Hà Nội: Nhân rộng Mô hình trường học mới

GD&TĐ - Nhận thấy Mô hình trường học mới (VNEN) có nhiều ưu điểm nổi trội và có tính khả thi cao, góp phần làm thay đổi căn bản giáo dục, đào tạo trong các nhà trường, năm học 2015 – 2016, Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trương nhân rộng thí điểm mô hình này ở 100% các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố.

Hà Nội:  Nhân rộng Mô hình trường học mới

Bước chuyển biến mạnh mẽ

Là trường đầu tiên của Hà Nội áp dụng thí điểm Mô hình VNEN, đến nay sau 3 năm triển khai thực hiện, Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì) đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động giáo dục. Điều đáng nói là, VNEN đã có tác động tích cực đến đổi mới phương pháp pháp giảng dạy và học tập của giáo viên cũng như là học sinh. 

Theo, cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường, điểm nổi bật của mô hình VNEN đó chính là sự đổi mới của quá trình sư phạm. Mô hình áp dụng phương pháp dạy học mới thay thế phương pháp dạy truyền thống. Cụ thể học sinh sẽ giữ vai trò trung tâm còn giáo viên là người hướng dẫn, đồng hành các em, giúp các em tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học ở lớp. Nói cách khác, vai trò của giáo viên được chuyển từ trung tâm phát ngôn sang vai trò của trung tâm điều khiển. 

Trong quá trình làm việc nhóm, giáo viên có nhiệm vụ hỗ trợ, giải đáp khó khăn khi học sinh yêu cầu hoặc kiểm tra, đánh giá khi học sinh hoàn thành công việc.

Cũng theo cô Nga, qua kiểm tra, chất lượng học tập của các lớp VNEN tốt hơn so với các lớp bình thường. Ở những lớp học VNEN, khả năng tiếp thu bài học và tốc độ làm bài kiểm tra của học sinh nhanh hơn nhiều so với những em học theo lớp học truyền thống. Ngoài việc đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản của môn học, học theo VNEN, học sinh còn được hình thành và phát triển năng lực tự học. Ngoài ra những em này khả năng hợp tác khi học nhóm cũng rất tốt. Các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp.

Biến học sinh thành con người mới

Là người trực tiếp dạy lớp học VNEN, cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên Trường Tiểu học Tả Thanh Oai nhận xét: Học sinh các lớp VNEN chủ động hơn, biết xây dựng kế hoạch, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô qua các hòm thư, nhịp cầu bè bạn.... 

Đặc biệt, các em đã hình thành được một số năng lực, phẩm chất cần thiết cho cuộc sống hàng ngày và một số kỹ năng mềm cho việc học tập. Chẳng hạn như: Các em đã biết tự phục vụ, tự quản và phát triển năng lực tự đánh giá, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh. Khi làm việc nhóm, các em trao đổi với nhau, điều này giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp, chia sẻ kiến thức, cùng nhau xây dựng bài học và tìm cách giải quyết vấn đề. Đồng thời, các em được tăng cường kĩ năng biểu đạt tình cảm và hỗ trợ nhau trong làm việc. Các em cũng biết cách nghiên cứu tài liệu, tra cứu thông tin…

Còn cô Nguyễn Thị Hương Giang – giáo viên Trường Tiểu học Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), bày tỏ sự tâm đắc của mình khi được trực tiếp dạy lớp học VNEN: “Học theo VNEN, không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng, thân thiện và kết quả học tập, chất lượng giáo dục được cải thiện. 

Đáng ghi nhận là các em đã phát triển rất tốt năng lực tự học, kỹ năng giao tiếp và hợp tác tích cực trong hoạt động nhóm. Ngoài ra, học sinh có nhiều cơ hội độc lập suy nghĩ, tư duy, bộc lộ ý kiến riêng và có nhiều cơ hội phát huy năng lực hợp tác khi học nhóm. Khi đó các em được tranh luận, biết tự đánh giá bản thân và đánh giá các bạn khác.

“Nhiều em học sinh đã thể hiện được khả năng của mình khi điều hành nhóm hoặc điều hành tập thể lớp thông qua vai trò nhóm trưởng và Chủ tịch Hội đồng tự quản. Các em cũng có thể hướng dẫn các bạn khác học, thay cho việc tổ chức hướng dẫn của cô giáo như trước đây. Một điều dễ nhận thấy đó là, học sinh đã mạnh dạn, tự tin, linh hoạt và sáng tạo hơn trong học tập. Các em đã quen dần với phương thức tư duy độc lập và phát hiện kiến thức mới. Nhiều em đã mạnh dạn trình bày thắc mắc, những điều chưa hiểu, chưa biết với cô giáo. Còn những em khá giỏi cũng biết cách hướng dẫn bạn một cách thân thiện, cởi mở. Nói chung, học theo VNEN, học sinh đã trở thành con người mới, sẵn sàng làm chủ kiến thức, làm chủ tương lai…” – cô Giang cho biết thêm.

VNEN đến với 100% quận, huyện, thị xã

Có thể nói, Mô hình VNEN đã làm “thay da đổi thịt” cho các trường tiểu học nói chung và giáo viên, học sinh nói riêng. Điều quan trọng là học sinh đích thực được thụ hưởng một nền giáo dục hiện đại mà ở đó các em thực sự là trung tâm của lớp học. Đây chính là lý do vì sao, Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định nhân rộng thí điểm VNEN ở 100% các quận, huyện, thị xã trong năm học 2015 – 2016 tới đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Quan điểm của Sở là, tất cả các trường tiểu học đều có thể áp dụng và nhân rộng Mô hình trường học mới theo 1 trong 2 hình thức như: Áp dụng thí điểm ở một số khối lớp hoặc một số lớp của từng khối (mỗi khối lớp (tối thiểu là hai lớp) trong nhà trường) và áp dụng toàn trường cho tất cả khối lớp (từ khối 2 đến khối 5) theo mô hình VNEN như Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì) đã thực hiện.

Cũng theo ông Tiến, đây là mô hình đang trong giai đoạn thí điểm, do đó tùy theo điều kiện của từng địa phương, các trường có thể áp dụng từng phần của Mô hình VNEN hoặc áp dụng toàn bộ Mô hình VNEN. 

Nội dung áp dụng của mô hình này gồm: cơ sở vật chất lớp học sắp xếp theo mô hình hoạt động nhóm, có góc học tập, góc thư viện, góc cộng đồng, trang trí theo chủ điểm thân thiện với học sinh; Tổ chức và quản lý lớp học theo Hội đồng tự quản và các Ban tự quản của học sinh; Tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục; Thực hiện chương trình, tài liệu, sách hướng dẫn và sách giáo khoa theo hướng dẫn của Dự án Mô hình VNEN do Bộ GD&ĐT chỉ đạo và triển khai.

“Trong quá trình dạy học ở các lớp VNEN, giáo viên không đóng vai trò là chủ thể truyền đạt kiến thức mà là người giao việc, tổ chức hoạt động học tập, tư vấn, giám sát. Giáo viên cũng không phải soạn giáo án, nhưng thay vào đó giáo viên phải thường xuyên quan sát từng hoạt động của học sinh để có những đánh giá và hỗ trợ kịp thời cho các em”.

Cô Nguyễn Thị Thúy – giáo viên Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ