đoàn kết”, cô Quế chia sẻ

Cô Phan Thị Thùy Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho hay, để phòng chống tốt bạo lực học đường, trường đã phát huy tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội và các lực lượng trong và ngoài nhà trường.

Qua đó, chủ động tổ chức các buổi tuyên tuyền, tạo sân chơi bổ ích, rèn kỹ năng sống cho học sinh. “Khi phát hiện những mâu thuẫn của các em thì gặp gỡ, tìm hiểu và khuyên răn các em. Khi được thầy cô quan tâm và động viên, các em đã rất hối hận và quyết tâm sửa chữa. Không chỉ dừng lại ở đó, nhà trường vẫn tiếp tục theo dõi động viên để các em tiến bộ, vươn lên...”, cô Trang chia sẻ.

Phối hợp chặt chẽ

Những tình huống giả định được các em học sinh thể hiện trong buổi sinh hoạt dưới cờ.
Những tình huống giả định được các em học sinh thể hiện trong buổi sinh hoạt dưới cờ.

Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My cho rằng, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối từ lâu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, chính vì thế ngành giáo dục huyện xác định đây là vấn đề luôn được quan tâm tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng hơn là chống”.

Theo ông Tú, ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục thường xuyên có văn bản chỉ đạo về phòng chống bạo lực học đường trong trường học. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường, bao gồm cả Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm… trong việc tìm ra các giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống bạo lực học đường.

Ngoài ra, ông Tú cho rằng, cần phải có sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong phòng chống bạo lực học đường.

“Phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm không chỉ các bộ ngành, địa phương, các sở, ban, ngành, ban giám hiệu nhà trường… mà là của từng thầy cô giáo, cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường các bên liên quan như phụ huynh cũng cần chung tay thực hiện”, ông Tú nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm chuẩn bị nghỉ hè, để nâng cao hiệu quả công tác an toàn học trường học, phòng, chống bạo lực học đường trong năm học mới, ngành giáo dục huyện cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường phải thực hiện tốt việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

“Trong đó tổ chức các buổi ngoại khóa, những buổi nói chuyện dưới cờ giữa công an với học sinh về các chuyên đề bạo lực học đường, tệ nạn ma túy và thuốc lá điện tử trong trường học. Tại đây, lực lượng công an cũng đã trao đổi cùng các em về những hậu quả của bạo lực học đường, tuyên truyền nhằm trang bị cho các em những kỹ năng cơ bản và giúp các em có nhận thức đầy đủ để phòng tránh bạo lực học đường, các tệ nạn xã hội, có ý thức học tập tốt và có lối sống lành mạnh”, ông Tú cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ