Giáo dục Tiểu học của Hà Nội có những bước tiến vượt bậc

GD&TĐ - Giáo dục Tiểu học của Hà Nội có những bước tiến vượt bậc so với mặt bằng chung toàn quốc. Đây là điều kiện tốt để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian sắp tới.

Giáo dục Tiểu học của Hà Nội có những bước tiến vượt bậc

Đó là nhận định của ông Thái Văn Tài- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 giáo dục Tiểu học thành phố Hà Nội năm học 2018 – 2019.

Năm học 2018-2019, Hà Nội có 764 trường tiểu học (tăng 19 trường, 59.000 học sinh so với năm học trước). Các cơ sở giáo dục và nhà trường đã tổ chức triển khai và thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ và các phong trào theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, UBND TP và Sở GD&ĐT.

Kết quả hoạt động giáo dục đều đạt và vượt so với các chỉ tiêu được giao. Chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy và học tiếp tục nâng cao, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tập và đạt các tiêu chí về năng lực phẩm chất đều ở mức cao. Số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày tại Hà Nội trong học kỳ 1 tiếp tục tăng.

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao. Quá trình chỉ đạo, điều tra, tổng hợp dữ liệu, cập nhật phần mềm, lập hồ sơ phổ cập giáo dục có nhiều cải tiến, đổi mới và khoa học hơn.

100% trường tiểu học công lập trên địa bàn thành phố và hầu hết các trường ngoài công lập tham gia Đề án "Sữa học đường". Tỷ lệ học sinh tiểu học đăng ký tham gia là 72%. Các trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng sữa và phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức cho trẻ uống sữa.

Nói về nhiệm vụ của cấp tiểu học trong học kỳ 2 năm học 2018 – 2019, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trường làm tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học, cụ thể là điều tra, rà soát để có con số chính xác về số lượng học sinh cho năm học mới.

Từ đó, tham mưu với UBND quận phân tuyến tuyển sinh. Bên cạnh đó, phải tham mưu với chính quyền dành quỹ đất để xây thêm trường, xây thêm phòng học. Không để xảy ra tình trạng thiếu phòng học, đảm bảo cho học sinh tiểu học được học tối thiểu 5 ngày/tuần, và học 2 buổi/ngày.

Ông Phạm Xuân Tiến cũng đề nghị cán bộ quản lý các trường tiểu học phân công lao động, giờ dạy giữa các giáo viên một cách hợp lý, khoa học.

Thêm vào đó, quan tâm đến công tác tâm lý học đường. Giáo viên làm công tác tâm lý phải có các bài nói chuyện với học sinh, tạo sự gần gũi với các em; giúp các em hiểu giá trị vai trò của phòng tư vấn tâm lý, để các em không rụt rè đến đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ