Hoạt động bắt buộc để xây dựng văn hóa chất lượng của nhà trường

GD&TĐ - Năm học 2017 - 2018 tiếp tục xác định công tác kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp nhằm quản lý đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng (đầu vào), quá trình giáo dục và kết quả giáo dục (đầu ra). Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động bắt buộc để xây dựng văn hóa chất lượng của nhà trường.

Hoạt động bắt buộc để xây dựng văn hóa chất lượng của nhà trường

Ông Nguyễn Bá Ninh - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận - khẳng định như vậy khi trao đổi về việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên năm học 2017 - 2018 trên địa bàn.

Tránh hình thức, máy móc, lãng phí trong tự đánh giá

 Năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT Ninh Thuận yêu cầu 100% nhà trường phải xây dựng kế hoạch tự đánh giá và tiến hành tự đánh giá nghiêm túc theo chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của cấp học, bậc học; kết quả tự đánh giá là nền tảng để nhà trường xây dựng lộ trình phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia.
Ông Nguyễn Bá Ninh

- Công tác tự đánh giá và xây dựng kế hoạch cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận sẽ được thực hiện như thế nào trong năm học 2017 - 2018?

Năm học này, Sở GD&ĐT nhấn mạnh việc thường xuyên thực hiện công tác tự đánh giá và xây dựng kế hoạch cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục; yêu cầu các nhà trường nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý; xây dựng kế hoạch tự đánh giá và triển khai thực hiện nghiêm túc quy trình tự đánh giá (6 bước); xác định công tác tự đánh giá là hoạt động thường xuyên, liên tục; trong quá trình tự đánh giá cần tránh hình thức, máy móc, lãng phí, chống bệnh thành tích.

Chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường phải cập nhật chính xác, áp dụng đúng đủ các văn bản quy định và hướng dẫn hiện hành về công tác kiểm định chất lượng giáo dục của các cấp quản lý; nắm vững các yêu cầu nội hàm của Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của cấp học, bậc học và gắn kết nhuần nhuyễn vào các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Thường xuyên bám sát nội dung báo cáo tự đánh giá (đã hoàn thành) để định hướng các hoạt động giáo dục, khắc phục điểm yếu và nâng chất lượng giáo dục của nhà trường.

 Ông Nguyễn Bá Ninh

Đồng thời, tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả công tác văn thư - lưu trữ; tổ chức khoa học việc lưu trữ, quản lý các loại hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động quản lý, giáo dục,... theo đúng quy định hiện hành; thường xuyên quan tâm việc cập nhật các số liệu, thống kê chính xác số liệu học sinh của các năm học làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường.

Việc thống kê số liệu về học sinh các năm học cần thống nhất theo thời điểm đầu năm học hoặc cuối năm học và ghi rõ thời điểm thống kê ở bảng cơ sở dữ liệu của nhà trường; các học sinh chuyển trường, bỏ học trong hè được tính thống kê cho năm học mới liền kề.

Các trường cũng được lưu ý khai thác triệt để các hồ sơ quản lý, hồ sơ hoạt động giáo dục đang lưu trữ tại trường hoặc thu thập từ các cơ quan có liên quan để xử lý làm minh chứng trong hoạt động tự đánh giá của nhà trường, hạn chế việc sử dụng ảnh chụp để làm minh chứng.

Trong hoạt động tự đánh giá tiêu chí, cần nhìn nhận khách quan và mạnh dạn chỉ ra các điểm yếu mang tính chủ quan, phân tích và xác định nguyên nhân gây ra điểm yếu để có biện pháp sát hợp, khả thi trong xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng cho tiêu chí.

Kế hoạch cải tiến chất lượng cho tiêu chí cần đảm bảo việc duy trì, phát huy điểm mạnh và khắc phục được điểm yếu. Trên cơ sở kế hoạch cải tiến đã xây dựng cho từng tiêu chú, nhà trường cần lựa chọn những việc cần làm trước phù hợp với điều kiện, tiềm lực của nhà trường để đưa vào bản kế hoạch cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm cam kết thực hiện với cơ quan quản lý cấp trên, với xã hội với chính "văn hóa chất lượng" của nhà trường.

- Sở GD&ĐT có lưu ý gì liên quan đến nhân sự thực hiện nhiệm vụ này?

Sở GD&ĐT khuyến khích nhà trường xem xét, nghiên cứu thành lập tổ phụ trách công tác quản lý chất lượng giáo dục với cơ cấu nhân sự gọn và hiệu quả;

Giao nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, đánh giá việc triển khai và thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục; liên tục cập nhật các thông tin phục vụ kịp thời cho hoạt động tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài để công nhận hoặc nâng cấp độ đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Hằng năm, cơ sở cần chủ động thực hiện nghiêm túc việc báo cáo công tác kiểm định chất lượng giáo dục về cơ quan trực tiếp quản lý theo đúng các thời điểm đã quy định. Thực hiện tốt nội dung công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; tổ chức và duy trì nền nếp, hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục và trở thành hoạt động thường xuyên hàng năm của nhà trường.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

- Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục sẽ được thực hiện ra sao?

Sở GD&ĐT đã yêu cầu rất cụ thể đối với các phòng GD&ĐT huyện, thành phố nhiệm vụ tổng hợp, khai thác triệt để kết quả tự đánh giá của các trường và kết quả đánh giá của đoàn đánh giá ngoài đã được đăng tải không khai trên website của Sở GD&ĐT làm cơ sở cho việc xây dựng, quản lý lộ trình và lập kế hoạch tổng thể về phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia và đạt các cấp độ của chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trên địa bàn quản lý.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; chấn chỉnh, tháo gỡ những vướng mắc và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà trường trực thuộc thực hiện công tác tự đánh giá.

Theo dõi và tổng hợp hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài của các trường và gửi trình về Sở GD&ĐT vào 2 đợt: tháng 1 và tháng 7 hằng năm; đảm bảo mỗi đợt đều có ít nhất một trường cho mỗi cấp học, bậc học đăng ký đánh giá ngoài.

Các phòng GD&ĐT cũng có nhiệm vụ theo dõi và đôn đốc việc cam kết thực hiện kế hoạch cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục của các trường trực thuộc (kể cả các trường đã đạt cấp độ và chưa đạt cấp độ chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục); gắn kết với công tác thi đua trong từng năm học. Thực hiện các báo cáo về công tác này theo đúng quy định.

Đồng thời, tích cực và chủ động tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan quản lý cấp trên trong việc tạo điều kiện đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy nhà trường thực hiện kế hoạch cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục.

- Xin cảm ơn ông!

"Kiểm định chất lượng giáo dục hướng tới việc giao quyền tự chủ về chất lượng giáo dục cho các nhà trường. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục là cơ sở để các cấp chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục và xã hội thực hiện việc giám sát, hỗ trợ nhà trường duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện chủ trương không thanh tra toàn diện các nhà trường mà chuyển thành hoạt động đánh giá ngoài" - ông Nguyễn Bá Ninh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ