Giáo viên vùng cao tự tin bắt nhịp phương pháp dạy học tích cực

GD&TĐ - Mặc dù điều kiện giáo dục còn những khó khăn, nhưng đội ngũ giáo viên các trường vùng miền núi của Thái Nguyên đang nỗ lực bắt nhịp, tự tin làm chủ phương pháp dạy học tích cực trong chương trình mới.

Giáo viên trường Tiểu học Sảng Mộc (Võ Nhai, Thái Nguyên) trao đổi, thảo luận về ứng dụng phương pháp dạy học tích cực với chương trình mới
Giáo viên trường Tiểu học Sảng Mộc (Võ Nhai, Thái Nguyên) trao đổi, thảo luận về ứng dụng phương pháp dạy học tích cực với chương trình mới

Chuẩn bị kĩ lưỡng cho triển khai chương trình mới

Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã hướng dẫn các đơn vị, nhà trường lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán của cấp học, các môn học để tham gia bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời triển khai hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng tại địa phương.

Các nhà trường đã tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn tại trường hoặc theo cụm trường; chọn bài, tổ chức dạy thử rút kinh nghiệm; tổ chức xem băng hình để nắm rõ hơn về quy trình, cách thức tổ chức dạy học từng môn; bồi dưỡng về phương pháp dạy học, nghiên cứu bài học, chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác và sử dụng thành thạo học liệu điện tử.

Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đảm bảo đủ các bước: Xây dựng bài học minh họa; tổ chức dạy học minh họa và dự giờ; phân tích bài học; vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hàng ngày.

Các cô giáo trường Tiểu học Số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) tích cực tương tác, hướng dẫn học trò lớp 1
Các cô giáo trường Tiểu học Số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) tích cực tương tác, hướng dẫn học trò lớp 1

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên đánh giá: “Kết quả thực tế ở khối lớp 1 cho thấy, học sinh mạnh dạn tự tin và có hứng thú hơn trong học tập. Các kỹ năng cơ bản như đọc, viết, nói và nghe của học sinh đều đạt ở mức cao hơn so với học sinh lớp 1 những năm trước. Giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tích cực đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình dạy học”.

Có thể nói, Thái Nguyên đã có năm học đầu tiên triển khai thành công cho khối lớp 1, với kết quả thành công, đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Một trong những yếu tố quan trọng để có được kết quả này chính là sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, giúp họ nhanh chóng tự tin bắt nhịp phương pháp dạy học mới, áp dụng phù hợp và hiệu quả trong thực tế.

Dạy học tích cực - sự chủ động của giáo viên

Đối với Thái Nguyên, bên cạnh các nhà trường nằm trên địa bàn điều kiện phát triển (TP Thái Nguyên, TP Sông Công), còn nhiều trường học nằm ở miền núi, vùng sâu, nhiều học sinh dân tộc thiểu số (nhất là tại các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương…). Để tiếp cận phương pháp dạy học mới của chương trình mới, đội ngũ giáo viên ở các vùng này đã cho thấy sự chủ động, nỗ lực lớn để áp dụng và triển khai đạt hiệu quả.

Tại huyện Võ Nhai, 100% hiệu trưởng các trường được tham gia hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), Sở GD&ĐT Thái Nguyên tổ chức; cử 64 cán bộ quản lý, giáo viên cốt tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa các môn học lớp 1 cấp tỉnh; 100% cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn huyện đã hoàn thành nội dung bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông mô đun 3 đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra.

Một giờ học lớp 1 của cô và trò của trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên)
Một giờ học lớp 1 của cô và trò của trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên)

“Học sinh lớp 1 được tiếp cận với việc học tập phát triển năng lực, phẩm chất nên các em có phần linh hoạt, sáng tạo. Năng lực hợp tác, giao tiếp của học sinh có sự vượt trội và học sinh thích thú, tích cực hoạt động. Thông qua đó học sinh tự chủ tiếp cận kiến thức và đạt kết quả tốt. Phẩm chất vốn có của học sinh cũng được bộc lộ rõ rệt thông qua các hoạt động mà giáo viên tổ chức. Sách giáo khoa giúp các em học sinh dễ dàng tự học ở nhà, việc ôn tập và củng cố cũng đạt hiệu quả cao” - bà Phan Thị Phương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Võ Nhai trao đổi.

Năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục Thái Nguyên đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng theo hình thức tập trung kết hợp với hình thức giáo viên tự bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) cho 100% cán bộ quản lí, giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới trước thời điểm triển khai áp dụng ở từng lớp theo lộ trình (Với tổng số hơn 5.900 giáo viên, đạt tỉ lệ GV/lớp là 1,52).

Là người trực tiếp dạy học khối lớp 1, cô giáo Hoàng Thị Tám (Trường Tiểu học Thần Sa, Võ Nhai) cho biết cả cô và trò đều thấy hứng thú với những phương pháp mới, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm có lồng ghép nội dung kiến thức với kỹ năng như các hoạt động ở CLB hát then, đàn tính, cờ vua… Dù chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, các em đã thể hiện được sự mạnh dạn trong giao tiếp, không còn rụt rè e ngại.

“Chính bản thân tôi cũng thấy mình tương tác với học trò tốt hơn, sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiệu quả hơn. Tôi cũng tự thấy mình mong muốn được khám phá, tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn” - cô giáo Hoàng Thị Tám chia sẻ.

Tại trường Tiểu học Số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), việc ứng dụng phương pháp dạy học tích cực trong chương trình mới của giáo viên diễn ra thuận lợi. “Chúng tôi có sự khảo sát thường xuyên theo tháng, theo kỳ, cuối năm học và trước khi vào năm học mới, qua đó nhận biết được mức độ tiếp nhận của học trò, kịp thời bồi dưỡng thêm để các em đảm bảo sự tiến bộ. Thực tế cho thấy việc áp dụng phương pháp mới với lớp 1 đạt kết quả tích cực” - cô giáo Trần Thị Đoàn, Hiệu trưởng nhà trường nhận định.

Qua thực tế dạy học trên lớp, cô giáo Trần Thị Thúy (trường Tiểu học Số 1 Nam Hòa) cho rằng: “Ngữ liệu trong chương trình mới khá sinh động, gần gũi, phù hợp với học trò. Giáo viên cũng được chủ động hơn trong việc điều chỉnh thực tế để sát với từng đối tượng trên lớp. Tôi tự thấy bản thân mình có cách nhìn nhận và tiếp cận cởi mở hơn, tương tác với học sinh nhiều hơn”.

Nhìn chung, theo đánh giá của nhiều giáo viên, học sinh lớp 1 không chỉ đọc thông, viết thạo mà còn mạnh dạn, linh hoạt để làm chủ hoạt động học. Các em được tham gia các hoạt động học nên sớm bắt nhịp vào môi trường giáo dục mới, chủ động trong việc học; với các phương pháp dạy học linh hoạt, nhiều trò chơi, ngoài sách giáo khoa, giáo viên sử dụng ngữ liệu gắn liền với cuộc sống nên các em tiếp cận kiến thức nhanh, hào hứng học tập và gần gũi với cô giáo; giờ học trở nên sinh động, sôi nổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ