Giáo viên cũng cần được tập huấn về sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông mới có một số điểm kế thừa và nhiều điểm khác so với chương trình giáo dục hiện hành khiến nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên quan tâm, đặc biệt là sách giáo khoa.  

GS Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ với độc giả báo Giáo dục và Thời đại về chương trình giáo dục phổ thông mới.
GS Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ với độc giả báo Giáo dục và Thời đại về chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề Sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới, GS. Đinh Quang Báo – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Về nguyên tắc, sách giáo khoa là cụ thể hóa chương trình giáo dục, đặc biệt là chương trình các môn học và hoạt động giáo dục.

Vậy, nếu chương trình giáo dục phổ thông mới khác với chương trình giáo dục trước đây thì sách giáo khoa cũng có những đổi mới. Điểm khác nhau là: Chương trình trước đây theo tiếp cận nội dung, mục tiêu và yêu cầu cần đạt chủ yếu là hướng tới tổ chức học sinh “lĩnh hội” được càng nhiều kiến thức thì càng tốt và đánh giá kết quả dựa vào khối lượng kiến thức mà các em lĩnh hội được.

Với đặc điểm đó, sách giáo khoa từ trước tới nay đang nặng về cung cấp thông tin về kiến thức môn học, mà chưa thực sự chú ý đến tổ chức hoạt động vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong học tập và thực tiễn đời sống.

Chương trình mới được phát triển theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, nghĩa là, mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình hướng vào hình thành ở học sinh năng lực “làm” được gì.

Theo đó, Sách giáo khoa phải chú ý cả hai chức năng là Cung cấp thông tin; Tổ chức học sinh gia công trí tuệ thông tin đó để giải quyết các vấn đề xảy ra trong tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng, bồi dưỡng giáo viên nhưng lại chưa có sách giáo khoa về Chương trình GDPT mới thì sẽ khó đạt hiệu quả. Chia sẻ với Báo GD&TĐ, GS Đinh Quang Báo cho biết: “Đúng là nếu có sách giáo khoa sẵn thì thuận lợi hơn cho người biên soạn chương trình và tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới. Lần đổi mới chương trình này khác trước ở chỗ là thiết kế một chương trình đảm bảo tường minh, để mọi người khi sử dụng chương trình đều cùng một cách hiểu, hay nói cách khác là đơn trị trong cách hiểu và đó chính là yêu cầu của một chương trình đảm bảo cho thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa.

Như vậy, mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình là cái bắt buộc, còn sách giáo khoa có thể có nhiều sáng tạo linh hoạt khác nhau để đáp ứng được yêu cầu cần đạt đó”.

GS Đinh Quang Báo cũng cho biết thêm, những người được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu tổ chức tập huấn cho giáo viên phải thực hiện hai công việc:

Một là, tổ chức giáo viên và cán bộ quản lý và người biên soạn sách giáo khoa, phân tích một cách tường minh để quán triệt đầy đủ yêu cầu cần đạt của chương trình. (Nghĩa là, giúp cho họ phải đọc được bản thiết kế)

Hai là, người biên soạn chương trình phải làm mẫu, lựa chọn thông tin liên quan đến môn học để nội dung đó vừa là một yếu tố cấu thành phẩm chất và năng lực học sinh, vừa là phương tiện để tổ chức học sinh khám phá, tìm hiểu. Qua đó, vừa lĩnh hội được kiến thức môn học, vừa phát triển được phẩm chất, năng lực chung và đặc thù. Cách lựa chọn nội dung đó có nhiều phương án khác nhau, miễn là đạt được yêu cầu về phẩm chất năng lực mà chương trình quy định.

Tới đây, giáo viên cũng phải được tập huấn để có thể sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung thông tin và tổ chức học sinh gia công xử lý thông tin. Thậm chí, họ có thể không dựa vào cuốn sách giáo khoa nào hoặc có thể dựa vào nhiều sách giáo khoa để lựa chọn thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ