Hiệu quả từ dạy học theo giáo dục STEM

GD&TĐ - Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) vừa phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM tổ chức buổi báo cáo kết quả thực hiện dự án dạy học theo định hướng giáo dục STEM với chủ đề “Chứng tích da cam” có sự kết hợp của 5 bộ môn Lịch sử, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học và Sinh học. Dự án nhận được nhiều sự khen ngợi của quý thầy cô đến từ nhiều trường trên địa bàn cũng như đánh giá cao của Sở GD&ĐT TP.

Hiệu quả từ dạy học theo giáo dục STEM

Trải nghiệm thú vị của học sinh

Theo chia sẻ của cô Đồng Thị Kim Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bắt tay vào thực hiện dự án, học sinh đã được chia thành nhiều nhóm nhỏ, dưới sự hướng dẫn của giáo viên tham gia vào các hoạt động như đi tìm hiểu hình ảnh thực tế và phỏng vấn khách tham quan tại bảo tàng, viết các bài thuyết trình, thiết kế web, tờ rơi, poster (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) trình bày cảm nghĩ của bản thân về sự tàn khốc của chiến tranh, những thiệt thòi, mất mát của những người dân đang gánh chịu từ ảnh hưởng của chất độc dioxin.

Ngoài ra, các em còn được tham gia nhiều hoạt động phát huy tính sáng tạo, chủ động như dựng hoạt cảnh múa đương đại truyền đi thông điệp vượt qua nỗi đau; vẽ và thiết kế bộ áo dài có tên “Mầm xanh cuộc sống”; viết sách về thành phần hóa học, sự ảnh hưởng và tàn phá khủng khiếp của chất độc này lên cơ thể người, bán cho khách tham quan lấy tiền gây quỹ từ thiện giúp các gia đình có nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc dioxin, thực hiện các đoạn phim tư liệu, phóng sự ngắn về cuộc sống hiện tại của gia đình các nạn nhân...

Qua gần 2 tháng thực hiện, với sự tham gia của hơn 400 học sinh khối 12, các em tỏ ra rất háo hức khi tổ chức buổi báo cáo tổng kết và chia sẻ những điều thú vị qua quá trình học tập trải nghiệm của mình.

Theo các em, từ trước đến nay, được nghe các thầy cô nói rất nhiều về tác hại của chất độc dioxin nhưng chỉ khi các em được nhìn tận mắt khi tham quan bảo tàng cũng như được trò chuyện, giao lưu với anh Nguyễn Đức (một nạn nhân chất độc dioxin), mới hiểu hết sự tàn khốc của các di chứng chiến tranh. Để từ đó thông cảm, thấu hiểu cũng như mong muốn được làm điều gí đó xoa dịu đi nỗi đau ấy.

“Học qua dự án tại bảo tàng, kiến thức các môn học đến gần hơn, cụ thể hơn với chúng em, nó vượt ra khuôn khổ kiến thức SGK. Bên cạnh đó, chúng em học được rất nhiều giá trị sống như tính nhân văn, sức lan tỏa từ những nghĩa cử đẹp, biết quan tâm, chia sẻ trong cộng đồng”, em Nguyễn Ngọc Thảo Minh lớp 12D1 cho biết.

Ngoài bài học về nhân văn, theo các em, học tập qua dự án, các em được trau dồi rất nhiều kiến thức, kỹ năng, phát huy được sở trường của mình. “Thực ra khi các thầy cô chia sẻ về dự án này, chúng em rất háo hức. Thực hiện dự án, các bạn đều biết cách sắp xếp thời gian, phân công công việc, có trách nhiệm với việc mình được giao. Bên cạnh những kiến thức nền, em và các bạn phải tìm hiểu thêm nhiều tài liệu xung quanh dự án, rồi theo nhóm đến bảo tàng, tìm hiểu và phỏng vấn những vị khách nước ngoài, làm clip… Tụi em thấy mình trưởng thành hơn và rất thích thú với cách học mới mẻ này”, em Mai Lương Ngọc Hân lớp 12D1 chia sẻ.

Chủ động đổi mới dạy, học

Được biết, kể từ đầu năm học 2017 - 2018, Trường THPT Lê Quý Đôn đã chủ động áp dụng định hướng giáo dục STEM cho việc dạy học của nhà trường.

Không chỉ áp dụng với bộ môn khoa học tự nhiên, mà tổ khoa học xã hội của trường đã đưa các môn học vào với cách gọi định hướng STEM để lồng ghép cho các em kiến thức sâu, rộng hơn, xâu chuỗi lại với nhau từ những kiến thức nền các em đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn. Đây là ý tưởng mới mẻ và cho thấy sự chủ động, linh hoạt của các giáo viên nhà trường trong việc đổi mới dạy học.

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng GD Trung học Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, đưa giáo dục STEM vào dạy học các môn Lịch sử, Ngữ văn, Ngoại ngữ là một trong những nỗ lực rất đáng ghi nhận của nhà trường. Việc vận dụng phương pháp giáo dục STEM vào nhiều môn học, tạo ra sản phẩm cụ thể, qua đó giúp học sinh liên hệ kiến thức học được trong nhà trường áp dụng vào cuộc sống, đồng thời phát triển các kỹ năng, phương pháp làm việc nhóm là một trong những cách phát triển toàn diện giáo dục.

Từ dự án của Trường Lê Quý Đôn, ông Phạm Ngọc Tiến gợi ý, các trường có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động như tìm hiểu chất độc dioxin xưa và nay, đặt ra nhiều câu hỏi liên hệ thực tế như trong xã hội hiện đại chất độc này còn được sản xuất không, quốc gia sản xuất và lưu hành chất độc này phải có trách nhiệm gì với các nước bị ảnh hưởng. Ngoài ra, để việc dạy học gắn với thực tế, ngoài việc tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu tại bảo tàng, trường học có thể cho các em tìm hiểu thực tế xử lý tồn dư của chất độc này trong đất và nước tại những khu vực từng bị rải chất độc.

Cô Đồng Thị Kim Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, hoạt động định hướng giáo dục STEM, không chỉ giúp thầy và trò dạy tốt, học tốt mà đây còn là một sân chơi trí thức để phát triển năng lực và bồi dưỡng phẩm chất. Giá trị thu được không chỉ là những bài học cho bản thân học sinh mà còn là những nghĩa cử cao đẹp hướng đến cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ