Giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Tự hào phẩm chất, tài năng, trí tuệ

GD&TĐ - 194 nhà giáo và cán bộ quản lý được Bộ GD&ĐT tôn vinh, khen thưởng hôm nay là những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, tài năng, trí tuệ, đại diện cho hàng chục ngàn thầy cô giáo đang chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh khuyết tật trong cả nước.

Giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Tự hào phẩm chất, tài năng, trí tuệ

Các thầy cô đã và đang âm thầm đóng góp công sức, trí tuệ, tình yêu thương, sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ để các em được đến trường, được học tập và phát triển.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại Lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong Giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ ba tổ chức sáng nay (26/11) tại Hà Nội.

Những nỗ lực to lớn trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật, trong thời gian qua, toàn ngành Giáo dục đã có những nỗ lực to lớn trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về giáo dục khuyết tật, đặc biệt là giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật ngày càng hoàn thiện.

"Tại buổi gặp gỡ hết sức xúc động tại Phủ Chủ tịch chiều 25/11, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã biểu dương, khen ngợi, đánh giá cao những đóng góp xuất sắc, tình yêu thương trẻ, sự tâm huyết và sáng tạo của các thầy cô giáo dành cho các em học sinh khuyết tật" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.
Nhiều chính sách về giáo dục đối với học sinh khuyết tật, chính sách đối với giáo viên dạy học sinh khuyết tật được ban hành và thực hiện, tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật được đến trường; thúc đẩy sự phát triển của giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở nước ta.

Tỷ lệ huy động học sinh khuyết tật đi học ngày càng tăng. Có nhiều hình thức tổ chức lớp học linh hoạt với các đối tượng trẻ khuyết tậ khác nhau. Nhiều học sinh khuyết tật đã thành công, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Có được kết quả trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp tích cực của các bộ, ban ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể, sự chung tay góp sức của toàn xã hội; sự nỗ lực của ngành Giáo dục, đặc biệt là đóng góp công sức, trí tuệ, sự lao động miệt mài, bền bỉ, hy sinh thầm lặng, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu của các nhà giáo, cán bộ quản l ý làm nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Lễ tuyên dương
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Lễ tuyên dương  

Vượt mọi khó khăn bằng sự sẻ chia và tình yêu thương

“Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo”, nhưng cũng không ít những vất vả, nhọc nhằn. Chăm sóc, giáo dục học sinh bình thường đã khó, đối với học sinh khuyết tật lại càng khó khăn hơn.

Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Việc chăm sóc, giáo dục, giảng dạy phải được thiết kế đặc biệt, cần phải điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp giáo dục linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu riêng biệt của mỗi học sinh thiệt thòi, bị khiếm khuyết một phần cơ thể.

“Chính tình yêu thương, sự sẻ chia sâu sắc với những cuộc đời bất hạnh đã giúp các nhà giáo, cán bộ quản lý vượt qua muôn vàn khó khăn vất vả để hoàn thành nhiệm vụ; sự tiến bộ của các em mỗi ngày chính là niềm hạnh phúc của mỗi nhà giáo chúng ta.

Thấm thía nỗi đau của các bậc cha mẹ có con bị khuyết tật, các thầy cô đã luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật, nhiều sáng kiến của các thầy cô đã được áp dụng đạt kết quả” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, 194 nhà giáo và cán bộ quản lý được Bộ GD&ĐT tôn vinh, khen thưởng hôm nay là những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, tài năng, trí tuệ, đại diện cho hàng chục ngàn thầy cô giáo đang chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh khuyết tật trong cả nước, đã và đang âm thầm đóng góp công sức, trí tuệ, tình yêu thương, sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ để các em được đến trường, được học tập và phát triển.

Đây cũng là cơ hội để các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm hay, những bài học quý giá, những sáng tạo điển hình, những cảm xúc, kỷ niệm sâu sắc trong công tác chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật, đặc biệt là những khó khăn vất vả đã vượt qua để có được thành công ngày hôm nay, để từ đó, mỗi chúng ta học hỏi, áp dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình.

Từ những thành công bước đầu này, Thứ trưởng đề nghị các thầy cô giáo tiếp tục đổi mới, sáng tạo, với tình yêu thương học sinh khuyết tật, sẽ mãi là những nhà giáo mẫu mực về đức độ, tài năng, tinh thần tự học, được đồng nghiệp và nhân dân tin tưởng, yêu mến.

Các thầy cô chính là hạt nhân, đi đầu trong đổi mới phương pháp, đổi mới hình thức tổ chức giáo dục học sinh khuyết tật; bồi dưỡng, giúp đỡ, dìu dắt đồng nghiệp, để tất cả trẻ em học sinh khuyết tật đều có quyền vui chơi, học tập, góp phần vào việc thực hiện bình đẳng, công bằng trong giáo dục.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa biểu dương và ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục các địa phương trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật.

Đặc biệt, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn trân trọng và nhiệt liệt chúc mừng 194 nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật được tôn vinh trong lễ tuyên dương lần này...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ