Học để thay đổi cuộc sống

GD&TĐ - Là một tỉnh miền núi nghèo nhất nước, Lai Châu đã nâng cao dân trí cho người dân bằng cách tạo điều kiện học tập liên tục, suốt đời.

Giờ đây học không còn để xóa đói giảm nghèo mà là nâng cao chất lượng cuộc sống
Giờ đây học không còn để xóa đói giảm nghèo mà là nâng cao chất lượng cuộc sống

Xây dựng xã hội học tập

Lai Châu là một tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc, vùng đa sắc màu các dân tộc thiểu số. Theo đánh giá, Lai Châu có tiềm năng phát triển kinh tế, tuy nhiên do những điều kiện khó khăn khách quan về địa lý và KT-XH nên việc phát triển các tiềm năng đó còn chưa được như các tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và Điện Biên.

Dân số Lai Châu hiện nay là trên 440.000 người, mật độ dân số cũng thấp; khoảng 48 người/km2. Do có cộng đồng dân tộc thiểu số sống trên vùng cao, giao thông cách trở, điều kiện phát triển sản xuất còn nhiều hạn chế, nhiều dân tộc thiểu số còn thiếu những cơ hội để tiếp cận thị trường và sản xuất công nghiệp… đều là những rào cản lớn để Lai Châu phát triển. Trong đó giáo dục là một trong những vấn đề khó khăn nhất.

Ông Hoàng Đức Minh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu - cho biết: “Trong số những dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Giáy, Lá Vàng... việc học tập của trẻ em bằng tiếng Kinh khó khăn không khác gì một ngoại ngữ. Thêm nữa, hầu hết các dân tộc thiểu số ở Lai Châu đều sống trên núi cao, cách xa các trung tâm văn hóa và kinh tế của tỉnh. Các em nhỏ đi học tiểu học có khi phải đi bộ, trèo đèo lội suối nhiều cây số mới tới trường, cấp THCS và THPT thì còn khó hơn vì nhà cách trường có khi cả chục cây số. Học sinh phải rất vất vả với việc đi học hàng ngày. Chính vì thế, chúng tôi coi việc phổ cập giáo dục tiểu học ở Lai Châu là công sức rất lớn của các thầy cô giáo, đặc biệt là nỗ lực của từng gia đình và học sinh”.

Do xa nhà nên học nội trú, mang theo gạo và thức ăn tới trường, góp và ở nội trú là cách thức để huy động học sinh ra lớp được Lai Châu đang thực hiện. Tuy nhiên, do nhận thức và tác động khó khăn về địa hình và quan niệm việc học nên việc duy trì tỷ lệ học sinh đi học lên cao hơn lại gặp khó khăn, vì lúc này các em trở thành lao động chính trong nhà.

Giải pháp cho việc này là tạo điều kiện cho học sinh lớn tuổi tiếp cận với các phương thức giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy. Vì thực tế cũng minh chứng, quan niệm học chỉ để tìm được việc, học một lần dùng cả đời, đi làm ổn định rồi thì không học nữa ngày nay đã không còn ý nghĩa. Học liên tục, suốt đời để đáp ứng yêu cầu công việc, cần gì học nấy, học không chỉ để góp phần xóa đói giảm nghèo, học còn để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vai trò của giáo dục thường xuyên

Xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học tâp suốt đời là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Xã hội học tập là một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời, mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trung tâm GDTX - HN tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt việc này, khi họ giúp người dân hiểu: Học tập là nhu cầu của cuộc sống, luôn cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc. Thực hiện đầy đủ chức năng xây dựng xã hội học tập, có trách nhiệm cung ứng giáo dục hay tạo ra cơ hội học tập cho mọi người.

Đánh giá toàn cảnh về đời sống, kinh tế, xã hội của Lai Châu, GS. TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng: Ở những vùng núi cao, đồng bào thiểu số trong tỉnh Lai Châu còn sống bằng trồng ngô, lúa, khoai, sắn trên nương rẫy. Một số dân tộc ở thấp hơn thì sống bằng lúa nước ở ruộng bậc thang. Đồng bào chưa có trình độ học vấn và điều kiện để sử dụng những công nghệ mới vào việc trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản nông, lâm, thổ sản.

Đường giao thông không thuận lợi nên ở nhiều nơi việc sản xuất không kết nối với thị trường, do vậy sản xuất hàng hóa kém phát triển. Ông nhấn mạnh: Xã hội học tập mà chúng ta hướng tới là xã hội coi học tập của mỗi con người phải phát huy được những năng lực của con người, tạo nên những con người năng động và sáng tạo trong việc tự vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ.

Trung tâm GDTX - HN tỉnh Lai Châu đã thường xuyên thực hiện hiệu quả các chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ… đúng theo nghĩa là liên tục.

Bà Vùi Thị Yến (Trung tâm GDTX - HN tỉnh Lai Châu) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bao gồm: Chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng, công nghệ thông tin - truyền thông; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ; chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc, miền núi theo kế hoạch hằng năm của địa phương, cho các nhóm đối tượng đáp ứng đúng và đủ các yêu cầu chất lượng”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ