Hiệu trưởng sẽ bị kỉ luật nghiêm khắc nếu để xảy ra tình trạng lạm thu

GD&TĐ - Trong năm học mới 2018-2019, nếu để xảy ra tình trạng lạm thu, ngoài việc phải trả lại khoản thu sai quy định, hiệu trưởng nhà trường sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Hiệu trưởng sẽ bị kỉ luật nghiêm khắc nếu để xảy ra tình trạng lạm thu

Đó là yêu cầu của lãnh đạo thành phố Hà Nội nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng lạm thu gây bức xúc trong xã hội diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn thủ đô.

Năm học 2018-2019 là năm học đầu tiên các trường mầm non và phổ thông công lập tại Hà Nội áp dụng mức thu học phí mới với mức thu tăng hơn so với năm học trước.

Đối với học sinh khu vực thành thị là 155.000 đồng/ 1 tháng/ 1 học sinh (tăng 45.000 đồng); đối với học sinh khu vực nông thôn là 75.000 đồng (tăng 20.000 đồng); đối với học sinh khu vực miền núi là 19.000 đồng (tăng 5.000 đồng).

Việc thu, chi học phí được thực hiện với các quy định rõ ràng, công khai. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại quan tâm vấn đề nhà trường hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động quyên góp để mua sắm, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị bằng nhiều cách thức dưới hình thức "tự nguyện".

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND yêu cầu các nhà trường chấm dứt việc thu, chi các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường.

Vậy, trong trường hợp có nhà hảo tâm muốn ủng hộ kinh phí hoặc trang thiết bị để hỗ trợ việc dạy và học cho nhà trường thì sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Nếu phụ huynh, các nhà hảo tâm có nguyện vọng tài trợ (bằng tiền hoặc hiện vật), nhà trường áp dụng theo các quy định của Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, quy định về "tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân".

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, các nhà trường có thể khuyến khích nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị dạy, học, song phải tuân theo nguyên tắc không được coi việc huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục.

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản, yêu cầu các trường tuân thủ danh mục các khoản thu ngoài học phí đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, bao gồm dạy thêm, học thêm, nước uống, học 2 buổi/ ngày, học phẩm, quần áo đồng phục.

UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phê duyệt bằng văn bản về mức thu khác của các trường học trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Các trường chỉ được tổ chức thu khi đã có sự phê duyệt của cơ quan quản lý và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã quy định rõ về trách nhiệm của hiệu trưởng đối với hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm tránh hiện tượng lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu nhiều, thu sai.

Hiệu trưởng không thể để ban đại diện cha mẹ học sinh tự ý lập các loại quỹ hoặc không biết ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động thu góp những khoản ra sao, để làm gì.

Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu, chi sai quy định của nhà trường và của cả ban đại diện cha mẹ học sinh. Ngoài việc phải trả lại khoản thu sai quy định, hiệu trưởng nhà trường sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Năm học 2018-2019, Hà Nội yêu cầu tất cả các trường học không được thực hiện hoặc đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu khác từ học sinh, cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào.

Cũng từ năm học 2018-2019, các nhà trường không được phép tùy tiện lập các loại quỹ hoặc để ban đại diện cha mẹ học sinh lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ