Giáo dục trẻ khuyết tật: Cần tăng cường kỹ năng xã hội

GD&TĐ - Giáo dục kỹ năng xã hội (KNXH) cho học sinh (HS) khuyết tật trí tuệ (KTTT) giúp HS KTTT thiết lập các mối quan hệ xã hội ở trường học, dần dần hình thành thói quen thích ứng với những môi trường xã hội khác nhau và qua đó nâng cao khả năng hòa nhập. TS Nguyễn Văn Hưng - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trao đổi kỹ hơn về vấn đề này.

Giáo dục trẻ khuyết tật: Cần tăng cường  kỹ năng xã hội

Tích hợp thông qua hoạt động dạy học

Dạy học tích hợp đòi hỏi các nội dung học tập trong nhà trường phải được gắn với các tình huống của cuộc sống mà HS KTTT thể hiện các KNXH. Với cách hiểu như vậy, dạy học tích hợp phải được thể hiện ở các nội dung chương trình, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, hình thức tổ chức dạy học.

Tích hợp các hoạt động dạy học để giáo dục KNXH cho HS KTTT học hòa nhập cấp tiểu học phải bao hàm cả lĩnh vực học tập của HS khi tiếp cận KNXH như kiến thức, kĩ năng và thái độ. Phân tích các mục tiêu của hoạt động dạy học trong các môn học để tích hợp mục tiêu của giáo dục KNXH. Trong đó, mục tiêu của hoạt động giáo dục các môn học đã được hoạch định trong chương trình hoạt động giáo dục. Do vậy, cần phân tích các mục tiêu này, đặc biệt là các mục tiêu cụ thể của từng môn học, bài học để lựa chọn các mục tiêu phù hợp với mục tiêu giáo dục KNXH là cơ sở cho việc tích hợp.

Các biện pháp làm mẫu

Giáo viên có thể làm mẫu những hành vi, lời nói, thể hiện nét mặt, cử chỉ điệu bộ phù hợp trong các tương tác xã hội về những KNXH phù hợp cho HS KTTT bắt chước theo. Người lớn hoặc bạn đồng trang lứa có thể chỉ ra một điều gì đó được làm như thế nào bằng cách miêu tả, qua các đoạn video, qua xem phim, truyện tranh, qua mô hình… để HS KTTT quan sát và trải nghiệm.

Trong trường hòa nhập, GV và bạn bè là những người thể hiện/ diễn mẫu các thao tác KNXH để HS KTTT biết các hành vi, thao tác được thực hiện như thế nào. Các thao tác, hành vi này được xem là các mẫu hành vi chuẩn, được mọi người xung quanh và xã hội chấp nhận. Chú ý sử dụng hành vi mẫu để làm sao cho các bạn bè đồng trang lứa gần gũi hơn với các bạn HS KTTT như là những mô hình trợ giúp cho HS KTTT học các KNXH thông qua việc bắt chước, thực hiện theo mẫu.

Giáo dục thông qua câu chuyện xã hội

Câu chuyện xã hội là những truyện kể với nội dung để miêu tả tình huống, khái niệm hoặc KNXH làm theo một khuôn mẫu.

Các câu chuyện xã hội được xây dựng dựa trên những tình huống xã hội gần gũi, thường nhật mà HS KTTT thể hiện bối rối, khó chịu khi gặp phải. Do đó những tình huống xã hội này cần được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn (một giờ, một tiết học, một buổi học, một tuần học).

Đây chính là điều kiện thuận lợi để học sinh KTTT có thể thực hành ứng dụng những kỹ năng học được trong câu chuyện xã hội một cách thực tế nhất. GV cũng qua đó dễ dàng đánh giá được hiệu quả của câu chuyện xã hội đến hành vi, thái độ của HS KTTT trước tình huống xã hội.

Giáo dục kỹ năng xã hội thông qua tổ chức trò chơi

Các trò chơi sẽ giúp HS KTTT được thảo luận và thực hành những hành vi xã hội trước khi thực hiện trong tình huống thực. Những trò chơi này cho phép HS KTTT được thực hành những tình huống thực, trong môi trường an toàn và thoải mái. Kịch bản của trò chơi đề cập đến những KNXH trong cuộc sống hàng ngày và thói quen của HS KTTT.

Các trò chơi ở lứa tuổi HS tiểu học thường là các trò chơi mô phỏng cuộc sống thật của con người. Vì vậy biện pháp này là cách thiết kế một nội dung hoặc một KNXH đang cần phải hình thành cho HS KTTT. Một số loại trò chơi có thể được sử dụng như: Trò chơi học tập; trò chơi đóng vai; sử dụng các tình huống trong trò chơi tự do.

Giáo dục kỹ năng xã hội qua những tình huống thực tế

Các tình huống có thể nêu ra dưới nhiều dạng: Tình huống từ cách ứng xử, GV có thể đưa ra các tình huống yêu cầu HS KTTT nhận xét, đánh giá về cách ứng xử của các nhân vật trong tình huống và nêu các ứng xử phù hợp; Tình huống từ các bối cảnh hoạt động, thông qua những dấu hiệu của bối cảnh môi trường để HS KTTT biết cách thực hiện những KNXH một cách phù hợp trong các hoạt động cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ