Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường qua hoạt động ngoại khóa

GD&TĐ - Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên (SV) thông qua rèn luyện vệ sinh trường, lớp, một cách làm không mới nhưng lại được trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao (TDTT) Hà Nội tổ chức rất có hiệu quả, không chỉ góp phần tạo cảnh quan sư phạm sạch đẹp mà còn gắn kết tinh thần trách nhiệm của SV.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường qua hoạt động ngoại khóa

Sinh viên không tham gia vệ sinh môi trường sẽ bị lạc lõng

Đến trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội vào buổi sáng sớm, chúng tôi bất ngờ bởi bắt gặp một hoạt động khá lạ mắt đối với SV các trường đại học. đó là, khi mà màn sương sớm còn phủ đặc nhưng sau tiếng kẻng và nhạc hiệu báo thức buổi sáng của đài truyền thanh trường vang lên, tất cả SV toàn trường không ai bảo ai, người đẩy xe rác, người cầm chổi quét lá trong tiếng nói, tiếng cười rộn rã phá tan bầu không khí buổi sáng.

Điều khiến chúng tôi càng tò mò hơn bởi hầu hết SV làm việc này rất tự giác và thuần thục. Làm quen với mấy SV đang quét rác khu đường đi của trường chúng tôi được biết: Đây là việc làm thường xuyên của SV mỗi sáng. Công việc này được chính SV phân công nhau thực hiện luân phiên, mỗi lớp đảm nhiệm một khu vực trong trường.

Cứ vào 5 giờ 30 sáng đối với mùa hè, 6 giờ sáng đối với mùa đông, sau nhạc hiệu buổi sáng của đài truyền thanh trường và hồi kẻng báo thức, cùng tiếng còi của đội SV tự quản là tất cả SV đều phải thức dậy, người thì vệ sinh phòng ở, người thì đảm nhiệm vệ sinh các khu vực của lớp đã được phân công.

Sinh viên Tạ Thanh Long Lớp D12 Bơi lội A chia sẻ: Ban đầu khi mới vào trường nhập học và bắt tay vào việc dọn vệ sinh, quét rác ai cũng có cảm giác e ngại, nhưng thấy các anh chị khóa trước làm rất nhiệt tình, nên hầu hết các tân SV cũng nhanh chóng hòa mình và thấy công việc này hết sức bình thường.

Hơn nữa chúng em nhận thấy công việc quét dọn vệ sinh môi trường rất có ý nghĩa, bởi nó không chỉ giúp cho SV rèn luyện thói quen tự giác, mà còn nâng cao ý thức kỷ luật, gắn kết lao động tập thể và làm chủ môi trường sống của mình. Nhất là khi công việc này được nhà trường tính vào điểm rèn luyện, nên hầu hết SV đều tham gia với tinh thần rất cao, trở thành một phong trào mà nếu SV nào không hòa mình quét dọn vệ sinh môi trường thì sẽ trở thành người lạc lõng.

Mô hình sinh viên tự chủ từ điều đơn giản

Trao đổi với chúng tôi, thầy Đoàn Thanh Nam - thành viên Ban chủ nhiệm, phụ trách đội tự quản vệ sinh môi trường - cho biết: Hoạt động này được nhà trường duy trì trong suốt nhiều năm qua. Mỗi buổi sáng SV các lớp đều phải tiến hành làm vệ sinh môi trường theo sự phân công, mỗi lớp một khu vực trong khu vực trường và thực hiện chỉ trong vòng 20 phút, sau đó các em thực hiện việc sinh hoạt cá nhân để chuẩn bị bước vào một ngày học tập, rèn luyện mới.

Để đảm bảo cho hoạt động này được thực hiện xuyên suốt, chất lượng, hiệu quả, Ban chủ nhiệm sinh viên nhà trường thành lập đội tự quản vệ sinh môi trường mang tên “Đội môi trường xanh” với hơn 20 thành viên là SV tham gia theo dõi đôn đốc, triển khai các lớp, các khóa quét dọn thu gom rác thải tập kết về nơi quy định.

Nếu SV nào, lớp nào mà không thực hiện việc quét dọn vệ sinh xong phần việc của mình thì ngay lập tức bị các thành viên “Đội môi trường xanh” nhắc nhở trên loa phát thanh của trường, đồng thời sẽ bị ghi vào sổ để trừ điểm thi đua, điểm rèn luyện. Vì thế ý thức tham gia làm công việc này của SV rất đều đặn, trừ những buổi thời tiết trời mưa, còn tất cả các buổi sáng trong tuần, SV toàn trường đều dấy lên phong trào thi đua dọn vệ sinh môi trường rất sôi nổi.

Nói về cách làm khá đặc biệt so với các trường đại học trong cả nước, TS Phạm Anh Tuấn - Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên - cho biết thêm: Nhiều năm qua nhà trường không dừng lại ở việc đưa nội dung giáo dục môi trường vào giảng dạy trong chương trình chính khóa, mà luôn coi trọng việc tổ chức hoạt động ngoại khóa cho SV dọn vệ sinh trường, lớp.

Đây là một cách làm tuy không mới, nhưng lại rất hiệu quả với môi trường đào tạo giáo viên giáo dục thể chất, nơi có 98% SV đều được ở trong ký túc xá. Cái chính của công việc này là để trao cho SV cái quyền tự làm chủ môi trường sống của mình, chứ hoàn toàn không phải vì nhà trường không có kinh phí để thuê người quét dọn vệ sinh môi trường.

TS Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, qua thực tế duy trì suốt nhiều năm qua đã hình thành ý thức, thói quen cho SV giữ gìn vệ sinh trường lớp. Đến nay, hoạt động này được sự đồng tình ủng hộ từ đội ngũ giảng viên cho đến các bậc phụ huynh và xã hội. Tất cả mọi người đều nhận thấy đây là một việc làm nhằm tạo lập ý thức lao động, giữ gìn vệ sinh chung, tạo cảnh quan sư phạm sạch đẹp trong khuôn viên nhà trường và nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết của các sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ