Hiệu trưởng trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT

GD&TĐ - Tham luận tại Hội thảo quốc tế "Phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Xu hướng Việt Nam và thế giới", TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Học viện Quản lý Giáo dục - nhấn mạnh: Phát triển hiệu trưởng trường phổ thông Việt Nam hiện nay cần cần gắn với bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo.

Phát triển hiệu trưởng trường phổ thông Việt Nam hiện nay cần cần gắn với bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo. Ảnh minh họa/internet
Phát triển hiệu trưởng trường phổ thông Việt Nam hiện nay cần cần gắn với bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo. Ảnh minh họa/internet

Xác định các yêu cầu mới

Nhà trường và quản lý nhà trường trong thế kỷ 21 đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức mới ở người hiệu trưởng. Cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới, hiệu trưởng trường học Việt Nam phải được lựa chọn theo các tiêu chuẩn cụ thể, được cập nhật theo yêu cầu của sự phát triển hệ thống giáo dục, phát triển xã hội.

Theo đó, cần xác định các yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, phát triển giáo dục để xác định yêu cầu đổi mới đối với hiệu trưởng trường học.

Theo Nghị quyết số 29 NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và một số quy định mới về cập nhật, bổ sung chuẩn nghề nghiệp giáo viên, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý, đổi mới chương trình giáo dục cho thấy, các yêu cầu mới đối với hiệu trưởng trường học là:

Thứ nhất, hiệu trưởng phải có năng lực triển khai chương trình sách giáo khoa mới (triển khai dạy học phân hóa, dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học…);

Hai là, hiệu trưởng phải có năng lực quản lý, phát triển đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp và chuẩn chức danh nghề nghiệp; Bà là, hiệu trưởng phải có năng lực quản trị trường học…

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, cần nghiên cứu điều chỉnh hiệu trưởng trường phổ thông cho phù hợp với giai đoạn mới; quan tâm đến việc sử dụng chuẩn hiệu trưởng theo đúng các mục đích đặt ra, tổ chức quy trình đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn khách quan, khoa học dựa trên các nguồn thông tin đa dạng và minh chứng rõ ràng; Cung cấp thông tin phản hồi tích cực để giúp hiệu trưởng tự điều chỉnh và phát triển bản thân;

Ngoài ra, phát triển các chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng theo hướng cập nhật các vấn đề mới về quản trị trường học, tham khảo chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng của các nước trên thế giới.

Cần bồi dưỡng cho hiệu trưởng về năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh minh họa/internet
Cần bồi dưỡng cho hiệu trưởng về năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh minh họa/internet

Phát triển năng lực của hiệu trưởng

TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh lưu ý bồi dưỡng cho hiệu trưởng về năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Năng lực quản lý đội ngũ theo chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; Năng lực ngoại ngữ và tiếng dân tộc cho hiệu trưởng trường phổ thông công tác ở vùng dân tộc nói riêng; Năng lực sử dụng tin học trong quản lý; Năng lực quản trị nhà trường, tăng cường khả năng thích ứng cho hiệu trưởng trong bối cảnh đổi mới;

Cùng với đó cần đa dạng hóa các phương thức bồi dưỡng hiệu trưởng; trong đó chú ý triển khai các phương thức học tập, phát triển trí thông minh cảm xúc cho người học để họ ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong điều hành nhà trường thích ứng trước những thay đổi của xã hội, của đất nước, của giáo dục.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - nhấn mạnh: Trong tổ chức hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng, cần phải phát triển ở họ: Khả năng tự nhận thức. Đó là sự thấu hiểu sâu sắc, biết tự nhận thức về những điểm yếu và điểm mạnh, nhu cầu, giá trị và mục tiêu của bản thân.

Tiếp đến là khả năng tự điều chỉnh bản thân. Biết kiểm soát cảm xúc và có thể chuyển chúng thành trạng thái tích cực; Khả năng cảm thấy thoải mái với các thách thức và khả năng thích ứng với cái mới.

Biết tự tạo động lực. Khao khát thành công, được dẫn dắt bởi các yếu tố bên trong hơn ở bên ngoài, liên tục phấn đấu đạt được sự tiến bộ. Biết đồng cảm: Luôn luôn quan tâm đến cảm xúc của người khác, biết lắng nghe, nắm bắt cảm xúc của những người xung quanh, cùng với các khía cạnh khác khi đưa ra các quyết định.

Cuối cùng là phát triển kỹ năng xã hội: Thân thiện, có mục đích, giỏi trong việc tìm ra những điểm chung và xây dựng quan hệ, là người kết nối mọi người, có khả năng thuyết phục và cộng tác tốt; có khả năng thích ứng tốt với sự thay đổi.

Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý thuộc các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Tiến hành xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn nghề nghiệp giảng viên, các chương trình tự bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên.

Xây dựng các quy định gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên với thực tiễn giáo dục phổ thông, thực hiện trao đổi khoa học và giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng chuẩn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ