Giáo dục Việt Nam đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ

Giáo dục Việt Nam đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, căn bản và toàn diện. Đâu sẽ là những phẩm chất và năng lực cần thiết đối với công dân Việt Nam mới mà ngành giáo dục hướng tới?

Giáo dục Việt Nam đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ

Trọng tâm của ngành giáo dục trong năm nay và những năm tiếp theo sẽ là nội dung được đề cập trong cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VTV với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong dịp đầu năm mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Ngày trước, "con ngoan, trò giỏi" là biết vâng lời, đạt điểm cao. Ngày nay, khái niệm này đã được mở rộng ra. "Con ngoan" đại diện cho phần đức, "trò giỏi" là năng lực.

Nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ để phát triển phẩm chất, năng lực vì sự tiến bộ của mỗi người, đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng cho hay: Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đưa ra yêu cầu về thực học, thực nghiệp. Theo đó, học sinh phải tư duy sáng tạo, được quyền nêu ý kiến mang tính xây dựng. 

Con cái cũng nên trao đổi thẳng thắn với phụ huynh, học cách chia sẻ, cảm thông, bày tỏ nhu cầu của bản thân.

Bộ trưởng lấy việc chọn nghề - công việc hệ trọng đối với mỗi người - làm ví dụ minh họa cho vấn đề này.

Ông cho hay cha mẹ thường quan tâm, thậm chí áp đặt suy nghĩ của bản thân lên mà bỏ qua năng lực và sở thích của con cái. Như vậy, cách làm truyền thống "con ngoan" phải vâng lời là chưa phù hợp.

Gần đây, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, bộ đúc rút 8 phẩm chất và 8 năng lực cốt lõi.

8 phẩm chất là nhân ái, khoan dung, chuyên cần, tiết kiệm, trách nhiệm, kỷ luật, trung thực, dũng cảm.

Ông nói thêm trong điều kiện mới, khoan dung không chỉ biết vị tha mà còn là phải biết tôn trọng sự khác biệt. Khái niệm tiết kiệm phải được hiểu sang vấn đề tiết kiệm tài nguyên để phát triển bền vững chứ không giới hạn ở tiền bạc cá nhân.

Các năng lực cốt lõi là tự chủ, hợp tác, sáng tạo cùng năng lực đặc thù như sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất và năng lực chuyên biệt còn được gọi là năng khiếu.

Bộ trưởng cho rằng phụ huynh cần đổi mới tư duy về lớp trẻ, cố gắng nêu gương về đức, tài để cùng ngành giáo dục đào tạo, bồi dưỡng bền vững.

Ngoài ra, giáo dục là sự nghiệp trồng người, mang tính lâu dài, cần kiên trì. Vì thế, ông mong muốn phụ huynh, giáo viên cần phải kiên nhẫn trong việc đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ.

Trao đổi đầu năm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nêu những trọng tâm của ngành giáo dục trong năm 2017.

Về bậc mầm non, bộ sẽ phối hợp các địa phương để đánh giá tình hình đào tạo giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng, phổ cập giáo dục mầm non.

Bậc phổ thông, Bộ đặc biệt ưu tiên việc xây dựng chương trình phổ thông mới, bao gồm chương trình học cụ thể và sách giáo khoa mới. Đến giữa năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện và công bố chương trình này.

Về giáo dục đại học, Bộ tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm định chất lượng, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, đặc biệt các trường sư phạm.

Đầu năm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hy vọng các thầy cô giáo giữ vững tâm huyết để cùng ngành thực hiện đổi mới giáo dục.

Ông cũng gửi lời cảm ơn, chúc mừng tốt đẹp đến thầy cô, phụ huynh đã đồng hành với ngành giáo dục và chúc học sinh, sinh viên năm mới với nhiều tiến bộ, thành công mới.

Theo VTV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ