Gợi ý chính sách tự chủ tài chính ĐH

GD&TĐ - Nhóm nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam do GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Trường ĐH Kinh tế TPHCM - làm chủ nhiệm đã nghiên cứu các chính sách tự chủ tài chính ĐH từ một số quốc gia phát triển ở châu Âu, châu Úc và châu Á nhằm tìm ra thông lệ tốt, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, đồng thời nên gợi ý để các nhà hoạch định đưa ra các quyết sách có vai trò định hướng và mở rộng tự chủ tài chính mang tính thực chất, tạo điều kiện cho hệ thống ĐH Việt Nam phát triển bền vững.

Tự chủ tài chính trong GDĐH được thực hiện sâu rộng tại các quốc gia châu Âu
Tự chủ tài chính trong GDĐH được thực hiện sâu rộng tại các quốc gia châu Âu

Các quốc gia phát triển ở châu Âu và châu Úc

Ở châu Âu, ngoại trừ Đảo Síp (Cyprus), Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia còn lại trong Liên minh Châu Âu (EU) đều nhận được nguồn ngân sách cơ bản từ chính phủ dưới hình thức gói tài trợ (block grant). Gói tài trợ được hiểu là nguồn tài trợ về tài chính (financial grant) phục vụ cho một số hoạt động của trường ĐH như giảng dạy, quản trị và nghiên cứu khoa học. Thông thường, chính phủ cung cấp các gói tài trợ có thời hạn một năm, một số trường hợp ngoại lệ có thời hạn lâu hơn như Áo (ba năm) và Luxembourg (bốn năm). Bên cạnh đó, nguồn ngân sách tài trợ này còn được điều chỉnh tùy thuộc vào việc trường ĐH đạt hay không đạt các chỉ tiêu hoạt động hàng năm, chẳng hạn như nguồn tài trợ của Anh và Estonia phụ thuộc vào việc trường ĐH có hay không đạt chỉ tiêu tuyển sinh hoặc tốt nghiệp hàng năm.

Hành lang pháp lý tự chủ tài chính của các trường ĐH tại các quốc gia trên thế giới do chính phủ ban hành thường nhắm đến hai tiếp cận chính sách gồm: Chính phủ đảm bảo các tài trợ công chiến lược nhưng vẫn cắt giảm nguồn ngân sách tài trợ nhằm tạo động lực/áp lực cho trường ĐH nỗ lực tìm kiếm nguồn thu và sử dụng hiệu quả nguồn thu; Nới lỏng các chính sách tạo nguồn thu và đa dạng hóa nguồn thu để ĐH có khả năng đầu tư và phát triển bền vững. 

Trường ĐH có thể tự chủ phân bổ nguồn ngân sách tài trợ này ở một số quốc gia tiêu biểu như Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Anh. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác thì các gói tài trợ được quy định chỉ phục vụ cho những lĩnh vực cụ thể của trường ĐH; chẳng hạn như giảng dạy và nghiên cứu ở Iceland và Thụy Điển, lương và chi phí hoạt động ở Bồ Đào Nha, đầu tư, lương và chi phí hoạt động ở Pháp.

Hoặc như trường hợp của Cộng hòa Séc, chính phủ quy định 80% gói tài trợ phải sử dụng cho mục đích giảng dạy và 20% còn lại cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Tương tự, từ năm 2003, Hà Lan cũng xây dựng mô hình trường ĐH tự chủ (self-owning institution), mà theo đó chính phủ phân bổ ngân sách tài trợ cho các trường ĐH cụ thể, quy định các hoạt động mà trường ĐH cần triển khai, nhằm thực hiện những mục tiêu phát triển mà nền giáo dục cần hướng đến.

Mỗi trường ĐH sẽ ký một hợp đồng phát triển có thời hạn ba năm cùng với một số chỉ tiêu cần đạt được và chủ yếu là phần trăm tăng trưởng của các yếu tố đầu ra từ trường ĐH. Như vậy, có thể thấy rằng Chính phủ vẫn giữ vai trò kiểm soát mục đích/lĩnh vực mà các trường ĐH sử dụng gói tài trợ, hoặc quy định việc phân bổ gói tài trợ của các trường ĐH, nhưng điểm tiến bộ là gói tài trợ này gắn với kết quả hoạt động của trường ĐH.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, chính phủ của các quốc gia phát triển cũng có cơ chế phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước theo các tiêu chuẩn khác nhau. Ở Úc, căn cứ theo khung chất lượng nghiên cứu khoa học được ban hành năm 2004, Chính phủ sẽ đánh giá thành tích nghiên cứu khoa học của trường ĐH theo thang năm điểm trên hai nhóm chỉ tiêu là: Chất lượng của công trình nghiên cứu khoa học; ảnh hưởng của công trình nghiên cứu khoa học. Dựa trên kết quả đánh giá này, chính phủ sẽ điều chỉnh nguồn ngân sách tài trợ nghiên cứu khoa học cho từng trường ĐH theo từng năm. Ở Anh, từ năm 1989, chính phủ ban hành quy chế đánh giá nghiên cứu khoa học (Research Assessment Exercise - RAE) đối với trường ĐH để làm cơ sở cho việc phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước.

Theo quy chế này, Chính phủ thành lập một hội đồng bình duyệt đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học của các trường ĐH trong giai đoạn 1989 - 2000, áp dụng thang điểm 7 từ năm 2001, hoặc từ năm 2008 là phân nhóm kết quả nghiên cứu khoa học theo năm mức độ tiêu chuẩn gồm: Hàng đầu thế giới (world-leading), tương đương 4 sao; quốc tế xuất sắc (internationally excellent), tương đương 3 sao; quốc tế (international), tương đương 2 sao; quốc gia (national), tương đương 1 sao; không xếp loại (unclassified), tương đương 0 sao.

Thêm vào đó, các tiêu chí này cũng được áp dụng vào ba khía cạnh khác của thành tích nghiên cứu gồm: Đầu ra của nghiên cứu khoa học (research output), ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học (esteem), môi trường nghiên cứu khoa học (research environment). Tuy hoạt động đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học tiêu tốn nhiều nguồn lực của chính phủ về con người và của cải, nhưng mục tiêu chung vẫn là hướng việc phân bổ ngân sách Nhà nước một cách hợp lý cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường ĐH.

Tự chủ phân bổ nguồn tài chính giúp các trường ĐH phát triển mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu
Tự chủ phân bổ nguồn tài chính giúp các trường ĐH phát triển mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu 

Các quốc gia châu Á

Nhìn chung, phương pháp tiếp cận đối với tự chủ tài chính ĐH của tại các quốc gia châu Á có nhiều nét tương đồng với các quốc gia phát triển ở châu Âu và châu Úc. Đối với các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, động lực để chính phủ triển khai tự chủ tài chính là: Thúc đẩy các trường ĐH đa dạng hóa nguồn thu từ tư nhân để hỗ trợ cho hoạt động chung của trường ĐH bên cạnh các gói tài trợ công có chủ đích; giảm dần các tài trợ thường xuyên và nâng cao khả năng quản lý tài chính của trường ĐH hiệu quả hơn. Để đẩy mạnh tự chủ tài chính, các nhà làm chính sách của các quốc gia trên đã ban hành các chính sách với các nội dung vừa cắt giảm ngân sách Nhà nước chi cho trường ĐH vừa cho phép trường ĐH chủ động tìm kiếm nguồn thu mới, điều chỉnh chi tiêu và quản lý tài chính hiệu quả.

Một trong những chính sách được các quốc gia châu Á áp dụng rộng rãi để khuyến khích/thúc đẩy tự chủ tài chính là thắt chặt ngân sách Chính phủ tài trợ cho các trường ĐH. Bên cạnh việc cắt giảm ngân sách thì chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng các gói tài trợ hướng vào các mục tiêu cụ thể thay vì cấp phát ngân sách cho các trường ĐH theo cơ chế bao cấp hoàn toàn như trước đây. Việt Nam cũng sử dụng các gói tài trợ thông qua các chương trình cụ thể, tuy nhiên những gói tài trợ này rất hạn chế đặc biệt là các trường đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động từ năm 2014 theo Nghị quyết 77. Xu hướng cắt giảm chi tiêu ngân sách cho giáo dục kết hợp với gói tài trợ giới hạn đều là những công cụ để Chính phủ vừa cắt giảm ngân sách chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục ĐH vừa tạo áp lực để các trường ĐH tối ưu hóa quản lý tài chính.

Trung Quốc giai đoạn 1993 - 2001 triển khai các nội dung về tự chủ tài chính ĐH theo chương trình cải cách và phát triển giáo dục (Program for Education Reform and Development in China) vào năm 1995 và Luật Giáo dục ĐH (Higher Education Law) vào năm 1998. Hệ quả là chi hàng năm ngân sách Chính phủ Trung Quốc cho giáo dục ĐH trong giai đoạn trên giảm từ 83% xuống còn 53%.

Trường hợp Indonesia, năm 2000, bốn trường ĐH gồm Universitas Indonesia Jakarta (UI), Institute of Agriculture Bogor (IPB), Institute of Technology Bandung (ITB), và Universitas Gadjah Mada (UGM) được chính phủ chọn để thí điểm mô hình tự chủ học thuật và tài chính. Theo đó, nguồn tài trợ của chính phủ chỉ phân bổ cho một số lĩnh vực đào tạo theo hình thức ngân sách định kỳ chứ không bao cấp hoàn toàn về ngân sách như thời gian trước đó.

Lúc này, Chính phủ đóng vai trò là một cơ quan cấp vốn (funding agency), phân bổ từng gói ngân sách tài trợ dựa vào các yếu tố đầu ra như số lượng sinh viên tốt nghiệp hoặc kết quả các nghiên cứu công bố quốc tế. Ở Nhật Bản, trong giai đoạn 2004 - 2009, tỷ lệ nguồn tài trợ của Chính phủ trên tổng nguồn thu của ĐH Hiroshima giảm từ 49,6% xuống còn 38,6%, nguồn thu từ các khoản phí đã chiếm 60% nguồn thu của các trường ĐH tư nhân. Trong khi đó, nguồn tài trợ của chính phủ chỉ còn chiếm 12%.

Bài 2: Các chính sách tạo nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu của trường ĐH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.