Hải Dương hướng dẫn đánh giá nội dung giáo dục địa phương đối với lớp 6

GD&TĐ - Ngày 26/1, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Lương Văn Việt đã ký văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện Chương trình giáo dục địa phương ở lớp 6, năm học 2021 – 2022.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Sở GD&ĐT yêu cầu, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch dạy học Chương trình giáo dục địa phương lớp 6, thực hiện trong học kỳ II, năm học 2021 - 2022.

Tổng thời lượng của Chương trình là 35 tiết; trong đó có 32 tiết thực dạy và tổ chức các hoạt động trải nghiệm; 3 tiết ôn tập, kiểm tra đánh giá. Mỗi chủ đề cần tối thiểu là 6 tiết, tối đa 7 tiết.

Các trường phân công giáo viên có chuyên môn Lịch sử, Địa lý và Ngữ văn giảng dạy các chủ đề của Chương trình. Thực hiện Chương trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện của đơn vị, không yêu cầu thực hiện các chủ đề theo thứ tự của tài liệu.

Nội dung giáo dục của địa phương là môn học đánh giá bằng nhận xét. Kết quả học tập được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt, chưa đạt.

Về đánh giá thường xuyên, giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn hai lần đánh giá thường xuyên, phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch của tổ chuyên môn.

Về đánh giá định kì: Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Trong mỗi học kì, có một lần đánh giá giữa kì và một lần đánh giá cuối kì. Bài kiểm tra, đánh giá định kì có thể thực hiện dưới nhiều hình thức: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính, thời gian làm bài là 45 phút), bài thực hành, dự án học tập; khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.

Về đánh giá kết quả học tập của học sinh: Trong một học kì, kết quả học tập của học sinh được đánh giá theo một trong hai mức: Đạt, chưa đạt. Cụ thể: Mức Đạt: Có đủ số lần kiểm tra, đánh giá theo quy định và tất cả các lần được đánh giá mức Đạt.  Mức chưa đạt là các trường họp còn lại.

Cả năm học, kết quả học tập của học sinh được đánh giá theo một trong hai mức: Đạt, chưa đạt. Cụ thể: Mức Đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức Đạt; Mức chưa đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức chưa đạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ