Giáo viên Hà Nội tích cực xây dựng kho học liệu số

GD&TĐ - Trong những năm qua, ngành GD-ĐT Hà Nội đã tích cực xây dựng kho học liệu số với hàng nghìn bài giảng có chất lượng. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, kho học liệu này đã phát huy tác dụng.

Giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) tích cực xây dựng các bài giảng điện tử.
Giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) tích cực xây dựng các bài giảng điện tử.

Ngoài giờ học trực tuyến trên lớp, Nguyễn Phương Linh - học sinh Trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) và các bạn trong lớp thường dành thời gian để ôn luyện các bộ đề từ nhiều nguồn học liệu khác nhau. Đó có thể là bài tập tự luận môn Văn, Toán hay bài thi trắc nghiệm để học sinh tự làm ở nhà.

“Chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, em rất lo lắng nên thường chủ động tìm thêm các nguồn học liệu khác để tham khảo, trong đó có các bộ đề thi của các năm để luyện tập. Một số kênh, ngoài đề thi có cung cấp cả đáp án để học sinh có thể đối chiếu, học hiệu quả hơn”, Linh cho biết.

Cô Trương Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) cho hay: Khi chuyển từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến, nhà trường đã xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp, thay đổi phương thức giảng dạy, đa dạng hơn ngữ liệu bài học, tạo sự phong phú, sinh động, tăng thêm hứng thú với học sinh.

Để bài giảng trở nên phong phú, hấp dẫn, cuốn hút học sinh, các thầy cô thường xuyên tham khảo, sử dụng kho học liệu điện tử. Nhà trường cũng giới thiệu các bài giảng tiêu biểu, có chất lượng tốt lên website của trường để phụ huynh, học sinh cùng tham khảo. Một số bài giảng được lựa chọn đăng tải trên website của phòng và kho học liệu điện tử của thành phố.

Còn tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Long Biên), phong trào thiết kế bài giảng điện tử đặc biệt “nở rộ” trong năm học này. Trong tháng 10/2021, hàng chục bài giảng điện tử được các giáo viên xây dựng đưa lên website của trường. Phòng GD&ĐT quận Long Biên và Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn bài giảng có chất lượng đưa lên kho học liệu số của ngành.

Cô Nguyễn Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết: Xác định chuyển đổi số, xây dựng trường học số là khâu đột phá, biện pháp chính cần chú trọng triển khai trong năm học này, nhà trường đã trang bị phần mềm đồng bộ, kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực mang lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua nguồn học liệu này, học sinh dễ dàng tự nghiên cứu, rèn kĩ năng tự học để thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh.

Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, từ đầu năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội phát động phong trào đóng góp, chia sẻ học liệu điện tử phục vụ dạy học trực tuyến trong toàn ngành. Ngành GD-ĐT cũng giới thiệu kho học liệu điện tử HanoiStudy nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh tham khảo trong khi dạy học trực tuyến.

Kho học liệu điện tử HanoiStudy hiện có hàng nghìn bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử tương tác (e-learning), bài trình chiếu, đoạn phim (video clip), hình ảnh minh họa do nhà giáo tâm huyết và những người quan tâm đến ngành Giáo dục xây dựng và được sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT lựa chọn, kiểm tra thẩm định, bám sát chương trình giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...