Hàng loạt sinh viên bị cảnh cáo học vụ, buộc thôi học: Sai một ly, đi một dặm!

GD&TĐ - Vụ việc gần 800 sinh viên (SV) Trường ĐH Tài chính – Marketing TPHCM bị nhà trường cảnh cáo nguy cơ bị đuổi học vì chậm nộp bằng tốt nghiệp THPT một lần nữa gióng lên hồi chuông về ý thức của SV. 

Định hướng ngành nghề tốt cho học sinh chính là chìa khóa kéo giảm tỉ lệ SV bỏ học giữa chừng (Trong ảnh: Sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành say mê với ngành nghề mình đã chọn)
Định hướng ngành nghề tốt cho học sinh chính là chìa khóa kéo giảm tỉ lệ SV bỏ học giữa chừng (Trong ảnh: Sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành say mê với ngành nghề mình đã chọn)

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết trong số này có không ít trường hợp rơi vào diện cảnh cáo học vụ hoặc buộc thôi học.

Chọn sai ngành và ý thức kém

Hằng năm, số lượng SV bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học tập tại các trường không hề nhỏ, bình quân tỉ lệ này từ 10 - 15%. Cá biệt có trường tỉ lệ SV bỏ học hoặc bị đình chỉ học tập vì thiếu cố gắng, ý thức kém trong học tập lên tới 23%.

Đầu năm 2018, Trường ĐH GTVT TPHCM buộc phải ra thông báo cảnh cáo học vụ 2.135 SV, trong đó có 257 SV bị buộc thôi học vì không bảo đảm tiến trình và tín chỉ tích lũy học tập. Đặc biệt, những SV bị cảnh cáo học vụ đều có điểm trung bình tích lũy dưới 2,5 điểm. Tương tự, đầu tháng 10/2018, Trường ĐH Luật TPHCM đã công bố danh sách 169 SV các lớp chính quy văn bằng một và hai, dự kiến bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ một năm hoặc buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém năm học 2017 - 2018. Trong đó, 79 SV chính quy bị cảnh cáo học vụ, 71 SV chính quy (trong đó có 22 sinh viên văn bằng hai) bị buộc thôi học.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) cũng công bố danh sách SV bị cảnh cáo học vụ học kỳ 2 năm học 2017 - 2018 với số lượng SV bị cảnh cáo học vụ lên tới 522 SV.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hướng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TPHCM, nguyên nhân chính khiến SV lơ là học tập, rơi vào việc cảnh cáo học vụ hoặc nguy cơ bị đuổi học phần nhiều là do ý thức học tập của các em chưa cao, bên cạnh đó có một số lượng không nhỏ SV chán ngành nghề mình đang học nên bỏ học.

Thực tế, SV chọn sai ngành rồi bỏ ngang là không hiếm. Điển hình như em Nguyễn Văn Đạt (quê Đắk Lắk), cựu SV Trường ĐH GTVT TPHCM nghỉ học khi bước chân vào học kỳ 1 của năm học cuối cùng. Lý do Đạt quyết định bỏ học là cảm nhận cá nhân em thấy ngành em đang theo học (ngành Kỹ thuật tàu biển) không phù hợp với mình. “Em quyết định lựa chọn lại con đường cho mình dù đã mất gần 4 năm học tập. Đại học bây giờ không phải là con đường duy nhất để lập thân và đi đến thành công. Em sẽ lựa chọn một nghề thật sự phù hợp với năng lực của bản thân làm hành trang vào đời”, Đạt chia sẻ.

Cần có định hướng và lựa chọn đúng

Thực tế, tình trạng SV chán nản, bỏ học sau năm thứ nhất không chỉ xuất hiện ở các trường ĐH ngoài công lập, các trường công lập top giữa mà thậm chí nhiều trường ĐH thuộc ĐHQG TPHCM cũng khá nhiều. Nếu như 5 năm về trước tình trạng SV nghỉ học giữa chừng vì lý do kinh tế khó khăn hoặc không thể đáp ứng nổi ngành nghề theo học thì hiện nay số lượng SV bỏ, nghỉ học với đủ lý do.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Ngoài nguyên nhân lựa chọn sai ngành nghề từ chính bản thân SV thì các trường cũng đang góp phần không nhỏ vào hiện tượng trên. Nhìn nhận từ thực tế và kinh nghiệm tuyển sinh, TS Trần Đình Lý cho rằng: Các trường cần phải cân nhắc với các tổ hợp xét tuyển mình đưa ra, bởi rất nhiều trường chọn những tổ hợp xét tuyển không cơ bản. Điều đó có thể mang đến thuận lợi cho thí sinh nhưng xét ở khía cạnh lâu dài với các trường lại là lợi bất cập hại.

“Các trường có thể tuyển đủ thí sinh mình cần thông qua nhiều tổ hợp xét tuyển, nhưng lại quên mất một điều, các em sẽ chán nản, bỏ học khi nhận biết được rằng ngành nghề mình theo học không phù hợp với bản thân, với đam mê và năng lực của mình. Ngoài số ít SV bước chân vào cánh cửa ĐH với tâm lý mượn trường làm điểm đỗ tạm thời trước khi đi du học, phần lớn SV bỏ học ngang còn lại có nguyên nhân không nhỏ do không tìm hiểu kỹ chuyên ngành mình học”, TS Lý phân tích.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thì cho rằng: Phần lớn học sinh chọn ngành học theo hiểu biết của mình về vị trí việc làm chứ chưa tìm hiểu năng lực bản thân có phù hợp không là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng.

“Thực tế, không nhiều SV biết mình có gì, muốn gì và cần học gì. Các em chỉ nghe nói, biết sơ sơ và chọn ngành, trường để có chỗ học. Các em cứ nhìn hình ảnh ở văn phòng, nghe nói việc làm có thu nhập cao và chọn lựa ngành nghề theo xu hướng đó mà bỏ quên các yếu tố sở thích, đam mê, năng khiếu của mình khi chọn ngành… Để rồi hết một học kỳ, các em mới thấy mình chọn nhầm, khi đó mới tìm hiểu về ngành nghề rồi vỡ mộng…”, ThS Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Trước thực tế đó, ThS Phạm Thái Sơn nhìn nhận ngoài công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh một cách tốt hơn, kỹ càng hơn thì các trường ĐH cũng cần gia tăng các giải pháp quản lý, nhắc nhở cho SV và gia đình về kết quả học tập của SV. ThS Phạm Thái Sơn cũng cho rằng các trường ĐH cần chú trọng hơn đến việc hướng dẫn phương pháp nghiên cứu cho tân SV, giúp các em có thêm đam mê trong học tập. Song song với đó, cần tạo ra nhiều sân chơi học thuật, các buổi nói chuyện với diễn giả về ngành học, xây dựng không gian học tập, tạo hứng thú giữa việc học và hành bên cạnh công tác tư vấn đầu ra cho SV, từ đó thúc đẩy động lực học tập cho SV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ